Thiết lập nền tảng Tài chính số hiện đại, công khai và minh bạch

Dựa trên những nỗ lực đầu tư đổi mới về công nghệ và nhân lực, ngành Tài chính sẽ chủ động và tận dụng tốt hơn các cơ hội để thiết lập nền tảng Tài chính số hiện đại, công khai và minh bạch. Đó là cơ sở để vừa tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý tài chính – ngân sách quốc gia, vừa mang lại nhiều lợi ích thiết thực hơn cho doanh nghiệp và người dân.

Thời gian qua, toàn ngành Tài chính đã nỗ lực thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc và chứng khoán, quá đó đã đạt nhiều kết quả tích cực. Chuyển đổi số trong ngành tài chính không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý của ngành, mà còn mang lại lợi ích cho xã hội qua việc góp phần giảm thiểu thủ tục giấy tờ, rút ngắn thời gian và giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân.

Có thể nói, ngành tài chính là một trong những bộ ngành tiên phong về chuyển đổi số và đạt được nhiều kết quả tích cực trong thời gian qua. Cùng với sự phát triển ngày càng nhanh của các công nghệ số, như Trí tuệ nhân tạo – AI, chuỗi khối – Blockchain, đang tạo thêm điều kiện để ngành tài chính phục vụ doanh nghiệp và người dân tốt hơn.

Đặc biệt, việc xử lý dữ liệu lớn – BigData, một nguồn tài nguyên khổng lồ, đặc thù của ngành tài chính và rất quan trọng đối với nền kinh tế, cũng đang đặt ra yêu cầu mới. Do đó, yêu cầu đặt ra là ngành Tài chính cần chủ động và tận dụng tốt hơn các cơ hội để thiết lập nền tảng Tài chính số hiện đại, công khai và minh bạch, vừa tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý tài chính – ngân sách quốc gia, vừa mang lại nhiều lợi ích thiết thực hơn cho doanh nghiệp và người dân

Mới đây, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội thảo - Triển lãm về tài chính số trong quản lý ngân sách nhà nước năm 2024. Đây là sự kiện thường niên lần thứ 3, tạo chuỗi diễn đàn để các chuyên gia tài chính và chuyên gia công nghệ cùng trao đổi, cập nhật những cơ hội và thách thức của ngành tài chính trong kỷ nguyên số. Tại diễn đàn năm nay, các chuyên gia nhấn mạnh vai trò quan trọng của thiết lập nền tảng tài chính số hiện đại, công khai và minh bạch.

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục thuế cho biết về khối lượng dữ liệu khổng lồ và đặc thù đang được ngành thuế quản lý: "Giao dịch của doanh nghiệp và người dân được lưu giữ tại cơ quan thuế. Hiện nay chúng tôi lưu giữ 9,6 tỷ giao dịch điện tử trên hệ thống, là cơ sở dữ liệu lớn phục vụ công tác quản lý trong chuyển đổi số."

Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, sự chuyển đổi kinh doanh của các doanh nghiệp sang nền tảng số, thì một trong những thách thức lớn nhất của ngành Tài chính là đuổi kịp với các doanh nghiệp về áp dụng khoa học công nghệ, nền tảng mới, để có thể bao quát hết được các hình thức kinh doanh, các nguồn thu của doanh nghiệp. Trong khi đó, việc thu thập, quản lý và phân tích, xử lý dữ liệu còn hạn chế, các hệ thống công nghệ thông tin nội ngành đôi chỗ chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế vì đã được đầu tư xây dựng cả chục năm trước.

Do đó, ông Đoàn Thanh Tùng, Phó Cục trưởng, Cục Tin học và Thống kê tài chính thuộc Bộ Tài chính nhìn nhận: "Bộ Tài chính đang vướng mắc trong việc áp dụng cơ chế đặc thù với kinh phí thường xuyên để chi hoạt động tăng cường năng lực hiện đại hóa, thời gian qua nỗ lực lớn nhưng kinh phí đầu tư công nghệ thông tin còn chờ Nghị định ban hành tới đây. Thời gian tới khi nghị định ban hành thì khó khăn này được tháo gỡ."

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng Bộ Tài chính đã nhận thức rõ, với vai trò “huyết mạch” của nền kinh tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước là yêu cầu bắt buộc, là một nhiệm vụ cấp bách, quan trọng cần tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, hiệu quả.

Lộ trình chuyển đổi số ngành tài chính

Lộ trình chuyển đổi số ngành tài chính

Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng cho biết, ngành tập trung vào 3 vấn đề chính, là: thể chế, công nghệ và con người, trong đó xác định: thể chế đi trước, công nghệ và con người là nền tảng tạo tiền đề để phát triển.

"Về công nghệ, tập trung nâng cao năng lực hạ tầng số, hoàn thiện dữ liệu số, đẩy mạnh phát triển các ứng dụng, dịch vụ số, an toàn, an ninh mạng; tăng cường triển khai, thử nghiệm các công nghệ mới như AI, Bigdata,.. nhằm phục vụ các hoạt động chuyên ngành cốt lõi và các hoạt động phục vụ người dân, doanh nghiệp…"- ông Bùi Văn Khắng nói.

Về nhân lực, Bộ Tài chính cũng sẽ chú trọng vào việc nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của cán bộ công chức trong ngành, với tinh thần là: quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt trong quá trình chuyển đổi số. Theo đó, dựa trên những nỗ lực đầu tư đổi mới về công nghệ và nhân lực, ngành Tài chính sẽ chủ động và tận dụng tốt hơn các cơ hội để thiết lập nền tảng Tài chính số hiện đại, công khai và minh bạch. Đó là cơ sở để vừa tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý tài chính – ngân sách quốc gia, vừa mang lại nhiều lợi ích thiết thực hơn cho doanh nghiệp và người dân.

100% thủ tục hành chính của Kho bạc Nhà nước đã thực hiện toàn trình và tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. 100% đơn vị sử dụng ngân sách thuộc đối tượng quy định đã tham gia dịch vụ công trực tuyến của kho bạc và Kho bạc Nhà nước đã kết nối dịch vụ công trực tuyến với phần mềm kế toán của 25% tổng số đơn vị sử dụng ngân sách.

Về quản lý thuế, đã có hơn 5,7 triệu lượt cá nhân sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập vào hệ thống thuế điện tử eTax-Mobile. Nhờ đó, trong kỳ quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2023, thực hiện vào tháng 4 năm 2024, hệ thống của cơ quan thuế đã tiếp nhận 536 nghìn tờ khai quyết toán của cá nhân, đạt 150% so với cùng kỳ năm trước.

Trong lĩnh vực hải quan, gần 60% số thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình; khoảng 30% được cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần; còn lại đều được cung cấp thông tin trực tuyến.

Trung Hiếu/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/thiet-lap-nen-tang-tai-chinh-so-hien-dai-cong-khai-va-minh-bach-post1124999.vov