Thiếu khí đốt Nga, châu Âu thực hiện hành động 'đau buồn'
Các nước phụ thuộc vào khí đốt Nga cấp tốc tìm kiếm nguồn cung nhiên liệu thay thế từ ngày 20-6 và có thể phải tiêu thụ nhiều than đá hơn để đối phó với việc dòng chảy khí đốt từ Nga bị cắt giảm.
Đức, Ý, Áo và Hà Lan đều đã phát tín hiệu rằng các nhà máy điện nhiệt than có thể giúp châu Âu vượt qua cuộc khủng hoảng đang khiến giá nhiên liệu tăng phi mã.
Chính phủ Hà Lan ngày 20-6 thông báo quyết định gỡ bỏ giới hạn sản lượng tại các nhà máy điện nhiệt than và sẽ kích hoạt giai đoạn 1 của kế hoạch ứng phó khủng hoảng năng lượng.
Đan Mạch cũng đã triển khai bước đi đầu tiên trong kế hoạch ứng phó khủng hoảng khí đốt vì sự bất ổn của nguồn cung Nga.
Ý tiến thêm một bước đến việc ban bố tình trạng khẩn cấp năng lượng quốc gia, sau khi Công ty dầu mỏ Eni tiết lộ Tập đoàn năng lượng Gazprom (Nga) đã nói với họ rằng họ sẽ chỉ nhận được một phần khí đốt đề nghị vào ngày 20-6.
Đức, quốc gia cũng đã bị Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt, mới đây thông báo kế hoạch mới nhất nhằm gia tăng trữ lượng khí đốt, đồng thời khẳng định họ có thể tái khởi động các nhà máy điện than.
"Thật đau buồn nhưng đây là hành động cần thiết trong trong tình huống này để giảm lượng khí đốt tiêu thụ. Nếu không làm vậy, chúng tôi có thể đối mặt rủi ro thiếu khí đốt khi bước vào mùa đông. Khi đó, chúng tôi có thể sẽ phải nhượng bộ chính trị" – Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck khẳng định, theo Reuters.
Nga ngày 20-6 tiếp tục nhấn mạnh châu Âu chỉ có thể tự trách mình khi áp lệnh trừng phạt nhằm vào Nga để phản ứng với chiến dịch quân sự của quốc gia này ở Ukraine, một điểm quan trọng trong tuyến vận chuyển khí đốt đến châu Âu.
Tập đoàn Gazprom tuần rồi cắt giảm nguồn cung khí đốt dọc theo hệ thống Nord Stream 1 (Dòng chảy phương Bắc 1) với lý do Công ty Siemens Energy (Đức) ở Canada chậm trễ bàn giao thiết bị sửa chữa.
"Chúng tôi có khí đốt, đã sẵn sàng bàn giao. Tuy nhiên, châu Âu phải trả lại thiết bị, vốn nên được sửa chữa theo nghĩa vụ hợp đồng" – người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói.
Dù vậy, giới chức Đức và Ý khẳng định đây chỉ là cái cớ để cắt giảm nguồn cung khí đốt.