Thiếu cơ sở pháp lý, thuốc lá thế hệ mới vẫn nhập lậu, tiêu thụ tràn lan
Các sản phẩm thuốc lá mới đã tồn tại và lưu thông phổ biến trên thị trường qua các kênh xách tay hoặc nhập lậu với số lượng lớn, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực nếu như không có cơ sở pháp lý điều chỉnh rõ ràng.
Thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc tràn lan
Ngày 19/3, hội thảo “Thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam: Khuyến nghị chính sách” đã diễn ra tại Hà Nội, cung cấp góc nhìn toàn cảnh về thị trường, đồng thời kiến nghị các giải pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Hội thảo diễn ra với sự chứng kiến của đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Công An, Bộ Tư pháp, Tổng cục Quản lý thị trường. Đặc biệt có sự tham gia của các Đại biểu Quốc hội đến từ Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội và các chuyên gia Kinh tế - Xã hội đầu ngành.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Chí Nhân – Trưởng ban Pháp chế-Thông tin-Đào tạo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho biết: Hiện nay thuốc lá thế hệ mới (TLTHM) bao gồm thuốc lá làm nóng (TLLN) và thuốc lá điện tử (TLĐT) đang phát triển mạnh mẽ và trở thành xu hướng trên thế giới. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cách hiểu chưa đồng nhất về các dòng sản phẩm, dẫn tới thực tế người tiêu dùng chưa được tiếp cận với các thông tin đầy đủ, chính thống. Việt Nam hiện đang thiếu một khung pháp lý phù hợp để quản lý các sản phẩm này, dẫn đến nhiều hệ lụy về kinh tế và xã hội. Do đó, cần có sự đánh giá nghiêm túc từ các chuyên gia và đại diện cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này.
“Do chưa có quy định quản lý rõ ràng tạo ra nhiều rủi ro về chất lượng và an toàn cho người dùng, nguy cơ thất thu thuế cho nhà nước, thiếu căn cứ xử phạt, gia tăng tình trạng buôn lậu qua biên giới, nhà sản xuất đối mặt nguy cơ xuất hiện các sản phẩm giả hoặc nhái”, đại diện Hiệp hội thuốc lá Việt Nam cho biết.
Về mặt sức khỏe, tại hội thảo, BS. Lê Đình Phương - Trưởng khoa Nội và Y học gia đình - Bệnh viện FV, Giảng viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã đưa ra các cơ sở khoa học phân tích xu hướng giảm tác hại của thuốc lá thông qua việc sử dụng TLĐT và TLLN.
Bà Hồ Linh Lan, Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông Tập đoàn Thuốc lá Nhật Bản (JTI) cho biết: Hầu hết các nước trong khu vực đều đã ban hành hoặc có quy định quản lý thuốc lá thế hệ mới, trong đó có quy định riêng cho TTĐT và TLLN.
“Chúng tôi kiến nghị các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam có thể dựa vào những kinh nghiệm quốc tế và điều kiện thực tế của Việt Nam để có thể ban hành khung chính sách pháp lý phù hợp nhất cho cả TLĐT và TLLN”, đại diện JTI bày tỏ.
Theo các chuyên gia, Việt Nam chưa ban hành chính sách quản lý nên toàn bộ/hầu hết các sản phẩm TLTHM đang lưu thông trên thị trường đều là hàng lậu, không có nguồn gốc xuất xứ, tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe cho người tiêu dùng. Thuốc lá điện tử lậu chiếm tới 90% thị trường TLTHM tại Việt Nam. Các rủi ro về an toàn, sức khỏe được ghi nhận chủ yếu xảy ra đối với người sử dụng thuốc lá điện tử hệ thống mở bất hợp pháp, không liên quan tới TLĐT hệ thống đóng, TLĐT hợp pháp sản xuất theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất và luật pháp quy định.
Cần quy định pháp luật để quản lý
Qua hoạt động kiểm tra, kiểm soát thuốc lá thế hệ mới trên thị trường, bà Hà Thị Doánh, Vụ Chính sách – Pháp chế (Tổng cục Quản lý thị trường) cho rằng: Quan điểm của quản lý thị trường vẫn xem việc buôn bán TLĐT thuộc diện kinh doanh nhập lậu, kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ. Mức xử phạt hành vi này tương đối thấp, tối đa là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng triệu đồng đối với tổ chức, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy hoặc tịch thu tang vật.
Qua rà soát các luật, quản lý thị trường cũng thống nhất quan điểm không có cơ sở xác định TLĐT và TLLN là hàng cấm.
“Tôi cho rằng cần có một khung khổ pháp lý rõ ràng để ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi nhập lậu thuốc lá thế hệ mới không rõ nguồn gốc xuất xứ; tạo cơ sở pháp lý minh bạch, rõ ràng cho cơ quan chức năng trong quá trình đấu tranh, xử lý hành vi gian lận thương mại, trong đó có cơ quan quản lý thị trường”, bà Hà Thị Doánh chia sẻ.
Ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế (Bộ Tư pháp) cho rằng: Trước đây TLĐT và TLLN chưa phổ biến, nên các quy định pháp luật thời đó chủ yếu vẫn nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội trong tiêu thụ thuốc lá truyền thống. Bây giờ, thuốc lá điện tử đã xâm nhập vào Việt Nam, trở nên phổ biến dù chưa được công nhận.
“Đến lúc này, chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật phải có quy định pháp luật để quản lý mặt hàng đang trôi nổi này”, ông Hải chia sẻ.
Ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh khẳng định hai điều: Một là dù muốn hay không còn rất nhiều người hút thuốc. Hai là thuốc lá thế hệ mới tác hại ít hơn thuốc lá truyền thống.
Do đó, ông Võ Trí Thành đề nghị cần có khung khổ pháp lý để quản lý loại thuốc lá thế hệ mới này, coi sản xuất thuốc lá thế hệ mới là một ngành sản xuất kinh doanh, thương mại có điều kiện.