Thiệu Khánh – những bước 'chuyển mình'
9 năm về trước, Thiệu Khánh cùng với 18 xã, thị trấn thuộc các huyện Thiệu Hóa, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Đông Sơn thực hiện chủ trương sáp nhập vào TP Thanh Hóa. Trải qua biết bao khó khăn, thử thách, từ một xã nông thôn nằm bên lề nhịp sống năng động, phát triển của thành phố, phường Thiệu Khánh đã có những bước 'chuyển mình' đáng kể.
Trong thời gian tới, Thiệu Khánh tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng đồng bộ, hiệu quả cơ sở hạ tầng, đáp ứng tốt các tiêu chí khi chuyển từ xã lên phường.
Từ làng... lên phố
Trước kia, Thiệu Khánh được xem là một trong những xã phát triển của huyện Thiệu Hóa, nhưng khi sáp nhập về TP Thanh Hóa thì Thiệu Khánh “đuối” hơn về mọi mặt.
Từ làng... lên phố, Thiệu Khánh đã tập trung huy động, phân bổ hợp lý các nguồn lực nhằm thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, đảng ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội đã nỗ lực động viên Nhân dân hiến đất và các tài sản trên đất để cải thiện hệ thống đường giao thông. Đồng chí Lê Tiến Vinh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch phường Thiệu Khánh, phấn khởi cho biết: “Hiện nay, tất cả các tuyến đường giao thông trên địa bàn đều là kết quả của Nhân dân đồng thuận hiến đất và tài sản trên đất mà được mở mang, cải tạo, từ đó tạo điều kiện cho việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng diễn ra thuận lợi, nhanh chóng, khẩn trương, đảm bảo chất lượng”. Có những hộ gia đình tình nguyện hiến 80m2 đất ở; hộ gia đình ông Nguyễn Gia Tình (thôn 9) đã hiến 150m2 đất nông nghiệp... Năm 2020, Thiệu Khánh đã vận động được 92 hộ dân hiến đất và tài sản trên đất, giải phóng mặt bằng để xây dựng các tuyến đường.
Để việc xây dựng cơ sở hạ tầng được đồng bộ, Thiệu Khánh đã xin chủ trương đầu tư hai tuyến đường từ dốc đê Trung ương tại thôn Dinh Xá đến nhà văn hóa thôn 8 và tuyến đường từ thôn 3 đến cổng làng Vồm (thôn 5). Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các đơn vị nhà thầu thi công thực hiện xây dựng các hạng mục công trình để đưa vào sử dụng như: nhà hiệu bộ, nhà ăn bán trú, các phòng chức năng của Trường Tiểu học Thiệu Khánh, hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật khu dân cư thôn 6 (Hỏa Tinh)...; tích cực phối hợp với ban giải phóng mặt bằng và tái định cư thành phố kiểm kê, áp giá bồi thường cho 6 hộ bị ảnh hưởng bởi dự án mở rộng khuôn viên chùa Vồm và tổ chức lập phương án bố trí tái định cư... Những hiệu quả của công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng không chỉ góp phần tô đẹp thêm cho diện mạo của Thiệu Khánh ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” mà có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, cải thiện đời sống cho Nhân dân.
Phát huy thế mạnh của địa phương, những năm qua, cơ cấu giá trị sản xuất của Thiệu Khánh có sự chuyển dịch đúng hướng: Tăng dần tỷ trọng giá trị sản xuất của ngành dịch vụ, thương mại và ngành sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với khai thác có hiệu quả các sản phẩm cây ăn quả, rau an toàn, lúa cho năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, từ năm 2017, nhằm thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Thiệu Khánh đã đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mạnh dạn đưa vào trồng thí điểm 5 ha chanh không hạt. Sau quá trình đầu tư, chăm sóc, đầu năm 2021, mô hình trồng chanh không hạt đã cho thu hoạch lứa đầu tiên. Theo khảo sát sơ bộ tại địa phương: Mô hình này bước đầu cho thấy hiệu quả, mang lại niềm vui, phấn khởi, tin tưởng cho bà con.
