Thiếu minh bạch là kẽ hở lớn để quan 'ăn' đất

Việc xử lý nhiều quan chức có sai phạm trong việc quản lý, sử dụng đất là chỉ dấu cho thấy có nhiều hy vọng trong việc ngăn chặn tiêu cực trong lĩnh vực tham nhũng nặng nề nhất này.

Mới đây nhất Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa đề nghị xem xét, kỷ luật Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Quân ủy Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, trong thời gian giữ cương vị Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Quân chủng Hải quân đã vi phạm trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng. Nhiều sỹ quan khác cũng bị đề nghị kỷ luật bởi việc này.

Việc nhiều quan chức bị xử lý kỷ luật, thậm chí bắt giam về những sai phạm trong quản lý, sử dụng đất cũng là vấn đề rất nóng trong thời gian qua mà tiêu biểu là vụ án Vũ nhôm hay việc xử lý kỷ luật đối với ông Tất Thành Cang mới đây...

Vấn đề đặt ra là hệ thống thể chế của chúng ta trong việc quản lý đất đai đang có vấn đề hay vì những chuyện gì mà sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai lại nhiều và nghiêm trọng như vậy?

Góc nhìn thẳng có cuộc trao đổi với giáo sư ĐẶNG HÙNG VÕ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường để tìm câu trả lời cho vấn đề này.

Mời quý vị và các bạn theo dõi video cuộc trao đổi về vấn đề quan chức và những sai phạm về đất đai với GS Đặng Hùng Võ dưới đây:

Nhà báo Mỹ Hạnh: Vâng, thưa GS, những sai phạm về đất đai như đã nêu trên không phải là mới, mà nó đã diễn ra từ hàng chục năm trước, vậy theo ông, vấn đề cốt lõi nhất của những sai phạm trên là gì?

GS ĐẶNG HÙNG VÕ: Nói thẳng ra, hiện tượng tham nhũng về đất đai này theo nhiều khảo sát của Ngân hàng Thế giới, chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) hay một số nước như Thụy Điển, Na Uy trước đây khảo sát giúp chúng ta về tình trạng tham nhũng từ đất đai ...họ đều xếp tham nhũng từ đất đai là số một trong các loại tham nhũng.

Có hai câu chuyện lớn trong tham nhũng đất đai. Thứ nhất là tham nhũng giá trị lớn từ đất công, lẽ ra toàn bộ giá trị đất công theo giá thị trường thuộc về nhà nước thì được định giá giảm đi và một phần chêch lệch đó vào túi tư nhân, có thể đứng danh nghĩa nhà đầu tư và nhà đầu tư dạng này sẽ chi lại cho những người có thẩm quyền, có vai trò quyết định.

Thứ hai là những hiện tương tham nhũng vặt, khi làm các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai thường phải bôi trơn, đưa phong bì để hồ sở được giải quyết nhanh hơn chẳng hạn.

Ở đây, chúng ta nên tập trung nói về tham nhũng lớn, là câu chuyện lẽ ra toàn bộ giá trị đất đai công sản phải thuộc về ngân sách nhà nước thì lại có phần chuyển vào túi tư nhân và quan chức có vai trò quyết định.

Nhà báo Mỹ Hạnh: Sai phạm trong quản lý đất đai diễn ra đối với hầu hết các loại đất: từ biến đất công thành đất tư; thâu tóm đất vàng của nhà nước rồi bán cho doanh nghiệp kiếm lời; đất nông nghiệp chuyển mục đích sử dụng, đất lâm nghiệp, đất quốc phòng, an ninh....một cách ngắn gọn nhất, ông đánh giá thế nào về những kẽ hở, những điểm chưa quy định cụ thể trong hệ thống pháp luật hiện hành khiến xảy ra nhiều sai phạm như vậy?

GS ĐẶNG HÙNG VÕ: Hiện nay, trong hệ thống pháp luật đất đai nói chung, thẩm quyền từng cấp đã được quy định rõ. Quan trọng nhất là quyền thu hồi đất của người này sau đó trao cho người khác.

Việc đầu tiên trong quá trình ấy là thu hồi đất, thì việc này theo đa số người bị thu hồi đất việc bồi thường là chưa thỏa đáng. Tiếp theo là đem số đất thu hồi đấy trao cho nhà đầu tư kể cả trong hay ngoài nước. Câu hỏi đầu tiên đặt ra là giao đất đó cho ai thì theo quy định hiện nay là phải đấu giá đất. Nhưng thực tế thì nhiều người có thẩm quyền lại chứng minh rằng việc đấu giá đó không thành. Lẽ ra phải công bố thông tin rộng rãi trước khi đấu giá nhưng sau một số động tác như mù mờ thông tin chẳng hạn thì cuối cùng công bố là chỉ có một đơn vị tham gia. Đó là chưa kể những trường hợp quân xanh, quân đỏ mà ai trong chúng ta cũng biết là xảy ra khá thường xuyên. Và hậu quả cuối cùng là mảnh đất đó sẽ được giao cho một người mà người ta đã nhắm tới từ lâu. Hay nói như thuật ngữ pháp lý là đã được chỉ định...Vấn đề nằm ở chỗ định giá đất đó như thế nào thì người có thẩm quyền được định giá, tất nhiên theo cấp quản lý.

