Thiết kế chính sách giảm nghèo vì mục tiêu miền núi tiến kịp miền xuôi

Báo cáo của Chính phủ cho biết 9 tháng năm 2024, tỷ lệ giảm nghèo đạt chuẩn 1% và được cho là cố gắng lớn trong điều kiện thiên tai, lũ bão liên tiếp xảy ra. Tuy nhiên tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội vừa qua, các đại biểu đã đưa ra nhiều dẫn chứng cho thấy kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, vẫn còn chênh lệch mức sống giữa các địa phương, các vùng miền và đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm thiết kế chính sách phù hợp.

Năm 2024, số hộ nghèo tại 74 huyện nghèo tuy có giảm nhưng vẫn còn cao, chiếm tỉ lệ 31,72%, gấp 10,83 lần tỷ lệ hộ nghèo chung của cả nước; Mới chỉ có 1/22 huyện nghèo thuộc 17 tỉnh thoát khỏi tình trạng nghèo. Đáng chú ý, nguồn vốn đầu tư cho Chương trình giải ngân còn thấp. Nêu lên các con số đáng chú ý, đại biểu Ma Thị Thúy - Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang - nhấn mạnh các nội dung Chính phủ cần lưu ý trong thiết kế chính sách giảm nghèo thời gian tới.

Nhận định tỷ lệ hộ nghèo ở các tỉnh miền núi còn khoảng cách rất xa so với các tỉnh vùng đồng bằng và bình quân chung của cả nước, đại biểu Sùng A Lềnh - đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai chỉ rõ, Năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của cả nước là 5,7%, trong đó các tỉnh miền núi phía Bắc là 18,20%, gấp 4 lần so với bình quân chung của cả nước.

Là vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước, vừa qua các tỉnh trung du miền núi phía Bắc lại chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3; các đại biểu đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo rà soát, đánh giá tác động của thiên tai để có các giải pháp giảm nghèo khả thi, hiệu quả, sát với thực tế vào các tháng cuối năm 2024 và năm 2025.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/thiet-ke-chinh-sach-giam-ngheo-vi-muc-tieu-mien-nui-tien-kip-mien-xuoi-242531.htm