Thiết lập 'luồng xanh' cho nông sản vùng dịch

Chuyện giải quyết đầu ra cho nông sản, khi thời điểm phong tỏa ở vùng quê này, lúa hè thu bắt đầu vào mùa thu hoạch, thanh long, nho đã thu hoạch lai rai chưa kịp tính cách thế nào?

Thiết lập

Chăm sóc nho ở Tuy Phong. ảnh: N.Lân

Chăm sóc nho ở Tuy Phong. ảnh: N.Lân

Chủ yếu lo sức khỏe

0 giờ ngày 27/6, thôn Lạc Trị, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong đã chính thức phải phong tỏa, sau khi phần lớn trong 8 ca bệnh Covid-19 xuất hiện trong đợt dịch lần thứ 4 tại tỉnh đến thời điểm này đều phát hiện ở đây. Trước đó ngày 23/6, ngày ở đây có ca bệnh đầu tiên, xã Phú Lạc cũng đã lập chốt kiểm soát để ngăn chặn người trong khu dân cư có ca nghi nhiễm ra ngoài, phục vụ công tác tầm soát lấy mẫu và theo dõi sức khỏe người dân trong khu vực nhằm phòng chống bệnh lây lan. Và bây giờ, 3 chốt kiểm soát dịch Covid-19 liên ngành tiếp tục kiểm soát tại thôn Lạc Trị. Cụ thể, tại 1 vị trí thuộc đường liên xã Liên Hương - Phong Phú, tại đường ra khu nội đồng thuộc thôn Lạc Trị và tại Trường mẫu giáo Phú Lạc (cơ sở Phú Điền).

Trong kế hoạch tổ chức phong tỏa, cách ly, xử lý ngăn ngừa dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng làm phát sinh ổ dịch tại thôn Lạc Trị, UBND xã Phú Lạc nhấn mạnh 4 hoạt động chính. Đó là tổ chức phong tỏa rà soát người tiếp xúc ca nghi nhiễm; tổ chức phong tỏa cách ly tại cộng đồng; tổ chức tiếp nhận, hỗ trợ, cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt cơ bản của người dân và công tác tuyên truyền cho nhân dân tránh hoang mang trước dịch bệnh. Các biện pháp kiểm soát dịch bệnh theo chỉ đạo của UBND huyện Tuy Phong theo tinh thần phương châm 5 tại chỗ gồm: “lực lượng chống dịch tại chỗ; chỉ huy tại chỗ; vật tư, trang thiết bị tại chỗ; thuốc men, sinh thiết tại chỗ và nhiệm vụ tại chỗ”. Tuy nhiên, chuyện giải quyết đầu ra cho nông sản, khi thời điểm phong tỏa ở vùng quê này, lúa hè thu bắt đầu vào mùa thu hoạch, thanh long, nho đã thu hoạch lai rai chưa kịp tính cách thế nào.

Lo nông sản bị dồn ứ

Theo ông Huỳnh Tấn Sinh, Chủ tịch UBND xã Phú Lạc cho biết, những ngày qua, xã lo các khâu liên quan đến kiểm soát dịch bệnh, tránh lây lan, giữ ổn định an ninh trật tự cũng như củng cố tư tưởng người dân nên chưa chú ý chuyện đầu ra nông sản. Đến hôm nay, ở thôn Lạc Trị đã và đang có các loại nông sản chưa tiêu thụ kịp, bỏ thối hoặc tiêu thụ được nhưng giá rất thấp gồm các loại rau hành, 45 tấn thanh long, 20 tấn nho… Những ngày tới, đến lúc nông sản thu hoạch rộ trên toàn xã, nhất là vào mùa gặt lúa mà dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, cũng chưa biết sẽ tính toán sao để bảo đảm cho công tác phòng dịch nhưng vẫn tiêu thụ được nông sản cho bà con với giá tốt nhất.

