Thiếu đơn hàng, nhiều doanh nghiệp gặp khó

Lạm phát gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới làm thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, tình trạng thiếu đơn hàng khiến không ít các doanh nghiệp dệt may, da giày, linh kiện điện tử trên địa bàn tỉnh Ninh Bình gặp khó khăn.

Dây chuyền sản xuất sợi của Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Lam Giang.

Dây chuyền sản xuất sợi của Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Lam Giang.

Qua khảo sát một số doanh nghiệp dệt may, da giày, linh kiện điện tử trên địa bàn tỉnh từ cuối năm 2022 đến nay, những tác động của nền kinh tế như lạm phát và lãi suất tăng cao, cùng sự khó khăn của nhiều lĩnh vực, ngành nghề đang khiến đơn hàng ở nhiều doanh nghiệp sụt giảm mạnh.

Nếu như năm trước, dù vẫn còn dịch COVID-19, nhưng lượng đơn hàng vẫn ở mức độ chấp nhận được bởi lượng tiền tích lũy của người dân vẫn còn. Thế nhưng, bước sang năm 2023, dường như túi tiền của người dân đã bị ảnh hưởng trực tiếp khiến cho doanh số của nhiều đơn vị thời trang sụt giảm từ 20-30% so với mọi năm.

Đại diện Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Lam Giang, phường Ninh Phong, thành phố Ninh Bình cho biết: Ngay từ năm 2022, Công ty đã gặp khó khăn do thị trường xuất khẩu sợi may mặc bị thu hẹp, bước sang năm nay hoạt động xuất, nhập khẩu của Công ty vẫn chưa khởi sắc, đơn hàng giảm, hàng tồn kho vẫn ở mức cao. Bên cạnh đó, Công ty gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng lao động, ước số lượng lao động phổ thông cần tuyển khoảng trên 100 lao động, chưa kể đến nguồn lao động kỹ thuật cao cũng khó tuyển dụng. Trong điều kiện hiện nay, lãi suất vay vốn ngân hàng quá cao cũng góp phần làm cho chi phí tài chính của Công ty tăng 20%, ảnh hưởng lớn đến kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty.

Theo thống kê của Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh: Với tình hình khó khăn hiện nay, nhiều doanh nghiệp thua lỗ hoặc sản xuất cầm chừng, trong đó phần lớn là các doanh nghiệp lĩnh vực may mặc, da giày, linh kiện điện tử như: Công ty may Đài Loan tháng 1 lỗ 6,3 tỷ đồng; Công ty TNHH Phoenix tháng 2, lỗ 500 triệu đồng; Sản lượng nhiều ngành hàng giảm, trung bình từ 30 - 50% so với cùng kỳ năm 2022 như: sản lượng may mặc giảm 35%, lắp ráp cần gạt nước ô tô giảm 34%; linh kiện điện tử giảm 44%...

Nguyên nhân dẫn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp khó khăn là do đa số các công ty về may mặc, giầy dép, linh kiện điện tử trong khu công nghiệp là doanh nghiệp gia công, đơn hàng chủ yếu phụ thuộc vào khách hàng cố định, khó tìm kiếm khách hàng mới, hiện tại, nhiều doanh nghiệp may và da giày mới có đơn hàng đến hết tháng 4/2023 hoặc tháng 6/2023 như Công ty: May Đài Loan, Chang Xin, Phoenix, NienHsing, Adora, Vienergy… các tháng sau chưa có kế hoạch sản xuất. Một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử đang gặp nhiều khó khăn, không có đơn hàng phải sản xuất cầm chừng hoặc cho lao động nghỉ luân phiên như Công ty TNHH ADM21, Công ty TNHH YG Vina.

Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH MC Nex Vina.

Nhận định về tình hình xuất khẩu hiện nay, đại diện lãnh đạo Sở Công thương cho rằng: Những ngành xuất khẩu, trong đó có da giày, may mặc, linh kiện điện tử đều phải chịu tác động rất lớn của thị trường thế giới. Theo đánh giá của Bộ Công thương, thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản đều suy giảm do tình hình lạm phát, sức tiêu dùng suy giảm và đặc biệt tồn kho khá lớn đối với mặt hàng thời trang. Chính những yếu tố này ảnh hưởng tới tình hình đơn hàng của ngành da giày, may mặc.

Dự kiến phải đến hết quý II/2023 tình hình mới có thể khả quan hơn. Điều này cũng tác động khá lớn tới đơn hàng, cũng như lao động của các doanh nghiệp ngành may mặc, giày da… Các doanh nghiệp cũng xác định đây là một trong những thách thức rất lớn đối với ngành.

Trước bối cảnh trên, các công ty đã chủ động đề xuất với các cấp, ngành giải pháp để tháo gỡ khó khăn, đồng thời chủ động tìm kiếm thị trường. Đại diện Công ty TNHH Vienergy đề nghị: các cấp, ngành cần giãn công tác thanh tra, kiểm tra để giảm áp lực cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất. Đồng thời hỗ trợ để doanh nghiệp tuyển dụng lao động đảm bảo thực hiện các đơn hàng đã ký theo kế hoạch.

Bà Lê Thị Lài, Trưởng phòng hành chính nhân sự Công TNHH ASIA+ cho biết: Tình trạng thiếu đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may diễn ra trong vài năm nay nhưng đây là giai đoạn khó khăn nhất do thị trường nhiều nước đối tác đã thu hẹp. Để duy trì sản xuất, tránh tình trạng công nhân bỏ việc, Ban giám đốc doanh nghiệp đã tích cực tìm kiếm các thị trường, đối tác mới, đa dạng hóa sản phẩm để đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động.

Đứng trước những khó khăn hiện hữu, nhiều chủ doanh nghiệp đang bày tỏ mong muốn nhận được sự trợ giúp từ Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và tỉnh Ninh Bình để giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động như có những chính sách hỗ trợ về vốn vay hay giảm, giãn thuế hoặc rút ngắn thời gian giải quyết các vấn đề về thủ tục hành chính.

Bài, ảnh: Nguyễn Thơm

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/thieu-don-hang-nhieu-doanh-nghiep-gap-kho/d20230324171457634.htm