Thiếu điện còn tái diễn vào mùa nắng nóng các năm tới
Tại hội nghị tiết kiệm điện trong mùa nắng nóng do Bộ Công Thương tổ chức ngày 18/8, ông Trần Viết Nguyên, Phó trưởng Ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, mùa nắng nóng năm 2024-2025, thiếu điện được dự báo còn tiếp diễn.
Theo ông Trần Viết Nguyên, cung ứng điện trong các tháng còn lại của năm sẽ cơ bản đảm bảo cho kinh tế và tiêu dùng.
Tuy nhiên, dự báo mùa nắng nóng năm 2024-2025, phụ tải tiếp tục tăng cao, bình quân khoảng 9%/năm, tương ứng với mỗi năm chúng ta cần thêm 4.000-4.500 MW.
“Như vậy phải bổ sung liên tục các nguồn điện. Nhưng theo kế hoạch, năm 2024, dự kiến đưa vào vận hành thêm 1.950 MW và năm 2025 là 3.770 MW. Nghĩa là trong các tháng nắng nóng, hệ thống điện sẽ thiếu hụt khoảng 2.000 MW”, ông Trần Viết Nguyên cho hay.
Đáng chú ý, các nguồn điện được tăng thêm chủ yếu ở khu vực miền Trung và miền Nam, trong khi dự báo phụ tải tăng cao ở các tỉnh phía Bắc. Đây là thách thức trong cấp điện với các tỉnh, thành phố phía Bắc trong mùa nắng nóng 2 năm tới.
Ông Trần Viết Nguyên cho hay, công suất dự phòng của hệ thống điện miền Bắc thấp nhưng nhu cầu điện cho miền Bắc tăng trưởng 10%/năm nên sẽ thiếu công suất đỉnh ở một số thời điểm nắng nóng tháng 6, 7 năm 2024 (thiếu 420 MW – 1.770MW).
Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) nhận định, diễn biến thiếu điện vẫn có thể xảy ra trong các năm tiếp theo do hiện tượng El Nino còn tiếp diễn, trong khi nền kinh tế phục hồi, nhu cầu phụ tải điện tăng cao. Do đó, cần phải “đi trước” bằng cách thực hiện tiết kiệm điện.
Để đảm bảo cấp điện cho mùa nắng nóng các năm tiếp theo, đại diện EVN khuyến nghị khách hàng sử dụng điện thực hiện tiết kiệm điện tối đa. Mục tiêu là trong giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo, cả nước phải phấn đấu hàng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ. Giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện xuống dưới 6% trong giai đoạn tới năm 2025; Giảm công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia thông qua thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM) và điều chỉnh phụ tải điện (DR), ít nhất 1.500 MW vào năm 2025; Phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu…
Nhằm ứng phó các diễn biến bất thường có thể xảy ra tại các thời điểm nắng nóng trong các năm tiếp theo, ông Trịnh Quốc Vũ đã kêu gọi mỗi cá nhân, tổ chức và thành viên Mạng lưới Tiết kiệm điện Việt NamVESN cần đẩy mạnh, hành động ngay, liên tục và thiết thực các giải pháp về thực hành tiết kiệm điện trong thời gian tới.