Tôi cũng muốn nói thêm là pháp luật về đất đai của chúng ta quy định rất nhiều nơi, nhiều chỗ, nhiều việc là phải công khai, minh bạch thông tin nhưng riêng việc giao đất, cho thuê đất của nhà nước cho một người nào đó thì rất tiếc lại không có quy định về công khai thông tin. Sau Luật đất đai, gần đây có Luật Tiếp cận thông tin, nơi người ta hy vọng thông tin được minh bạch nhất thì luật này lại viết như Luật Đất đai và cũng không có quy định về minh bạch thông tin trong việc giao đất cho ai. Đây là một kẽ hở vì muốn Quốc hội, Hội đồng Nhân dân giám sát thì phải có thông tin mới giám sát được. Không có yêu cầu minh bạch thông tin thì lấy đâu thông tin để giám sát?

Cứ như thế thì những người có thẩm quyền luôn luôn lợi dụng kẽ hở đó để kiếm chênh lệch về giá sau khi chia nhau với người được giao đất.

Việc nữa là chúng ta đều biết rằng đất công, nhất là tại đô thị là tài sản cực kỳ lớn. Ai ở đô thị đều thấy, trước đây từ công trình to đến cửa hàng bán thực phẩm, tiệm cắt tóc, cửa hàng giải khát...đều thuộc nhà nước. Nhưng sau khi chuyển sang cơ chế thị trường thì bằng cách này, cách khác đã thuộc về tư nhân. Hiện nay có rất nhiều khu đất vàng mà nhiều nhà đâu tư nhăm nhe muốn thâu tóm. Cả hai trường hợp này đều chưa có sự mạch lạc ở chỗ đưa đất đai thuộc sở hữu nhà nước ra thị trường thì đưa theo kiểu gì, công khai hay không công khai, đấu giá hay không đấu giá...cũng là nguyên nhân làm thất thoát giá trị tài sản công.

Rồi việc thủ trưởng một cơ quan nào đó lấy nhà công biến thành nhà của mình dưới hình thức cơ quan giải quyết chế độ nhà cho cán bộ. Chúng ta cũng đều biết ví dụ tiêu biểu như biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa (Hà Nội), Chuyện này cũng nổi lên trên các phương tiện truyền thông một thời, nay do một số kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về sai phạm của một số quan chức về đất đai nó lại được nói tới thêm một lần nữa.

GS Đặng Hùng Võ: Chênh lệch giữa giá đất công bố và giá thị trường là kẽ hở lớn cho tham nhũng từ đất đai.

GS Đặng Hùng Võ: Chênh lệch giữa giá đất công bố và giá thị trường là kẽ hở lớn cho tham nhũng từ đất đai.

Nhà báo Mỹ Hạnh:Ông đánh giá thế nào về những nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc xử lý những sai phạm của những quan chức về đất đai?

GS ĐẶNG HÙNG VÕ: Việc này, như tôi đã nêu trường hợp biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa, tức là công luận đã biết đến rồi. Nhưng còn nhiều trường hợp khác nữa, xảy ra hai tình huống, hoặc quan chức có ý định biến nhà công thành nhà tư rút lui, thì tôi cho rằng đó là những người còn có tự trọng. Nhưng cũng còn những trường hợp công luận đã nêu nhưng vẫn cố giữ, tất nhiên là những người này tự trọng quá yếu.

Gần đây, vụ Vũ nhôm là trường hợp điển hình của một cá nhân lợi dụng cách thức này, cách kia để nói với chính quyền một số địa phương là tôi là người quan trọng, đang thực thi nhiệm vụ...để mà lấy đất công một cách rất công khai, số lượng đất lớn mà nhiều cán bộ ở một số địa phương lại cho rằng việc giao đất cũng như là thực thi nhiệm vụ. Vụ án đã được xét xử và liên quan đến Vũ nhôm có nhiều quan chức bị xử lý theo. Điều đó cho thấy gần đây trong việc xử lý sai phạm về đất đai chúng ta đã làm triệt để hơn nhiều. Khác hẳn trước đây, chủ yếu báo chí nêu lên nhưng có khi chúng ta cứ tạm gác, để đấy và cũng không ai bị kỷ luật cả.

Trong vụ án Vũ nhôm thì có nhiều quan chức bị xử lý kỷ luật. Như thế, rõ ràng chúng ta đã đưa ra cách thức xử lý theo cách gọi là không có vùng cấm. Tất cả mọi người đều thấy đó là dấu hiệu rất tích cực. Và mới đây, đề xuất kỷ luật cán bộ sai phạm về quản lý, sử dụng đất đai của Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa đưa ra, người dân lại thấy tín hiệu tích cực hơn nữa. Và chúng ta cùng hy vọng những tín hiệu tích cực đó còn tiến bước nữa, thành những việc làm cụ thể để ngăn chặn tình trạng tham nhũng từ đất công.

