Thiếu 'món ăn' tinh thần cho công nhân ở 'thủ phủ' khu công nghiệp của Đồng Nai: Bài 2: Bao giờ có sân bóng, thư viện, rạp phim phục vụ công nhân?
Thực tế cho thấy, khi công nhân lao động thường xuyên tập luyện thể thao sẽ có một tinh thần minh mẫn, một cơ thể khỏe mạnh, năng suất lao động cao hơn, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cho công ty. Đối với địa phương thì tạo sân chơi cho công nhân thường xuyên cũng hình thành lối sống lành mạnh, không vướng vào các tệ nạn xã hội, góp phần ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.
Tại huyện Nhơn Trạch cũng đã xuất hiện những mô hình sân chơi thể thao, thư viện phục vụ công nhân nhưng số lượng doanh nghiệp làm được chưa nhiều.
Doanh nghiệp tăng phúc lợi để giữ “tài sản” quý
Sau giờ làm, hàng chục công nhân tại Công ty TNHH Hyosung Việt Nam (KCN Nhơn Trạch 5) lại tập trung chơi bóng ở sân bóng đá của công ty, ngoài sân bóng đá công ty còn có sân bóng chuyền và phòng chơi bóng bàn.
Bà Nguyễn Thị Tố Nga, Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty TNHH Hyosung Việt Nam chia sẻ: “Bên trong ký túc xá công ty được đầu tư phòng tập gym với khoảng 8 máy tập như: máy chạy bộ, máy đánh bụng, ghế tập gấp bụng, tạ; phòng bóng bàn và sân bóng đá 7 người chơi, hầu như các sân bóng đều có công nhân chơi vào giờ tan tầm”.
Thay vì đầu tư làm sân chơi thể thao thì công ty như Posco VST và Công ty TNHH Hwaseung Vina lựa chọn làm thư viện với hàng ngàn đầu sách các loại.
Anh Trương Đình Toàn, Phó chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Posco VST cho hay: “Để giúp công nhân viên có nơi giải trí vào giờ nghỉ trưa, công ty đã bố trí một thư viện mini, trang bị đầy đủ bàn ghế và hơn 1,4 ngàn đầu sách với đủ các thể loại từ sách pháp luật, tiểu thuyết, sách tiếng Anh, tiếng Hàn… Nhờ có thư viện mà một số anh chị em công nhân nâng cao trình độ ngoại ngữ cũng như có nhiều sáng kiến hay trong công việc”.
Còn tại Công ty Huatex Việt Nam (KCN Nhơn Trạch 6), công ty đang trong quá trình xây thêm 2 xưởng lớn và trên đã dành ra một phần diện tích để làm sân bóng đá, sân cầu lông.
“Đối với các giải thể thao như bóng đá do LĐLĐ huyện tổ chức thì những công nhân viên tham gia được công ty tạo điều kiện về thời gian để luyện tập, hỗ trợ kinh phí tập luyện…” - Chị Chu Thị Ngọc Phương, Chủ tịch CĐCS Công ty Huatex Việt Nam cho biết
Anh Nguyễn Đức An, công nhân đang làm việc tại công ty TNHH Minh An (KCN Nhơn Trạch 3) chia sẻ: “Bên trong khuôn viên công ty có sân bóng đá nên cứ sau giờ làm tôi với các đồng nghiệp cùng nhau chơi, tôi cũng làm qua mấy công ty rồi nên không phải công ty nào cũng có sân chơi cho công nhân”.
Theo Ban Quản lý KCN Đồng Nai, huyện Nhơn Trạch có 9 khu công nghiệp với hơn 590 công ty, theo quy hoạch mỗi KCN phải xây dựng được khu thiết chế văn hóa nhưng do nhiều nguyên nhân nên đến nay vẫn chưa có; đối với các công ty xây được sân bóng đá, bóng chuyền, cầu lông là do các công ty chủ động làm và trên thực tế những công ty có sân thể thao chỉ chiếm khoảng 10%.
Chưa nhiều chủ trọ chịu chi mạnh tay
Sẵn sàng chi số tiền hơn 30 triệu đồng để làm sân chơi bóng chuyền, chị Trần Ngọc Thanh, chủ nhà trọ tại khu phố Phước Hiệp (thị trấn Hiệp Phước) cho biết: “Làm sân chơi bóng chuyền này cũng một phần là do nhiều công nhân ở khu trọ đề xuất, thứ hai là nhà tôi còn đất trống, vậy là tôi mới bàn với chồng mua cát về đổ, lắp đèn, mua lưới làm thành sân chơi cho mọi người, mỗi năm gia đình chi một khoảng tiền duy trì sân này, tới nay cũng đã gần 10 năm rồi”.
Còn tại khu nhà trọ văn hóa Phúc Lộc Thọ, xã Long Thọ, anh Nguyễn Mạnh Vũ, quản lý khu nhà trọ với gần 70 phòng cho biết: “Người thuê trọ ở đây đa số là công nhân, cũng nhờ phía trước khu trọ có bãi đất trống nên khu vực này thường được UBND xã chọn làm điểm biểu diễn văn nghệ, ca múa nhạc, ngược lại nhà trọ chúng tôi sẽ hỗ trợ điện nước phục vụ đêm diễn, nhờ vậy mà công nhân khu trọ của mình được xem văn nghệ giải trí”.
Cũng theo anh Vũ, thì khoảng đất trống nói trên là đất công. Do thấy đất công bỏ trống gây lãng phí, dễ xảy ra tệ nạn xã hội nên vào năm 2022, UBND xã có trao đổi và đề nghị nhà trọ cải tạo lại để làm khu vui chơi cho công nhân và người dân địa phương, toàn bộ kinh phí khoảng 400 triệu đồng đều do chủ nhà trọ đóng góp, ban ngày thì khu đất là sân chơi bóng chuyền, sân cầu lông, con em công nhân ở trọ có chỗ chạy nhảy, vui chơi an toàn.
Anh Đào Thanh Tuyến, Trưởng khu phố Phước Hiệp (Thị trấn Hiệp Phước) cho hay: “Ở khu phố có 3 hộ nhà trọ tận dụng các khoảng đất trống, có hộ là đất nhà, có hộ thì xin ý kiến địa phương cho cải tạo đất ruộng bỏ trống để làm sân bóng đá, sân bóng chuyền; ngoài ra còn có 03 hộ khác đầu tư làm sân cầu lông, mở phòng tập yoga…”
Cũng theo anh Tuyến, khu phố có đến 150 cơ sở trọ, chỉ những hộ có đất rộng, nhà có điều kiện mới làm được mô hình này vì chi phí đầu tư và duy trì các sân tập tốn khá nhiều tiền, đối với những hộ có thu phí thì mức phí cũng không đáng kể, bởi chủ yếu là công nhân chơi, do đó cũng thu phí rất rẻ.
Nhơn Trạch có hơn 4 ngàn khu nhà trọ nhưng diện tích các khu nhà trọ chỉ đủ đáp ứng điều kiện sinh hoạt, hầu như thiếu không gian cho người thuê trọ chơi thể thao, những khu nhà trọ chủ động làm sân chơi cho công nhân lao động cũng chỉ chiếm số ít, thực tế không nhiều.