Thiếu đất đắp nền xây dựng cao tốc ?

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông qua địa bàn tỉnh Bình Thuận là công trình trọng điểm quốc gia. Ðây là dự án được sử dụng vốn ngân sách nhằm đảm bảo tiến độ thi công và thời gian hoàn thành đưa vào sử dụng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tỉnh đã lường trước

Với Bình Thuận, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, đoạn qua địa bàn tỉnh có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết “điểm nghẽn” trong hệ thống giao thông, từng bước hoàn chỉnh mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, giải quyết bức xúc về giao thông đối ngoại của tỉnh, góp phần đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế tỉnh nhà. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Bình Thuận đã cơ bản hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án và được nhìn nhận là tỉnh bàn giao mặt bằng sớm nhất cho các đơn vị thi công.

Từ khi khởi công đến nay, các nhà thầu, đơn vị thi công đang nỗ lực triển khai dự án nhằm đạt tiến độ đề ra. Tuy nhiên, hiện nay vướng mắc lớn nhất là việc cung cấp vật liệu đất đắp nền đường, phục vụ thi công xây dựng dự án. Trong cuộc họp của Chủ tịch UBND tỉnh mới đây với các sở ngành, ban quản lý dự án, một vấn đề được các nhà thầu, đơn vị thi công đề cập đến việc thiếu đất đắp nền đường? Thực hư việc này có phải như vậy, hay vì nguyên nhân khác. Thật ra ngay từ đầu năm 2018, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đã lường trước và làm việc trực tiếp với các Ban quản lý dự án thuộc Bộ Giao thông Vận tải; sau đó tập trung chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện liên quan làm việc cụ thể với các Ban quản lý để xác định nhu cầu sử dụng vật liệu của dự án và tham mưu UBND tỉnh giải quyết cấp phép theo quy định. Đồng thời, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép cơ chế thực hiện các thủ tục đấu giá, thăm dò, khai thác các mỏ vật liệu chưa có trong quy hoạch để phục vụ thi công xây dựng dự án.

Nhiệm vụ trọng tâm

Do các dự án cao tốc qua địa bàn tỉnh đồng loạt khởi công nên nhu cầu sử dụng vật liệu rất lớn. Chỉ riêng đất đắp nền đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết cần khoảng 9,2 triệu m3. Về cơ bản, trữ lượng tại các mỏ có thể đáp ứng được, nhưng do đây là vật liệu đất đắp đường, nhu cầu trước đây thấp nên công suất cấp phép khai thác hàng năm của các mỏ chỉ đáp ứng nhu cầu địa phương, chưa đáp ứng công suất phục vụ cao tốc tăng đột biến như hiện nay. Để đáp ứng nhu cầu cung cấp vật liệu phục vụ thi công dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong cho biết: Tỉnh sẽ tích cực phối hợp, tạo mọi điều kiện thuận lợi giải quyết các thủ tục liên quan đến việc khai thác các mỏ có vật liệu đất đắp theo đúng quy định pháp luật, trong đó các sở, ngành chức năng, UBND các huyện và các đơn vị liên quan của tỉnh xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, huy động mọi nguồn lực để thực hiện.

Ngoài việc cung cấp thông tin các mỏ đang khai thác, đã trúng đấu giá, đã cấp phép, các mỏ nằm trong quy hoạch cho các Ban quản lý dự án, nhà thầu biết để liên hệ làm việc. Các sở, ngành liên quan của tỉnh còn khẩn trương làm việc với các Ban quản lý dự án của Bộ Giao thông Vận tải, các đơn vị tư vấn thiết kế, các chủ mỏ có vật liệu đất đắp nền rà soát, kiểm tra để thống nhất số liệu thực tế tại các mỏ về chất lượng, trữ lượng, công suất khai thác và nhu cầu vật liệu đất đắp nền cho từng gói thầu, xác định nhu cầu còn thiếu. Qua đó có phương án để giải quyết nhu cầu khối lượng đất đắp nền còn thiếu về cho dự án. Trường hợp vẫn chưa đảm bảo khối lượng cung cấp đất đắp nền cho dự án thì tỉnh sẽ xem xét đến các mỏ nằm trong quy hoạch đáp ứng yêu cầu về chất lượng, cự ly vận chuyển và bài toán hiệu quả kinh tế. Nếu khó khăn vướng mắc, vượt thẩm quyền, UBND tỉnh sẽ báo cáo, trình Thường trực Tỉnh ủy cho chủ trương thực hiện theo đúng quy định. UBND tỉnh cũng đã thành lập Tổ công tác liên ngành do Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường làm tổ trưởng để đẩy nhanh tiến độ tham mưu cấp phép, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đáp ứng nhu cầu vật liệu cho dự án.

Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức đấu giá 59 mỏ, gồm 4 mỏ đá xây dựng trữ lượng khoảng 4 triệu m3; 21 mỏ cát xây dựng trữ lượng khoảng 9 triệu m3; 12 mỏ đất dăm sạn bồi nền với trữ lượng khoảng 11,42 triệu m3; 22 mỏ cát bồi nền với trữ lượng khoảng 11,56 triệu m3. Về cơ bản thì các mỏ đá xây dựng, cát xây dựng, vật liệu san lấp đất đắp có trong quy hoạch khoáng sản vật liệu xây dựng đang khai thác, chuẩn bị khai thác, các mỏ trúng đấu giá đang lập thủ tục cấp phép khai thác cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu vật liệu phục vụ dự án đường cao tốc.

Công Nam

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/thieu-dat-dap-nen-xay-dung-cao-toc-135977.html