Thiếu hơn 10.000 giáo viên, các địa phương kiến nghị bổ sung biên chế
Theo quy định hiện nay, so với số lượng học sinh (HS) và vị trí việc làm, Hà Nội vẫn thiếu hơn 10.000 giáo viên. Do đó, Hà Nội kiến nghị bổ sung biên chế.
Sáng 14-12, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hà Nội cho biết trung bình mỗi năm TP xây dựng từ 35 đến 40 trường học mới đủ chỗ học cho HS. Số lượng HS tăng qua các năm, riêng HS lớp 1 năm 2023-2024 tăng 7.000 em. Còn HS lớp 6 tăng 58.000 em.
Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hà Nội cho hay theo quy định hiện nay, so với số lượng HS và vị trí việc làm, Hà Nội vẫn thiếu hơn 10.000 giáo viên.
Từ đó, ông Cương kiến nghị Bộ Nội vụ tham mưu, xem xét bổ sung biên chế, tuyển dụng giáo viên đảm bảo vị trí việc làm. Đồng thời, cũng đề nghị không áp dụng máy móc mục tiêu đạt tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập, 10% biên chế sự nghiệp, 10% chi trực tiếp từ ngân sách cho các đơn vị giáo dục công lập.
Để giáo viên yên tâm với nghề, ông Cương đề xuất cần bổ sung việc chưa thực hiện được chính sách lương cho nhà giáo trong phần hạn chế, bất cập. Cụ thể, lương cho nhà giáo cần được ưu tiên xếp cao nhất trong bảng hệ thống bậc lương cho hành chính và có thêm phụ cấp tùy tính chất công việc và theo vùng.
Tại hội nghị, ông Dương Xuân Nguyên, Phó Chủ tịch thường trực tỉnh Lạng Sơn cũng đề nghị Chính phủ sẽ chỉ đạo giao đủ số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập theo tinh thần ở đâu có học sinh ở đó có giáo viên, phù hợp với đặc thù miền núi. Đồng thời, đề nghị Bộ GD&ĐT kiến nghị Bộ nội vụ xem xét điều chỉnh vị trí việc làm y tế học đường từ danh mục vị trí việc làm hỗ trợ học vụ sang danh mục vị trí việc làm chuyên môn nội dung tại các trường học.
Tương tự, bà Y Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum kiến nghị bổ sung biên chế còn thiếu cho ngành GD&ĐT tỉnh. Hiện nay tỉnh Kon Tum còn thiếu 800 đội ngũ giáo viên các cấp học.
“Đề nghị Bộ GD&ĐT có kiến nghị với chính phủ không cắt giảm 10% số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập theo ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên và các đơn vị sự nghiệp công nghiệp tự đảm bảo 1 phần chi thường xuyên” - bà Ngọc bày tỏ.
Ngành giáo dục TP.HCM đạt trình độ tiên tiến thế giới vào năm 2045
Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29, đạt các mục tiêu về phát triển GD&ĐT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, TP.HCM triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp:
Nghiên cứu và phát huy tinh thần Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Tập trung xây dựng TP.HCM thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước và khu vực Châu Á, đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045.
Đẩy mạnh rà soát, sắp xếp, bố trí, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; tham mưu xây dựng cơ chế thu hút, tuyển dụng đội ngũ nhằm khắc phục tình trạng thừa – thiếu giáo viên cục bộ trong các cơ sở giáo dục.
Tiếp tục ưu tiên, đẩy mạnh quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo, phấn đấu đạt chỉ tiêu 300 phòng học/ 10.000 dân trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi) ở mỗi cấp học, bậc học;