Thiếu động lực dẫn dắt, thị trường điều chỉnh nhẹ
Sau phiên bùng nổ hôm qua, thị trường đã có phiên chững lại khi thiếu vắng trợ lực thông tin cũng như nhóm dẫn dắt. Tuy vậy, điểm tích cực là dòng tiền vẫn tương đối sôi động, chủ động tìm kiếm cơ hội và gần như vắng bóng lực cung giá thấp, phản ánh kỳ vọng tích cực về xu hướng trong tâm lý nhà đầu tư.
Sau phiên sáng giao dịch khá thận trọng và ảm đạm, thị trường bước vào phiên chiều đã tiếp diễn xu hướng này, chỉ khác là VN-Index giảm thêm đôi chút về gần 1.115 điểm và giằng co nhẹ cho đến khi đóng cửa.
Chốt phiên, sàn HOSE có 141 mã tăng và 356 mã giảm, VN-Index giảm 4,52 điểm (-0,40%), xuống 1.115,97 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 824,6 triệu đơn vị, giá trị 17.092,6 tỷ đồng, giảm hơn 26% về khối lượng và 29% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 71,2 triệu đơn vị, giá trị 1.582 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu bluechip bất ngờ nhất là BCM, khi leo lên mức giá trần +6,93% lên 63.300 đồng, khối lượng giao dịch tuy chỉ đạt hơn 1,17 triệu đơn vị, nhưng cũng đã ghi nhận phiên tốt nhất kể từ cuối tháng 4 năm ngoái.
Các mã tăng khác chỉ còn FPT nhích 1,3%, PLX và MWG tăng 0,1%. Trong khi đó, VIB, MBB GVR và GAS đứng giá tham chiếu.
Còn lại 22 mã khác trong rổ VN30 đều giảm, nhưng mức giảm cũng cũng chỉ ở mức thấp, với VHM dù là cổ phiếu giảm mạnh nhất cũng chỉ -1,9% xuống 40.500 đồng, VPB -1,8% xuống 19.150 đồng, các mã VNM, SAB, MSN, SHB, STB giảm 1% đến 1,4%.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, thêm một vài cổ phiếu được nhà đầu tư đặt kỳ vọng và tăng khá mạnh, ngoài PSH giữ giá trần như cuối phiên sáng thì phiên chiều nay có thêm IDJ, BTP và TDC khi cũng đã tăng hết biên độ khi đóng cửa.
Các cổ phiếu tăng khá khác còn DHA +5% lên 49.000 đồng, CSV +4,4% lên 41.600 đồng, ITA +4,4% lên 6.900 đồng, HAR +4,2% lên 4.220 đồng, PHC +3,6% lên 7.150 đồng, CTF +3,3% lên 31.100 đồng, VHC +3,2% lên 71.000 đồng…
Các cổ phiếu nhích hơn 2% toàn sàn cũng chỉ còn HSL, ACC, DXG, REE, GIL, BCG, CLC, NT2…Trong đó, DXG khớp lệnh đứng thứ hai trên sàn với hơn 35 triệu đơn vị.
Cổ phiếu thu hút nhà đầu tư nhất hôm nay là LDG đã kết phiên giảm 2,5% xuống 3.130 đồng, khớp hơn 37,7 triệu đơn vị, cao nhất thị trường.
Trái lại, dù số mã giảm mở rộng hơn so với phiên sáng, nhưng nhìn chung lực cung giá thấp không xuất hiện, các mã giảm theo đó gần như chỉ mất điểm nhẹ.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index lùi nhẹ về tham chiếu và diễn biến sau đó cũng chỉ là giằng co nhẹ cho đến khi đóng cửa.
Chốt phiên, sàn HNX có 63 mã tăng và 99 mã giảm, HNX-Index tăng 0,03 điểm (+0,01%), lên 231,34 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 91,78 triệu đơn vị, giá trị 2.022,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,42 triệu đơn vị, giá trị 41,4 tỷ đồng.
Bảng điện tử phân hóa, với các cổ phiếu thanh khoản cao nhất đa số chỉ thay đổi nhẹ về điểm số, ngoại trừ một vài cái tên nổi lên như PVC +4,6% lên 16.000 đồng, khớp 5 triệu đơn vị, DTD +5% lên 25.200 đồng, khớp 2,1 triệu đơn vị, VMS +5,1% lên 35.000 đồng, khớp 0,44 triệu đơn vị.
Còn lại, SHS, CEO, HUT, TNG, IDJ, VGS, VC6 đóng cửa giảm nhẹ, trong khi MST MBG đứng giá tham chiếu, các cổ phiếu PVS, MBS, IDC, TIG, LAS chỉ còn tăng nhẹ, khớp từ 0,8 triệu đến hơn 20,8 triệu đơn vị.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng giằng co, rung lắc nhẹ quanh tham chiếu trong suốt cả phiên chiều và đóng cửa tăng không đáng kể.
Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,06 điểm (+0,07%), lên 86,02 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 35,9 triệu đơn vị, giá trị 525 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 8,12 triệu đơn vị, giá trị 152,4 tỷ đồng.
Dù phần lớn các cổ phiếu thu hút lệnh mua nhất đều tăng, nhưng mức tăng chỉ ở mức khiêm tốn, như BSR, C4G, AAS, VGI, OIL, TCI, HSV, VTP khi chỉ nhích trên dưới 1%, với BSR là cổ phiếu thanh khoản cao nhất và vượt trội so với phần còn lại khi có hơn 11,2 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm, mất từ gần 8 điểm đến 12 điểm. Trong đó, VN30F2312 giảm 8 điểm, tương đương -0,72% xuống 1.099 điểm, khớp lệnh hơn 217.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 56.900 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ đã lan rộng, với CVPB2308 phiên này khớp lệnh tới gần 9 triệu đơn vị và giảm 10% xuống 180 đồng/cq. Theo sau là CVPB2309 với 3,36 triệu đơn vị và cũng giảm mạnh hơn 13,6% xuống 380 đồng/cq.