Thiệt thòi của nhà thiên văn học nữ vĩ đại nhất trong lịch sử
Được mệnh danh là nhà thiên văn học nữ vĩ đại nhất trong lịch sử, song vì sự phân biệt giới tính, danh tính và những đóng góp của bà Cecilia ít được ghi nhận
Nữ sinh có phát hiện đột phá này là Cecilia Payne-Gaposchkin (1900-1979). Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng đây là phát hiện của bà.
Năm 2002, Jeremy Knowles – trưởng khoa Khoa học và Nghệ thuật của ĐH Harvard đã nói về Cecilia như thế này: “Kể từ khi qua đời vào năm 1979, người phụ nữ phát hiện ra cấu tạo của vũ trụ này đã không được ghi nhận nhiều, ngay cả là một tấm bia tưởng niệm. Cáo phó cũng không đề cập đến phát hiện vĩ đại nhất của bà…”
“Học sinh phổ thông nào cũng đều biết rằng Newton phát hiện ra trọng lực, Darwin phát hiện thuyết tiến hóa, Einstein phát hiện ra thuyết tương đối. Nhưng khi nói đến thành phần của vũ trụ, sách giáo khoa chỉ đơn giản viết rằng thành phần chủ yếu của vũ trụ là hydro. Và không ai từng tự hỏi làm sao mà chúng ta biết được điều đó”.
“Sau khi nhận bằng tiến sĩ, bà giảng dạy ở khoa Thiên văn học, nhưng những bài giảng của bà không được liệt kê trong danh mục khóa học. Bà hướng dẫn nghiên cứu sinh mà không được trao bất cứ một chức vị nào. Mức lương ít ỏi của bà được khoa phân loại là chi phí “trang thiết bị”. Dù vậy, bà vẫn sống sót và phát triển mạnh mẽ”.
Cecilia sinh năm 1900 ở Wendover, England. Từ nhỏ, bà đã mơ ước trở thành một nhà khoa học. Năm 1919, bà được nhận học bổng chuyên ngành Khoa học tự nhiên của trường nữ sinh Newnham College, ĐH Cambridge.
Mặc dù hoàn thành việc học tập ở đây nhưng Cambridge không trao bằng cho phụ nữ cho tới năm 1948.
Cecilia nhận ra rằng, với rất ít cơ hội dành cho phụ nữ trong giới học thuật Anh, lựa chọn duy nhất của bà là trở thành một giáo viên phổ thông. Tuy vậy, sau khi được giới thiệu với giám đốc Đài Thiên văn Harvard College - Harlow Shapley, bà quyết định tiếp tục theo đuổi sự nghiệp khoa học và chuyển tới Mỹ.
Giảng viên cũ của bà là Arthur Eddington đã từng viết thư giới thiệu về bà như sau: “Cô ấy có một nền tảng kiến thức rộng lớn về khoa học vật lý, bao gồm thiên văn học, đồng thời sở hữu những phẩm chất đáng quý trong công việc, đó là sự nhiệt huyết và năng lượng tràn đầy. Tôi tin rằng cô ấy chính là người mà khi được trao cơ hội sẽ cống hiến cả cuộc đời mình cho thiên văn học. Cô ấy cũng sẽ không muốn chạy trốn để kết hôn sau những năm tháng được đào tạo”.
Năm 1923, Cecilia trở thành nghiên cứu viên tại ĐH Harvard. 2 năm sau, bà trở thành người đầu tiên nhận bằng tiến sĩ ở Radcliffe College trong lĩnh vực thiên văn học nhờ công việc nghiên cứu mà bà đã làm ở Đài Thiên văn Harvard College.
Luận án tiến sĩ xuất sắc của Cecilia cho rằng các ngôi sao được cấu thành chủ yếu từ helium và hydro, tuy nhiên khẳng định này đã bị nghi ngờ.
Nhà thiên văn học Henry Norris Russell – người nghi ngờ lý thuyết này – đã thuyết phục Cecilia không nên trình bày luận án của mình, mà hãy xuất bản nó vào năm 1930 dưới tên ông. Nghiên cứu dài 200 trang của bà bị lờ đi và bị cướp công.
Cuối cùng, các nhà thiên văn học đã công nhận nó. Nhà thiên văn học người Mỹ Otto Struve miêu tả luận án của bà là “luận án tiến sĩ thông minh nhất trong lĩnh vực thiên văn học”.
Đáng buồn thay, đây cũng không phải là lần duy nhất bà bị can ngăn đăng tải những phát hiện của mình. Bà từng bị ngăn cản công bố phát hiện về hiệu ứng Stark trong quang phổ của những ngôi sao nóng nhất cũng như những phát hiện về lực hút giữa các vì sao. Những phát hiện này sau đó cũng được tìm ra và ghi tên cho các nhà khoa học khác.
Cecilia được trao danh hiệu Nhà Thiên văn học vào năm 1938. Bà giữ vị trí này cho đến năm 1956 khi trở thành nữ giáo sư đầu tiên của Harvard.
Cùng năm đó, bà cũng là người phụ nữ đầu tiên trở thành chủ nhiệm khoa Thiên văn học của ĐH Harvard.
Bất chấp sự phân biệt giới tính mà bà phải đối mặt, Cecilia vẫn kiên định và mở đường cho những người phụ nữ khác theo đuổi sự nghiệp khoa học.
Ngày nay, bà được biết đến là nhà thiên văn học nữ vĩ đại nhất trong lịch sử.
Nguyễn Thảo(Theo The Bored Panda)