Thiệu Hóa bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, cách mạng
Là một trong những cái nôi của phong trào cách mạng của tỉnh Thanh Hóa, huyện Thiệu Hóa hiện đang sở hữu một hệ thống các di tích lịch sử, cách mạng rất giàu giá trị, phản ánh sâu sắc cội nguồn dân tộc và truyền thống dựng nước, giữ nước của ông cha ta. Bởi vậy, công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích luôn được huyện Thiệu Hóa quan tâm và xác định là có vai trò quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, nhất là góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ và thực hiện đạo lý 'uống nước nhớ nguồn' của dân tộc Việt Nam.
Học sinh Trường THCS Thiệu Viên tham quan Nhà truyền thống tại Khu di tích lịch sử, cách mạng Trụ sở làm việc Tỉnh ủy Thanh Hóa thời kỳ 1967-1973, xã Thiệu Viên.
Trong những ngày tháng 7 lịch sử, chúng tôi có dịp đến quê hương Thiệu Tiến giàu truyền thống cách mạng - vùng đất đã và đang “thay da đổi thịt” từng ngày. Tìm đến Khu di tích lịch sử cách mạng Nhà thờ họ Vương, chúng tôi gặp ông Vương Xuân Hạt, hậu duệ thứ 32 dòng họ Vương đang hướng dẫn các em học sinh của Trường THCS Thiệu Tiến dâng hương và tìm hiểu về lịch sử tại di tích. Ông Hạt kể: Cách đây 93 năm, ngày 10-7-1930, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Thiệu Hóa được thành lập tại thôn Phúc Lộc, xã Thiệu Tiến do đồng chí Vương Xuân Cát làm Bí thư chi bộ. Đây cũng chính là 1 trong 3 Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa. Từ mốc son này, Nhân dân Thiệu Hóa được tập hợp, đoàn kết, đấu tranh dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, góp phần quan trọng vào sự phát triển phong trào cách mạng toàn tỉnh.
Năm 2013, Khu di tích lịch sử cách mạng Nhà thờ họ Vương đã được đầu tư tôn tạo, sửa chữa nhiều hạng mục như: nhà tiền tế, hậu cung, nhà truyền thống, ngôi nhà cổ... nhằm lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, trở thành nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ trong và ngoài tỉnh. Nhiều năm qua, để lưu giữ truyền thống cách mạng của dòng họ Vương và nhớ ơn các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, ông Hạt đã dành nhiều thời gian để trông coi khu di tích lịch sử này. Đồng thời, ông còn là tuyên truyền viên tích cực về lịch sử, đón hàng nghìn lượt du khách đến tham quan mỗi năm.
Em Lê Mai Trang, học sinh Trường THCS Thiệu Tiến, cho biết: “Thông qua những dịp được đi thăm các khu di tích lịch sử, cách mạng, chúng em hiểu hơn về lịch sử quê hương, sự kiên cường, anh dũng đấu tranh chống quân xâm lược của ông cha. Từ đó, tự nhủ sẽ cố gắng học tập thật giỏi để sau này có những việc làm đóng góp thiết thực cho quê hương, đất nước”.
Không chỉ quan tâm đến công tác trùng tu, tôn tạo phục vụ du lịch, những di tích lịch sử, cách mạng trên địa bàn huyện Thiệu Hóa đã trở thành "địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước cho người dân, nhất là thế hệ trẻ. Tại Khu di tích lịch sử cách mạng Trụ sở làm việc Tỉnh ủy Thanh Hóa thời kỳ 1967-1973 tại xã Thiệu Viên, sau khi khánh thành vào tháng 2-2023, hoạt động tham quan, tìm hiểu lịch sử đã thu hút được các trường học trên địa bàn huyện Thiệu Hóa tham gia. Sau mỗi buổi tham quan, dưới sự hướng dẫn của cán bộ văn hóa xã Thiệu Viên, học sinh sẽ viết bài thu hoạch về khu di tích, từ đó nâng cao nhận thức, lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.
Bà Hà Thị Thanh, Phó trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Thiệu Hóa, cho biết: Đây được xem một hình thức giáo dục hiệu quả, gắn lý thuyết với thực tiễn, để học sinh chủ động tìm hiểu lịch sử, văn hóa của địa phương. Bên cạnh đó, các đoàn thể, trường học tổ chức cho đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên tham gia chỉnh trang, trồng hoa, cây xanh tại các điểm di tích, dâng hương tưởng nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ... Thông qua các hoạt động cụ thể đã giúp cho thế hệ trẻ phát huy truyền thống yêu nước, xác định mục tiêu, lý tưởng cách mạng, đạo đức trong sáng và ý thức được trách nhiệm của bản thân để phấn đấu trong học tập và rèn luyện, trưởng thành. Được biết, năm học 2022-2023 các trường trên địa bàn huyện đã tổ chức cho 6.468 học sinh tại 40 đơn vị trường học đến tham quan khu di tích.
Nhận thức được tầm quan trọng của các di tích lịch sử - văn hóa trong công tác giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào về dân tộc cho các thế hệ, những năm qua, huyện Thiệu Hóa đã chủ động xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa gắn với triển khai đề án phát triển du lịch huyện. Đồng thời, từ nguồn vốn của tỉnh, huyện, nguồn kinh phí địa phương và xã hội hóa, huyện đã tiến hành trùng tu, tôn tạo nhiều di tích như: Khu di tích lịch sử quốc gia đền thờ nhà sử học Lê Văn Hưu; Di tích quốc gia đền thờ Trà Đông, xã Thiệu Trung; Di tích lịch sử cách mạng nhà đồng chí Lê Huy Toán, xã Thiệu Toán; Khu di tích lịch sử cách mạng Trụ sở làm việc Tỉnh ủy Thanh Hóa giai đoạn 1967-1973, xã Thiệu Viên... Nhờ đó nhiều di tích lịch sử, cách mạng bị xuống cấp đã được quan tâm tu bổ, tôn tạo, phục dựng, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Ông Trần Công Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy huyện Thiệu Hóa, cho biết: Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng có vai trò quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội huyện Thiệu Hóa. Vì vậy, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa, cách mạng; quảng bá, giới thiệu về di tích để thu hút đông đảo Nhân dân và du khách tới tham quan. Đồng thời, quan tâm tổ chức các lớp tập huấn về công tác bảo tồn di tích cho cán bộ, những người làm công tác văn hóa; tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý việc trùng tu, tôn tạo di tích trên địa bàn. Chú trọng tổ chức các hoạt động, chương trình về nguồn, dâng hương, báo công, tham quan tại các khu di tích lịch sử, tạo thành phong trào sâu rộng, thường xuyên đối với các tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương và Nhân dân... Từ đó, thấm sâu và lan tỏa truyền thống yêu nước, cách mạng của vùng đất bên dòng sông Chu, tạo ra nguồn lực tinh thần quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thiệu Hóa đoàn kết, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.