Thiếu hệ thống truyền tải điện, giải pháp nào để xử lý?

Tiếp tục chương trình chất vấn tại kỳ họp thứ 8, ngày 6/11, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh thành viên thứ 2 của Chính phủ trả lời chất vấn các vấn đề: Công tác quản lý điều tiết điện lực; Việc thực hiện qui hoạch phát triển điện lực; Qui hoạch năng lượng mới và năng lượng tái tạo; Hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường ngoài nước; Thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa thương mại điện tử và kinh tế số; Công tác quản lý thị trường, phòng chống gian lận thương mại, quản lý cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng; Phát triển ứng dụng cơ khí chế tạo trong nước, nâng cao tỉ lệ nội địa hóa, đổi mới công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp. Tuy nhiên, về lâu dài việc điều chỉnh luật hoặc có văn bản hướng dẫn pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và của Quốc hội để cho phép chúng ta vận dụng những qui chế trong Luật Đầu tư và Luật Điện lực để đầu tư xã hội hóa trong các vấn đề về truyền tải điện. Nhưng không đánh mất vai trò độc quyền của Nhà nước mà có thể áp dụng dưới hình thức BT.

Thiếu hệ thống truyền tải điện

Đã có 72 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh. Đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh – Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận chất vấn nội dung: Một trong những điểm nghẽn cơ bản trong phát triển năng lượng tái tạo hiện nay là thiếu hạ tầng truyền tải điện, do vậy nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư nhưng chưa được chấp nhận. Còn những dự án đã đầu tư và đang hoạt động, cả điện gió và điện mặt trời thì bị cắt giảm công suất, gây lãng phí về nguồn lực và thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, trong khi nước ta còn rất thiếu thốn về điện. Do đó, đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp căn cơ, dài hạn để xử lý tình trạng thiếu hệ thống truyền tải điện như nói trên. Trong điều kiện vốn nhà nước có hạn, có cơ chế để tư nhân bỏ vốn đầu tư hệ thống truyền tải điện và Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý vận hành vẫn bảo đảm vai trò quản lý của Nhà nước theo qui định hiện nay không?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng: Thời gian vừa qua về phát triển điện mặt trời đã tồn tại câu chuyện đồng bộ về hệ thống truyền tải điện để đảm bảo giải tỏa công suất và trong phát triển tái tạo điện mặt trời trong tương lai. Liên quan đến khâu đảm bảo giải tỏa công suất, Bộ trưởng thông tin: Điểm nghẽn là trong điều kiện hạn chế nguồn lực của Nhà nước và của tập đoàn Điện lực Quốc gia, nếu thiếu những nguồn đầu tư dưới những hình thức đầu tư cho phép của luật pháp và phát triển hệ thống truyền tải điện bao gồm cả hệ thống truyền tải và các trạm biến áp ở các cấp độ khác nhau thì sẽ tiếp tục hạn chế việc giải tỏa công suất và năng lực sản suất.

Các vùng phụ tải cao phần lớn tập trung ở những vùng hệ thống truyền tải điện chưa được hoàn thiện và chưa đảm bảo công suất. Chính vì vậy giải pháp dài hạn Bộ Công thương sẽ tiếp tục cùng các bộ, ngành nghiên cứu và tham mưu để báo cáo với Chính phủ và với Quốc hội cho phép sửa đổi một số nội dung trong các luật, trong đó có Luật Đầu tư và Luật Điện lực để cụ thể và làm rõ ràng cơ chế mới cho phép tiếp tục đa dạng hóa các nguồn đầu tư của xã hội vào phát triển hệ thống truyền tải điện mà cụ thể là các đường dây truyền tải ở các cấp độ, kể cả đường dây 500 KV, để từ đó có cơ chế và có biện pháp để khai thác nguồn lực này.

Hiện nay các doanh nghiệp tư nhân như là Tập đoàn Trung Nam đã có nghiên cứu báo cáo đề xuất đầu tư xây dựng đường dây 500 KV, để đảm bảo công suất và căn cứ trên những hướng dẫn qui định của pháp luật. Bộ Công thương đã thẩm định và báo cáo với Chính phủ về việc cho phép đưa đường dây 500 KV như là một hợp phần trong đầu tư của dự án về phát điện mặt trời của Tập đoàn Trung Nam.

Mới đây, theo dự thảo luật về PPP đã cho phép đưa vào để đa dạng hơn nguồn đầu tư của xã hội trong lĩnh vực truyền tải để đảm bảo giảm tải công suất. Trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục theo dõi và có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để thực hiện những nhiệm vụ này.

Ngoài ra, cũng tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh đã tham gia chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường về nội dung: Nền nông nghiệp nước ta những năm qua đạt nhiều thành tựu đáng khích lệ, nhờ tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới đạt kết quả. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nhiều nông sản nước ta còn thấp, do đổi mới mô hình tăng trưởng nhiều vùng còn nhiều khó khăn và chậm, nhất là việc đầu tư, hỗ trợ chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất còn nhiều hạn chế. Đại biểu Cảnh đề nghị Bộ trưởng cho biết ý kiến về vấn đề này và giải pháp khắc phục trong thời gian tới như thế nào. Tuy nhiên, do hết thời gian nên chủ tọa kỳ họp yêu cầu Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời bằng văn bản ngay sau phiên chất vấn.

Phúc Nguyễn

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/chinh-tri/thieu-he-thong-truyen-tai-dien-giai-phap-nao-de-xu-ly-122228.html