Thiết kế, nâng cấp cần phù hợp với tốc độ phát triển của địa phương

Tại phiên thảo luận về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo, chiều nay, 6.6, các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc giải phóng mặt bằng của các dự án thành phần vẫn còn rất chậm, một số đoạn mở mới đã không còn phù hợp với sự phát triển của địa phương.

Một số dự án thành phần giải phóng mặt bằng rất chậm

Cơ bản đồng tình với Tờ trình của Chính phủ về tổng kết, đánh giá tổng thể việc thực hiện Nghị quyết 66 của Quốc hội, ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải và các bộ, ngành liên quan cũng như các địa phương có dự án đi qua trong việc thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Về kết quả thực hiện Nghị quyết, đại biểu đồng tình với những nội dung trong Tờ trình của Chính phủ. Cụ thể, đã hoàn thành công tác lập quy hoạch và tích hợp quy hoạch ở mạng lưới đường bộ Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030. Công tác chuẩn bị dự án, đầu tư tổng thể dự án thành phần được thực hiện theo pháp luật về đầu tư xây dựng, đầu tư công. Công tác giải phóng mặt bằng có nhiều cố gắng, việc cắm mốc lộ giới đến nay đã hoàn thành toàn tuyến, hoàn thành 2.362 km, đạt 86,1% và 258km tuyến nhánh trong đó có một số dự án thành phần vượt tiến độ so với yêu cầu của Quốc hội; hoàn thành được 153 km cao tốc theo quy hoạch và đang chuẩn bị đầu tư tiếp 287km cao tốc.

Vốn cân đối và bố trí vốn cho các dự án là 79 nghìn tỷ đồng đạt khoảng 89,4% đã thu hút nhiều nguồn vốn khác nhau, trong đó vốn xã hội hóa đạt được 19%. Các dự án hoàn thành cơ bản đã tiếp cận xong, công tác quản lý bảo trì, bảo vệ môi trường được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: Quang Khánh

Các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: Quang Khánh

"Tuy nhiên, dự án vẫn còn những tồn đọng", ĐB Trần Văn Tiến nói. Trong đó, một số dự án thành phần giải phóng mặt bằng rất chậm, đến nay vẫn còn dự án giải phóng mặt bằng chưa xong, việc cắm mốc lộ giới chậm 2 năm so với Nghị quyết 66 của Quốc hội, tiến độ hoàn thành dự án không đạt so với Nghị quyết. Vốn bố trí không đáp ứng yêu cầu tiến độ đầu tư, vẫn còn một số tuyến dự án thành phần chưa xác định được nguồn vốn. Một số dự án thành phần thực hiện theo phương thức PPP không khả thi. Việc đầu tư các trạm dừng xe trên tuyến còn rất hạn chế, chưa đồng bộ. Một số dự án thành phần đã hoàn thành nhưng chưa được quyết toán, việc tổng kết đánh giá còn nhiều nội dung Nghị quyết 66 chưa được đề cập tới.

Cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương

Nêu nguyên nhân của hạn chế nêu trên, ĐB Trần Văn Tiến chỉ rõ, một là ý thức của người dân trong việc chấp hành các chính sách giải phóng mặt bằng; hai là, cấp ủy chính quyền địa phương các cấp có dự án đi qua chưa quyết liệt trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng; ba là, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan chưa lường hết được các khó khăn, vướng mắc khi thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh.

Đại biểu Quốc hội Bế Minh Đức (Cao Bằng) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Đại biểu Quốc hội Bế Minh Đức (Cao Bằng) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Nêu thực trạng tại địa phương, ĐBQH Bế Minh Đức (Cao Bằng) cho biết, hiện nay có một số đoạn mở mới, một số đoạn được đầu tư trên tuyến đường hiện hữu nhưng về tầm nhìn của một số đoạn của tuyến đường Hồ Chí Minh thì không đáp ứng được sự phát triển của các địa phương. Đặc biệt là một số đoạn của tuyến đường thiết kế đi qua các khu đô thị, thị trấn, trung tâm của các huyện sau nhiều năm thi công kéo dài và đưa vào sử dụng đến nay tuyến đường thiết kế 2 làn đối đầu đã không còn phù hợp. Do đó, đại biểu tỉnh Cao Bằng đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải trong phê duyệt các đoạn, thiết kế các đoạn, tuyến đường cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương để tính toán xu hướng phát triển, mở rộng đô thị theo quy hoạch, từ đó có thiết kế, nâng cấp đầu tư quy mô đoạn đường phù hợp với tốc độ phát triển của vùng, của địa phương, đầu tư các tuyến nhánh khi đi qua các khu vực trung tâm huyện có mật độ dân cư cao.

ĐB Bế Minh Đức cũng đề nghị Chính phủ cần làm rõ hơn những khó khăn, vướng mắc và hạn chế, nguyên nhân trong thời gian qua, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan trong việc chậm hoàn thành nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh; việc tích hợp dự án đường Hồ Chí Minh và quy hoạch mạng lưới đường bộ đã bảo đảm đầy đủ, toàn diện, ổn định theo đúng tinh thần Nghị quyết 66 hay chưa. Bên cạnh đó, đề Nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, đầu tư nâng cấp tuyến đường trong giai đoạn tiếp theo bảo đảm phù hợp với quy hoạch, cân nhắc thời hạn hoàn thành các dự án cao tốc phù hợp với quy hoạch và nguồn lực hiện nay, bảo đảm tính khả thi.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/thiet-ke-nang-cap-can-phu-hop-voi-toc-do-phat-trien-cua-dia-phuong-i291314/