Thiết thực chăm lo đời sống người khuyết tật
Để người khuyết tật có điều kiện vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng…, thời gian qua các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực chăm lo đời sống vật chất cũng như tinh thần của người khuyết tật.
Những chương trình như: trao học bổng, hỗ trợ học nghề và vay vốn tự tạo việc làm, cung cấp dụng cụ hỗ trợ vận động, tổ chức các chương trình giao lưu văn nghệ, tôn vinh người khuyết tật vượt khó tiêu biểu… được tổ chức thường xuyên đã thể hiện sự quan tâm của Nhà nước và cả cộng đồng dành cho người khuyết tật.
* Giúp người khuyết tật tự chủ
Thời gian qua, Sở Lao động - thương binh và xã hội đã phối hợp cùng nhiều đơn vị tổ chức chương trình trao học bổng Tiếp sức học sinh khuyết tật vượt khó đến trường và Hỗ trợ phát triển tài năng trẻ cho 238 học sinh khuyết tật, đồng thời huy động được hơn 1,5 ngàn trẻ em khuyết tật tham gia giáo dục hòa nhập tại các trường học phổ thông. Qua đó, nhiều người khuyết tật đã có thêm điều kiện, động lực để học hành đến nơi đến chốn. Không ít trường hợp có thành tích học tập tốt hay tìm được nghề nghiệp ổn định để tự chủ cuộc sống của bản thân, hỗ trợ gia đình sau khi hoàn thành chương trình đào tạo.
Trong số này có chị Nguyễn Cao Thị Ngọc My (ngụ huyện Xuân Lộc). Chị Ngọc My cho hay, dù bị liệt, gia đình lại khó khăn nhưng chị rất muốn đi học. Nhờ sự giúp đỡ của Nhà nước và nhiều cá nhân, đơn vị, chị đã thỏa mãn ước mơ trở thành dược sĩ, có thu nhập ổn định phụ giúp gia đình.
Cũng nhờ có những chương trình tiếp sức, hỗ trợ người khuyết tật học tập, tự tạo việc làm mà 2 anh em Vòng Quang Kỳ và Vòng Minh Nhi (cùng bị khuyết tật về mắt, ngụ phường An Bình, TP.Biên Hòa) đã và đang hoàn thành ước mơ của mình. Minh Nhi hiện đang là sinh viên năm 3 ngành truyền thông Trường đại học quốc tế RMIT và được nhận học bổng toàn phần của trường. Còn Quang Kỳ vừa tốt nghiệp Nhạc viện TP.Hồ Chí Minh và đang biểu diễn ở nhiều sân khấu ca nhạc tại TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai.
Ngoài các chương trình hỗ trợ giáo dục chính quy, thời gian qua đã có hơn 6,1 ngàn người khuyết tật, hộ có người khuyết tật được hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ học nghề, vay vốn sản xuất, kinh doanh và giới thiệu việc làm với số tiền trên 41,3 tỷ đồng. Ông Nguyễn Xuân Vĩnh (ngụ xã Phú Xuân, huyện Tân Phú) chia sẻ: “Tôi bị khuyết tật 2 chân nên việc đi lại rất khó khăn. Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực của bản thân, động viên của gia đình, tôi đã theo học nghề sửa xe gắn máy. Sau nhiều năm làm công cho các tiệm sửa xe, từ số tiền tiết kiệm được cùng với nguồn vốn vay của Nhà nước dành cho người khuyết tật, tôi đã mở cho mình một tiệm sửa xe riêng ngay tại nhà”.
* Thêm những sân chơi
Theo Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Nguyễn Thị Mộng Bình, nhằm tạo những sân chơi văn hóa văn nghệ bổ ích, thiết thực cho người khuyết tật, Sở đã phối hợp với Sở Lao động - thương binh và xã hội tổ chức Hội thi Văn nghệ người khuyết tật tỉnh Đồng Nai. Hội thi đã được tổ chức 3 lần trong những năm gần đây, thu hút hàng trăm người khuyết tật đến từ các huyện, thành phố, đem đến cho người xem nhiều tiết mục đơn ca, tốp ca, ca múa, độc tấu - hòa tấu nhạc cụ… đặc sắc.
Ông Hùng Văn Buổi (người dân tộc Chơro, ngụ xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc) cho biết: “Tôi là người rất yêu thích văn nghệ. Thỉnh thoảng có tham gia biểu diễn góp vui trong một số chương trình. Nhưng rồi một tai nạn lao động ập xuống cách đây hơn 28 năm làm 2 mắt tôi bị mù. Từ đó, niềm đam mê văn nghệ của tôi không còn nữa”.
Những năm gần đây, khi có thu nhập ổn định từ nghề xoa bóp, bấm huyệt, bán vé số cố định tại nhà, ông Buổi lại nhen nhóm niềm yêu văn nghệ. Ông tự mua đàn, rủ mọi người cùng tập hát. “Năm 2018, tôi được huyện chọn để cùng hơn 20 người khuyết tật khác tham gia Hội thi Văn nghệ người khuyết tật tỉnh Đồng Nai. Năm 2019, dù là lần thứ hai được tham gia hội thi nhưng tôi vẫn rất háo hức chờ đến lượt biểu diễn” - ông Hùng Văn Buổi cho hay.
Theo Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Nguyễn Thị Kiều Oanh, bên cạnh việc phối hợp tổ chức thường xuyên các chương trình văn hóa, văn nghệ, Sở còn đặc biệt chú trọng đến những hoạt động vinh danh người khuyết tật tiêu biểu, vượt khó nhằm kịp thời động viên, khích lệ người khuyết tật có thành tích ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, có đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương.
Các huyện, thành phố còn chủ động tổ chức các đoàn thăm hỏi, tặng quà cho người khuyết tật tiêu biểu, vượt khó vươn lên trong cuộc sống ngay tại địa phương. Điều này đã thể hiện sự quan tâm, trân trọng của các cấp chính quyền, cộng đồng đối với cống hiến, đóng góp của người khuyết tật.
Theo Sở Lao động - thương binh và xã hội, Đồng Nai hiện có trên 50 ngàn người khuyết tật được cấp giấy chứng nhận khuyết tật. Trong số này, người khuyết tật vận động chiếm số lượng lớn nhất với hơn 20 ngàn người, còn lại là người khuyết tật về nghe, nói, tâm thần... Những trường hợp khuyết tật đều được tỉnh cấp thẻ bảo hiểm y tế và tạo điều kiện tham gia vào các hoạt động giáo dục, văn hóa, thể thao, đào tạo nghề, vay vốn sản xuất.