Thu hoạch lúa ở Tuy Phong. ảnh: N.Lân

Thu hoạch lúa ở Tuy Phong. ảnh: N.Lân

Thực tế đâu chỉ có mỗi thôn Lạc Trị hay cả xã Phú Lạc mà các xã khác như Phong Phú, Phan Dũng có đi qua tuyến đường Liên Hương – Phong Phú, nơi có chốt kiểm soát dịch cũng bị ảnh hưởng trong tiêu thụ nông sản. Có thể thương lái không vào mua. Có thể thương lái đi đường khác đến thì giá cũng không đủ chi phí bỏ ra. Ông Nguyễn Việt Hùng, Chủ tịch UBND xã Phong Phú bày tỏ sự quan ngại, khi toàn xã hiện có 191 ha thanh long, 31 ha táo và 3 ha nho đang thu hoạch; hơn 950 ha lúa hè thu khoảng 20 ngày nữa sẽ vào mùa gặt. Đến xã Phong Phú, không chỉ có đường Liên Hương – Phong Phú mà còn có đường Nha Mé – Phong Phú ra QL1A nhưng lâu nay, thương lái thường đến địa bàn xã mua nông sản qua đường Liên Hương – Phong Phú, vì đường gần hơn một nửa. Với tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, tâm lý chung ai cũng ngại đến vùng dịch, chứ không chỉ thương lái cộng thêm đường vận chuyển xa hơn nhiều thì khả năng, nông sản trong xã sẽ bị ảnh hưởng trong tiêu thụ cũng như giá cả…

“Luồng xanh” hình thành

Đây là câu chuyện không mới từ khi dịch Covid-19 xuất hiện và quay lại, nhất là tại các vùng quê, nơi có hàng nông sản đang mùa thu hoạch. Như trong tháng 6 này, khi cây trái vào mùa thu hoạch rộ thì dịch bệnh lại bùng phát ở nhiều nơi. Theo quan sát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại các địa phương áp dụng biện pháp phòng dịch quá mức cần thiết khi không cho phép phương tiện vận chuyển nông sản của địa phương khác đi qua, dù có giấy xác nhận an toàn dịch bệnh đối với lái xe và hàng hóa. Do đó, Bộ Nông nghiệp đã thiết lập “luồng xanh” giải phóng nông sản, điển hình là trái vải Bắc Giang.

Tại một cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phân tích, “luồng xanh” ấy xuất phát từ học tập mô hình tại tâm dịch Covid-19 ở Vũ Hán (Trung Quốc), khi giãn cách xã hội. Từ đó, bộ đã đề xuất cơ chế phối hợp giữa Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương và Bộ Y tế cùng giám sát từ khâu thu hoạch, đóng gói nông sản đến vùng sản xuất, phương tiện, người vận chuyển... Bộ Y tế sẽ là cơ quan cấp giấy xác nhận an toàn cho các phương tiện, lô hàng. Khi có giấy này, các địa phương cần tạo điều kiện để xe chở nông sản lưu thông thuận tiện, nhanh chóng qua các chốt kiểm soát dịch Covid-19 đưa hàng ra thị trường nhanh nhất…

Đây được xem là một hệ thống giải pháp để giải quyết vấn đề hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong bối cảnh hiện nay ở tỉnh.

Ông Nguyễn Trung Trực, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong cho biết, thời gian phong tỏa chỉ 14 ngày (tức ngày 6/7 sẽ dứt điểm) bà con vẫn ra đồng, nông sản ở vùng dịch và xung quanh như thanh long, nho, táo, huyện đang tính các phương án để tiêu thụ, tránh dồn ứ. Riêng lúa, phải 15 - 20 ngày nữa, Tuy Phong mới vào mùa gặt nên hy vọng đó là thời gian phong tỏa dịch chấm dứt…

Bích Nghị

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/thiet-lap-luong-xanh-cho-nong-san-vung-dich-138816.html