Thiết lập và cấp mã số vùng trồng: Người dân chưa mặn mà, chính quyền thờ ơ
Xây dựng vùng trồng gắn với cấp mã số giúp sản phẩm thuận lợi trong tiêu thụ, đặc biệt là xuất khẩu đến các thị trường khó tính. Tuy nhiên, người dân, các tổ chức sản xuất, cũng như chính quyền địa phương chưa quan tâm đến vấn đề này.
Mã số vùng trồng (MSVT) là mã số định danh cho một vùng trồng trọt, nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, giám sát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc cây trồng. Nếu không có MSVT, mã số cơ sở đóng gói - yêu cầu bắt buộc của nước nhập khẩu, thì nông sản không đủ điều kiện xuất khẩu tại một số thị trường trên thế giới.
Người dân chưa quan tâm
Từ năm 2018, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai công tác thiết lập, thống kê vùng trồng và cơ sở đóng gói dưa hấu, ớt, chuối... để đề nghị Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cấp MSVT cho 41 vùng trồng ớt, chuối và dưa hấu. Tuy nhiên, hiện có 21 vùng trồng chuối và dưa hấu tại huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, TP.Quảng Ngãi và TX.Đức Phổ không có khả năng duy trì MSVT. Nguyên nhân là do diện tích không đảm bảo tối thiểu 10ha/vùng trồng; cộng với người dân đã chuyển đổi hoặc trồng xen nhiều loại cây trồng trên cùng một diện tích, nên không đáp ứng các quy định của Quy trình thiết lập và giám sát vùng trồng.
Phát triển vùng cây ăn quả gắn với chủ động thiết lập và cấp mã số vùng trồng là một trong những giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề tiêu thụ, nâng cao giá trị cạnh tranh sản phẩm.
Ông Trần Văn Dũng, ở xã Bình Dương (Bình Sơn) cho rằng, điều kiện để được cấp MSVT là vùng sản xuất lớn, tập trung, trong khi tôi thuê đất trồng ớt, dưa hấu ở nhiều vùng khác nhau, nên không thể đáp ứng yêu cầu này. Hơn nữa, chi phí thực hiện việc cấp MSVT tương đối lớn, còn thu nhập của những người trồng ớt, dưa hấu như chúng tôi thì bấp bênh nên rất khó thực hiện.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 20 vùng trồng dưa hấu tại các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Mộ Đức và TP.Quảng Ngãi đã được cấp MSVT và có khả năng duy trì MSVT, nhưng hiện chưa có tổ chức, cá nhân nào đăng ký thực hiện các thủ tục duy trì MSVT theo quy định. Nếu không đáp ứng các yêu cầu của Quy trình thiết lập và giám sát vùng trồng, 20 vùng trồng cũ sẽ bị thu hồi MSVT và loại ra khỏi vùng trồng phục vụ xuất khẩu.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, nguyên nhân nông dân không quan tâm đến việc cấp MSVT là vì họ chưa thấy được hiệu quả của việc cấp MSVT phục vụ thị trường xuất khẩu. Hơn nữa, không phải quốc gia, thị trường nhập khẩu nông sản nào cũng đưa tiêu chuẩn về MSVT vào quy định xuất, nhập khẩu. Hiện nay, có tình trạng thương lái thu mua chuối, dưa hấu tại các vùng chưa được cấp MSVT, nhưng lại “mượn” MSVT để thực hiện các thủ tục xuất khẩu. Vì vậy, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất và kinh doanh trên địa bàn tỉnh chưa chú trọng, thậm chí phớt lờ việc xây dựng MSVT cho nông sản. Trong khi đó, chính quyền nhiều địa phương cũng chưa quan tâm đến vấn đề này.
Đến thời điểm này, ngoài huyện Bình Sơn và TX.Đức Phổ, các địa phương chưa tổ chức tập huấn, phổ biến các quy định liên quan đến MSVT, mã số cơ sở đóng gói cho nông dân, cơ sở sản xuất và kinh doanh nông sản. Vì vậy, toàn tỉnh hiện chỉ có 10 vùng trồng mới dưa hấu, ớt (diện tích khoảng 186ha) đăng ký cấp MSVT để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và chưa có mã số cơ sở đóng gói sản phẩm nào được cấp.
Tăng cường công tác tuyên truyền
Trung Quốc, thị trường tiêu thụ sản phẩm dưa hấu và ớt lớn nhất hiện nay, đang có những yêu cầu nghiêm ngặt về điều kiện nhập khẩu, trong đó, có MSVT và mã số cơ sở đóng gói. Để đáp ứng nhu cầu thị trường Trung Quốc, cũng như hướng tới việc xuất khẩu nông sản bền vững tại các nước, Sở NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với chính quyền các địa phương quan tâm, tăng cường công tác tập huấn nội dung, ý nghĩa, quy trình sản xuất và bảo quản nông sản, giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật... cho người dân trong vùng được cấp MSVT.
Ớt là một trong những mặt hàng mà thị trường Trung Quốc yêu cầu phải có mã số vùng trồng, nhưng người dân, cơ sở thu mua và chính quyền các địa phương chưa quan tâm thực hiện.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Quang Trung cho biết, ngoài chuối, dưa hấu và ớt, cần khuyến khích người dân, doanh nghiệp thực hiện đăng ký MSVT đối với sản phẩm lúa gạo và trái cây. Dù sản lượng nông sản của tỉnh dồi dào, nhưng chưa thu hút được doanh nghiệp có quy mô, tiềm lực vào đầu tư liên kết phát triển sản xuất. Vì vậy, việc triển khai thực hiện xây dựng MSVT cho sản phẩm lúa gạo, trái cây sẽ nâng cao giá trị cạnh tranh của sản phẩm, thu hút nguồn lực đầu tư.
Hiện nay, công tác giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói sau khi được cấp mã số vẫn còn nhiều hạn chế, các doanh nghiệp và người sản xuất chưa chủ động xây dựng vùng nguyên liệu, cũng như chưa đảm bảo duy trì đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật theo quy định của nước nhập khẩu. Vì vậy, cùng với việc quản lý chặt chẽ nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm từ MSVT, mã số cơ sở đóng gói, Sở NN&PTNT kiến nghị Bộ NN&PTNT xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia quản lý nông sản xuất khẩu, đảm bảo minh bạch thông tin sản lượng, chủng loại sản phẩm xuất khẩu. Đồng thời, tuyên truyền người dân, chủ cơ sở, doanh nghiệp có biện pháp bảo vệ MSVT, kịp thời thông báo cho cơ quan quản lý khi phát hiện vi phạm liên quan đến việc sử dụng MSVT, để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh tình trạng mạo danh MSVT, mã số đóng gói.
Bài, ảnh: MỸ HOA