Thiết lập lằn ranh pháp lý cho người nổi tiếng

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV vừa thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Tại phiên thảo luận, vấn đề người nổi tiếng, các Facebooker, YouTuber, TikToker quảng cáo sản phẩm sai sự thật nhận được nhiều ý kiến thảo luận.

Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa quy định liên quan đến người nổi tiếng tham gia quảng cáo vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo nhằm siết chặt hoạt động quảng cáo, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quy định rõ hơn về trách nhiệm của người vi phạm.

Chúng ta đều biết thời gian gần đây có rất nhiều người nổi tiếng gồm các nghệ sĩ, diễn viên, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đã tham gia quảng cáo thổi phồng công dụng hoặc không đúng sự thật về một số sản phẩm nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Trên mạng xã hội và báo chí nhiều người viết đã bức xúc gọi đây là hành vi lừa đảo, vô nhân tính. Một số người nổi tiếng vì tiền đã bất chấp và người tiêu dùng vì lòng tin ngây thơ đã trở thành “bầy cừu” để người nổi tiếng “lùa vào chuồng”.

Bức xúc, và có phần quá lời, nhưng phản ánh đúng bản chất vấn đề. Pháp luật về quảng cáo đang không theo kịp diễn biến đời sống, dẫn đến những lằn ranh pháp luật và đạo đức bị nhiều người bước qua một cách dễ dàng.

Nhằm sớm ngăn chặn, trong dự thảo luật trình kỳ họp lần này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất nghệ sĩ không được phép quảng cáo cho sản phẩm hoặc dịch vụ mà họ không sử dụng hoặc không đảm bảo chất lượng. Nghệ sĩ chỉ được phép quảng cáo cho sản phẩm hoặc dịch vụ phù hợp với hình ảnh, giá trị của họ, nhằm bảo vệ người tiêu dùng khỏi những thông tin sai lệch.

Tại phiên thảo luận dự thảo luật, ngoài đề xuất nâng mức phạt, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị rà soát, bổ sung các quy định về đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp, trách nhiệm pháp lý, nhất là với những người có ảnh hưởng.

Vấn đề được nhấn mạnh đó là, “đề nghị nâng cao mức phạt để đảm bảo tính răn đe, góp phần bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền lợi của người tiêu dùng. Đồng thời tạo ra một môi trường quảng cáo lành mạnh, bình đẳng. Cùng với đó, cần rà soát, bổ sung các quy định về đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp, trách nhiệm pháp lý nhất là những người có ảnh hưởng”. Và “trong trường hợp người tham gia quảng cáo nếu làm trong các cơ quan, tổ chức, khi vi phạm quy định quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo sai sự thật, thì các cơ quan, tổ chức quản lý cần có cơ chế quản lý chặt chẽ. Đồng thời cần sửa đổi quy chế hoạt động nội bộ, quy định cụ thể về trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp khi tham gia hoạt động quảng cáo và quy định rõ các hình thức xử phạt. Bên cạnh đó, cũng cần xem xét trách nhiệm hội đồng thẩm định quản lý quảng cáo để đảm bảo các cơ quan liên quan đều phải có trách nhiệm”.

Một số đại biểu Quốc hội cũng dẫn ra mức phạt rất khắt khe ở những quốc gia có ngành công nghiệp quảng cáo phát triển như tại Hàn Quốc cấm hành vi quảng cáo trá hình trên mạng xã hội, nếu vi phạm sẽ bị phạt tối đa khoảng 8,7 tỷ đồng. Năm 2022, nước này cũng bổ sung cấm nghệ sĩ làm gương mặt đại diện cho các hãng rượu để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ.

Sau những hậu quả rất nghiêm trọng liên quan đến việc người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật gây tác động tiêu cực cho xã hội, vấn đề quảng cáo đã được đặc biệt quan tâm với mong muốn lập lại sự trong sạch. Những đề xuất của cơ quan soạn thảo và ý kiến của đại biểu Quốc hội vào dự án luật cho thấy đã đến lúc phải thiết lập một lằn ranh mới với độ cảnh giới cao hơn rất nhiều cho người nổi tiếng. Dự thảo luật sẽ tiếp tục được thảo luận kỹ trước khi đi đến quyết định, để có thể cùng lúc hài hòa được các yếu tố đó là vừa đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, quyền tự do thương mại và tự do sáng tạo của nghệ sĩ.

Sau khi “lòng tin tiêu dùng bị đánh cắp” một cách thô bạo, người tiêu dùng đang được thắp lên những hy vọng về một hiệu lực pháp lý mới.

Thái Minh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thiet-lap-lan-ranh-phap-ly-cho-nguoi-noi-tieng-248345.htm