Công tác phát triển doanh nghiệp được địa phương xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Bên cạnh việc chủ động lập kế hoạch, giao chỉ tiêu vận động phát triển doanh nghiệp cho từng bộ phận, cán bộ, công chức, phường Thiệu Khánh đã phối hợp với các cơ quan chức năng mở lớp tập huấn về phát triển doanh nghiệp, trợ giúp phát triển doanh nghiệp, khởi sự doanh nghiệp, bồi dưỡng doanh nhân...
Từ những nỗ lực, phấn đấu ấy, thông qua nhiều việc làm, hành động quyết liệt, thiết thực, hiệu quả, diện mạo nông thôn mới của Thiệu Khánh ngày càng khang trang, sạch – đẹp. Đời sống của Nhân dân được cải thiện rõ rệt. Năm 2020, tốc độ tăng giá trị sản xuất ước đạt 15,2%; thu nhập bình quân đầu người đạt 50,5 triệu đồng/người/năm (ổn định so với cùng kỳ). Cơ cấu giá trị sản xuất chuyển dịch đúng hướng: tỷ trọng giá trị sản xuất ngành dịch vụ thương mại chiếm 18,5%, ngành công nghiệp – xây dựng chiếm 77,2%, ngành nông nghiệp chiếm 4,3%. Trong đó, phường Thiệu Khánh có 50 hộ sản xuất, kinh doanh, chế biến gỗ, giải quyết việc làm cho khoảng 200 lao động địa phương với mức thu nhập 6 - 7 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, Thiệu Khánh có khoảng 800 lao động thường xuyên hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Lào với mức thu nhập cao, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được giữ vững. Công tác quản lý đô thị, tài nguyên môi trường và xây dựng cơ bản được quan tâm, chú trọng. Các lĩnh vực văn hóa – xã hội, quốc phòng - an ninh được đảm bảo. Công tác giảm nghèo nhanh và bền vững được thực hiện có hiệu quả: tỷ lệ hộ nghèo từ 1,18% (đầu năm 2020) giảm xuống còn 0,54% (cuối năm 2020); tỷ lệ hộ cận nghèo từ 3,98% (đầu năm 2020) xuống còn 1,18% (cuối năm 2020)...
Từ xã... lên phường
Một bước ngoặt quan trọng nữa đánh dấu giai đoạn phát triển mới của Thiệu Khánh khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1108/NQ-UBTVQH14 ngày 9-12-2020 về việc thành lập các phường thuộc TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, Thiệu Khánh từ xã lên phường. Phường Thiệu Khánh được thành lập trên cơ sở toàn bộ 5,32 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 12.425 người của xã Thiệu Khánh. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-2-2021.
Đối với Thiệu Khánh, sự thay đổi ấy không đơn thuần chỉ mang ý nghĩa về mặt hành chính. Đó vừa là niềm tự hào, vừa là cơ hội nhưng đồng thời cũng đặt lên vai cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân nơi đây nhiều khó khăn, thử thách. Nhận thức sâu sắc điều đó, qua đánh giá, căn cứ vào tình hình địa phương, ngay từ đầu năm 2021, phường Thiệu Khánh xác định phương hướng hoạt động là tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, vừa nêu cao tinh thần phòng chống dịch COVID–19 vừa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, khôi phục và từng bước phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã được đặt ra, thể hiện nỗ lực, quyết tâm phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân phường Thiệu Khánh: tốc độ tăng của giá trị sản xuất đạt 15,8%; thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,54%; giữ vững danh hiệu đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2; tỷ lệ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa là 89%...
Đồng chí Lê Tiến Vinh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch phường Thiệu Khánh, cho biết thêm: “So với các đơn vị cấp phường khác trực thuộc TP Thanh Hóa, Thiệu Khánh có xuất phát điểm thấp. Mặc dù vậy nhưng khi có chủ trương thành lập phường, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân Thiệu Khánh rất phấn khởi, tự hào, nêu cao tinh thần đoàn kết, quyết tâm, chung sức đồng lòng nỗ lực phấn đấu, hướng đến sự phát triển. Tuy nhiên, để có thể đạt được kết quả như mong muốn, kỳ vọng thì chúng tôi xác định phải vượt qua nhiều khó khăn, thử thách”. Trong thời gian tới, phường tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng, đáp ứng tốt các tiêu chí khi chuyển từ xã lên phường và phục vụ đời sống của bà con Nhân dân. Cùng với đó, phường tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích trồng chanh không hạt; du nhập thêm các ngành, nghề mới về địa phương...