Thiếu nhân công chăm sóc thanh long, ruộng lúa

Đó là nỗi lo của người nông dân trong khu phong tỏa cách ly ở xã Hồng Thái, nơi đầu tiên của huyện Bắc Bình có người dương tính với SARS-CoV-2. Xã Hồng Thái đã giải quyết bằng cách nhờ những nông dân ngoài khu phong tỏa giúp, nhưng chỉ với lúa còn thanh long rất khó khăn.

Thiếu nhân công chăm sóc thanh l

Tìm nhân công chăm sóc thanh long hiện rất khó với nông dân.

Tìm nhân công chăm sóc thanh long hiện rất khó với nông dân.

Hồng Thái có hơn 700 hộ/ 2.970 khẩu, chủ yếu sinh sống bằng nghề nông. Cũng như bao vùng quê khác trên địa bàn tỉnh, lúa, thanh long là 2 loại cây trồng chủ lực. Dù nắng hay mưa người nông dân luôn cần mẫn chăm sóc lúa, thanh long để tăng thu nhập cho gia đình. Với lúa không nhiều công đoạn chăm sóc bằng thanh long, chỉ gieo sạ đúng mùa vụ, bón phân, xịt thuốc, tháo nước nếu ruộng khô hoặc ngập nước, còn với thanh long phải chăm từ khi trổ bông cho đến khi hái trái. Đặc biệt khi gần chín phải “vuốt tai” thanh long cho trái đẹp, không bị xuống tai trái xấu.

Hiện nay dịch Covid-19 ảnh hưởng đến cuộc sống, giá cả nông sản bấp bênh “được mùa mất giá, được giá mất mùa, thậm chí mất giá mất cả mùa”. Dù vậy nông dân vẫn phải tăng gia sản xuất để có thu nhập ổn định cuộc sống. Chỉ khổ nhất là khi xảy ra sự cố như thôn bị phong tỏa, cách ly, thì hoa màu không ai chăm sóc. Thôn Thái Hòa là điển hình, nhiều hộ gia đình phải cách ly ở nhà 14 ngày, “nội bất xuất, ngoại bất nhập” trong khu phong tỏa để phòng lây lan dịch bệnh. Vì vậy đã không thể chăm sóc được ruộng lúa, vườn thanh long. Cô Nguyễn Thị Tuệ, thôn Hồng Thái chia sẻ: “Cô có người em ở trong khu phong tỏa, cần ra khỏi nhà để “vuốt tai” cho thanh long đang đến thời kỳ chín, nhưng không thể. Nó cứ lo, thuê người làm bây giờ chẳng ai muốn đến xã Hồng Thái vì sợ lây bệnh”.

Chốt phong tỏa tại xã Hồng Thái.

Chốt phong tỏa tại xã Hồng Thái.

Ngoài thanh long đương vụ chín, thì lúa đang thời trổ đòng cũng cần chăm sóc bón phân, thuốc, nước đều đặn, nếu không thì ruộng khô lúa chết. Chưa kể trâu, bò không người chăn dắt... Cảm thông với nỗi lo của người nông dân trong khu phong tỏa, ông Nguyễn Văn Nghĩa – Thôn trưởng thôn Thái Hòa, người đang trực tại chốt phong tỏa cho biết: Về nhu yếu phẩm thì địa phương và mạnh thường quân cung cấp đảm bảo, nhưng cái lo hiện tại của người dân ở đây là không có ai chăm sóc lúa, thanh long, trâu, bò. Có hộ đã gọi điện nhờ người quen hoặc bà con bên ngoài khu phong tỏa giúp, có hộ không có ai. Chúng tôi đang xin ý kiến xã xem có cách nào giúp họ, chứ cách ly nửa tháng, nếu tình hình phức tạp lại tiếp tục 21 ngày thì ruộng đồng của nông dân sẽ khô hết.

Trước khó khăn đó, xã Hồng Thái trấn an họ bằng cách giải thích đây là tình hình chung không riêng thôn Thái Hòa. Dịch bệnh xảy ra ở đâu thì nơi đó phải chịu, cố gắng ý thức phòng dịch, đoàn kết cùng nhau vượt qua. Bà Lê Thị Xuân Thế - Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Thái cho biết: Ngoài nhu yếu phẩm, thì những việc khác rất khó để giúp bà con lúc này vì xã Hồng Thái đang nằm trong tâm dịch của huyện, không ai dám đến địa bàn. Vì vậy, nông dân trong vùng phong tỏa không thể thuê ai làm thay công việc của mình. Với lúa thì được giải quyết bằng cách nhờ những nông dân ở ngoài vùng phong tỏa tháo nước vào giúp. Còn thanh long thì không thể vì thuê nhân công không có, hơn nữa chăm sóc khó hơn lúa. UBND xã đang lo, nếu tình hình dịch kéo dài rất khó cho địa phương... bà Thế nói thêm.

Lê Ninh

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/doi-song/thieu-nhan-cong-cham-soc-thanh-long-ruong-lua-139913.html