Thiệu Hóa: Giúp người chấp hành xong án phạt tù hoàn lương

Là địa bàn rộng, dân cư phân bố không tập trung, có nhiều điểm giáp ranh với các huyện Thọ Xuân, Triệu Sơn, Yên Định, Đông Sơn, Hoằng Hóa và TP Thanh Hóa - đây là điều kiện thuận lợi cho huyện Thiệu Hóa phát triển kinh tế - xã hội. Song, cũng phát sinh các yếu tố ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, cũng như vấn đề phát sinh tội phạm. Qua đó, cũng đặt ra cho cả hệ thống chính trị trên địa bàn huyện phải thực hiện toàn diện các giải pháp làm giảm phát sinh tội phạm, trong đó tăng cường thực hiện các biện pháp bảo đảm công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù về địa phương, giúp họ xây dựng lại cuộc sống, tái hòa nhập xã hội một cách hiệu quả là một trong những giải pháp trọng tâm được huyện triển khai thực hiện.

Ban chỉ đạo an ninh trật tự xã Thiệu Nguyên (Thiệu Hóa) ra mắt mô hình “Hội nông dân xã giúp đỡ người chấp hành án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng”.

Ban chỉ đạo an ninh trật tự xã Thiệu Nguyên (Thiệu Hóa) ra mắt mô hình “Hội nông dân xã giúp đỡ người chấp hành án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng”.

Theo số liệu thống kê, hiện huyện Thiệu Hóa đang quản lý 166 người trong diện chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Đa số người chấp hành xong án phạt tù đã ăn năn hối cải, chấp hành tốt các quy định của pháp luật và địa phương nơi cư trú, sớm hòa nhập cộng đồng và ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, vẫn còn những người chấp hành án phạt tù khi trở về địa phương có tư tưởng mặc cảm, tự ti, không có công việc nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Để giúp người chấp hành xong án phạt tù hoàn lương, UBND huyện Thiệu Hóa đã ban hành, triển khai nhiều văn bản chỉ đạo các ban, ngành, cơ quan, tổ chức, đoàn thể tích cực tham gia thực hiện công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù về địa phương tái hòa nhập cộng đồng; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền về chính sách hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù về tái hòa nhập cộng đồng trên hệ thống loa truyền thanh huyện và đài phát thanh các xã, thị trấn; tuyên truyền thông qua các hội nghị, buổi tư vấn nghề nghiệp... qua đó, người dân dần thay đổi cách nhìn nhận, thái độ đối với những người đã chấp hành xong án phạt tù, từ đó tạo ra một cộng đồng không kỳ thị, sẵn sàng chào đón họ trở lại.

Bên cạnh đó, huyện cũng đã xây dựng được các mô hình tái hòa nhập cộng đồng do Hội Nông dân thị trấn Thiệu Hóa, thị trấn Hậu Hiền, các xã Thiệu Ngọc, Tân Châu; Hội Phụ nữ xã Thiệu Long phụ trách để giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù về địa phương tái hòa nhập cộng đồng. Hàng tháng, chính quyền các địa phương cũng cử đại diện, tổ chức tiếp xúc, gặp gỡ gia đình và bản thân người chấp hành xong án phạt tù để tuyên truyền pháp luật, nắm bắt tâm lý, nguyện vọng và những khó khăn họ gặp phải để có giải pháp đề xuất giúp đỡ. Trong đó, thông qua 2 mô hình của “Hội Nông dân thị trấn Thiệu Hóa giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù về địa phương tái hòa nhập cộng đồng” và “Hội Nông dân xã Thiệu Ngọc giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù về địa phương tái hòa nhập cộng đồng” đã phối hợp với cơ quan có thẩm quyền đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho 12 người chấp hành xong án phạt tù là hội viên trong mô hình vay với tống số tiền 1 tỷ 200 triệu đồng để phát triển kinh tế.

Theo đánh giá của huyện Thiệu Hóa, từ khi triển khai các mô hình tái hòa nhập cộng đồng đến nay, các trường hợp người chấp hành xong án phạt tù về địa phương đã trở lại cuộc sống bình thường, tích cực tham gia vào các hoạt động của địa phương, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tương đối ổn định, tỷ lệ người chấp hành xong án phạt từ về địa phương tái hòa nhập cộng đồng ít 1/166 người (chiếm 0,006%).

Có thể nói, hòa nhập cộng đồng sau khi chấp hành xong án phạt tù luôn là một thử thách lớn đối với nhiều người, không chỉ vì những vết thương tâm lý mà họ phải đối mặt, mà còn vì sự kỳ thị và khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm. Vì vậy, việc xây dựng các mô hình tái hòa nhập cộng đồng đã tạo điều kiện cho những người có khát vọng hoàn lương vơi bớt mặc cảm, tự ti, phấn đấu vươn lên, không chỉ tạo lập cuộc sống ổn định cho bản thân và gia đình mà còn giúp đỡ được nhiều người, trở thành những tấm gương tiêu biểu về tái hòa nhập cộng đồng. Đó không chỉ là một việc làm mang tính xã hội mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, góp phần ổn định trật tự xã hội, mang lại lợi ích lâu dài cho cộng đồng, xây dựng một xã hội công bằng, nhân ái và tiến bộ.

Bài và ảnh: Ngân Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thieu-hoa-giup-nguoi-chap-hanh-xong-an-phat-tu-hoan-luong-235107.htm