Nhà báo Mỹ Hạnh:Nhiều ý kiến nói rằng, tham nhũng về đất đai sẽ còn trầm trọng trong thời gian tới, ông có thể nhìn cụ thể hơn về vấn đề này?

GS ĐẶNG HÙNG VÕ: Tôi luôn lạc quan, với những dấu hiệu hiện nay, chúng ta có hy vọng nhiều hơn rất nhiều lần rằng tương lai tình trạng tham nhũng đất công sẽ giảm. Bởi vì, nếu chúng ra xử lý cương quyết, không chỉ với những vụ án trọng điểm mà từ những vụ án trọng điểm, chúng ta đưa ra xử lý mọi trường hợp thì chắc chắn tham nhũng đất công sẽ giảm rất nhiều.

Còn những ý kiến trên mà tôi nói là bi quan ấy thì thực tế họ cũng có lý bởi vì thực tế cũng đã rất nhiều lần chúng ta thấy vụ việc được đưa ra nhưng rồi lại để chìm xuồng. Thời gian gần đây, những vụ trọng điểm, phải nói rằng chúng ta xử lý rất cương quyết. Nhưng nếu rà soát lại tất cả các quan chức nếu phải minh bạch về mọi tài sản đang có, tôi nghĩ khó có ai có thể minh bạch được.

Câu chuyện đặt ra là liệu chúng ta có xử lý được một cách rộng khắp hay không, có làm cương quyết như những vụ án trọng điểm hay không. Nhân dân thì thường nói rằng quan chức nào cũng có nhiều nhà đất. Tôi cho rằng, chúng ta hãy làm đi, để người dân đẩy khỏi đầu mình suy nghĩ cứ quan chức là có vấn đề về đất đai. Lúc đó, câu chuyện tham nhũng đất đai mới lùi thực sự.

GS Đặng Hùng Võ: "Việc xử lý cương quyết sai phạm của quan chức về đất đai sẽ gạt khỏi trong đầu người dân suy nghĩ cứ cán bộ là có vấn đề về đất đai".

GS Đặng Hùng Võ: "Việc xử lý cương quyết sai phạm của quan chức về đất đai sẽ gạt khỏi trong đầu người dân suy nghĩ cứ cán bộ là có vấn đề về đất đai".

Nhà báo Mỹ Hạnh: Sắp tới đây, Luật Đất đai lại được sửa đổi, với tư cách là người từng tham gia soạn thảo Luật Đất đai, ông thấy điểm cốt lõi nào là hệ trọng nhất cần phải được luật hóa để việc quản lý, sử dụng đât đai được hiệu quả, minh bạch?

GS ĐẶNG HÙNG VÕ: Tôi nghĩ có 3 điểm cần phải được bổ sung vào luật hoặc là nâng cấp thêm lên trên cơ sở các quy định hiện tại.

Thứ nhất, việc phân cấp quản lý đất đai cho cấp nào đó là đúng nhưng phân cấp rồi cần gắn với việc thanh kiểm tra, giám sát việc thực hiện thẩm quyền đó như thế nào. Tôi muốn nhấn mạnh đặc biệt đến sự giám sát của người dân. Luật thì có cửa cho dân giám sát nhưng cái cửa đó hiện nay chưa hình thành, thế thì người dân giám sát bằng cái gì được. Vậy phải làm cho quyền giám sát về đất đai của người dân được thực thi một cách mạch lạc.

Thứ hai, kẽ hở về tài chính đất đai chính là việc bảng giá đất công bố của UBND cấp tỉnh thấp hơn giá thị trường rất nhiều, đó là kẽ hở lớn nhất gây ra tham nhũng về đất đai. Nên yêu cầu là phải lấp khoảng trống về giá trị đất đai giữa giá công bố và giá thị trường. Tham nhũng đất đai chủ yếu xảy ra ở khu vực đất công, lưu ý ở đây chữ đất công là văn nói với nhau, còn luật đất đai chưa định nghĩa thế nào là đất công. Luật quản lý tài sản công lại coi tất cả đất đều là đất công, trong khi đó có đất đã giao cho người dân, doanh nghiệp rồi nhưng vẫn coi đó là đất công. Như vậy về khái niệm đã rất lộn xộn. Vậy nên cũng phải tách bạch rõ đối với đất công thì nên quản lý thế nào, còn với đất đã giao để sử dụng vào mục đích tư thì quản lý ra sao...Vấn đề này phải thật rành mạch thì mới ngăn chặn được việc làm giảm giá trị đất công.

Thứ ba, việc giao đất làm nhà ở cho cán bộ cũng phải quy định hết sức rành mạch là cấp nào thì được và được đến mức nào. Bởi vì nhân dân không ai tỵ với một người cán bộ cấp cao có đóng góp được giao đất làm nhà ở cả nhưng quy trình phải hết sức rành mạch. Tôi cho rằng đó là những việc mà chúng ta phải quan tâm trong lần sửa đổi Luật đất đai này.

Góc nhìn thẳng (thực hiện)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/goc-nhin-thang/xu-ly-quan-chuc-tham-nhung-tu-dat-dai-529540.html