Thiếu nhân lực trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật
Phát triển nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật có vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng văn hóa, con người Đồng Nai phát triển toàn diện.
Tuy nhiên, vấn đề nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trên địa bàn tỉnh hiện đang gặp nhiều khó khăn. Nhiều vị trí làm việc tại các đơn vị khó thu hút người lao động.
Khó thu hút người lao động
Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai là một trong những đơn vị gặp nhiều khó khăn trong trong việc tuyển dụng nhân lực, đặc biệt là vị trí hậu đài phục vụ cho các hoạt động biểu diễn nghệ thuật.
Phó giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai Nguyễn Việt Bắc cho biết, đối với vị trí hậu đài, được xếp vào ngạch nhân viên nhưng theo quy định của nhà nước, yêu cầu phải có bằng trung cấp phù hợp với vị trí việc làm. Nhân viên hậu đài là những người làm công việc lao động phổ thông như lắp ráp sân khấu, khuân vác đạo cụ, hệ thống âm thanh, ánh sáng, chuyển cảnh trí phục vụ đêm diễn, chuẩn bị trang phục biểu diễn… Do đó đơn vị rất khó để tuyển dụng.
“Hiện nay, đơn vị khắc phục khó khăn bằng cách hợp đồng với các vị trí còn thiếu để đảm bảo thực hiện có hiệu quả công việc. Đơn vị kỳ vọng trong thời gian tới, các cấp, các ngành liên quan tìm cách tháo gỡ, đưa ra những quy định, quy chế thông thoáng hơn, giúp đơn vị mở rộng hơn trong công tác tuyển dụng, nhất là vị trí hậu đài” - nghệ sĩ Việt Bắc chia sẻ.
Bên cạnh nhân viên hậu đài, việc tuyển dụng vị trí diễn viên, nhất là diễn viên cải lương cũng gặp khó khăn, bởi đây là hoạt động nghề nghiệp đặc thù, người theo đuổi nghệ thuật phải có năng khiếu, đặc biệt có tâm huyết với nghề, đáp ứng yêu cầu vai diễn cho chương trình, vở diễn. Vị trí này hiện yêu cầu phải có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên phù hợp với chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn.
Theo Phó chủ tịch UBND thành phố Long Khánh Tăng Quốc Lập, hiện nay số lượng công chức văn hóa - xã hội của huyện, các xã, phường, thị trấn quá ít so với yêu cầu và khối lượng công việc của địa phương. Công chức văn hóa ngoài thực hiện các nhiệm vụ văn hóa, gia đình, thể thao, du lịch còn kiêm nhiệm lĩnh vực thông tin truyền thông, chuyển đổi số…
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch (VHTTDL) Lê Thị Ngọc Loan cho hay, công tác tuyển dụng nhân lực làm việc trong các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành VHTTDL thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn. Không chỉ trong tuyển dụng nhân viên hậu đài ở Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai mà ngay cả Bảo tàng Đồng Nai, Trung tâm Văn hóa - điện ảnh Đồng Nai và phòng văn hóa, thông tin các huyện, thành phố… cũng gặp nhiều khó khăn trong thu hút người lao động đến làm việc.
“Trên cơ sở Quyết định số 13-2023/QĐ-UBND ngày 6-4-2023 ban hành quy định phân cấp quản lý di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh xếp hạng trên địa bàn tỉnh, nhiều di tích cấp tỉnh được giao về cho Sở VHTTDL quản lý, trực tiếp là bảo tàng. Áp lực đặt lên bảo tàng là rất lớn. Hai năm nay, việc tuyển dụng thuyết minh viên cho bảo tàng và các di tích rất khó” - bà Loan nói.
Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai khuyến khích hình thành các quỹ đào tạo, khuyến học phát triển nhân tài về văn hóa nghệ thuật. Bên cạnh đó, khuyến khích nghệ sĩ, nghệ nhân tham gia giảng dạy; thực hiện miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên, nhất là các bộ môn nghệ thuật truyền thống, ngành hiếm, ngành khó tuyển sinh.
Đào tạo nhân lực văn hóa, nghệ thuật
Để khắc phục khó khăn, Phó chủ tịch UBND thành phố Long Khánh Tăng Quốc Lập đề xuất việc đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng làm công tác văn hóa ở cơ sở cần được triển khai. Đồng thời, mở rộng đối tượng cộng tác viên để hỗ trợ cho việc tổ chức các hoạt động, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần cho các tầng lớp nhân dân.
Đối với các chuyên ngành đờn ca tài tử, cải lương, kịch… thạc sĩ Phùng Ngọc Long, Hiệu trưởng Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai cho biết, trước đây nhà trường đã có đào tạo và từ môi trường này, nhiều nghệ sĩ đã thành danh như: nghệ sĩ Nhân dân Quế Anh, Nghệ sĩ Ưu tú Xuân Vui… Tuy nhiên, thời gian qua, nhu cầu theo học các chuyên ngành ít, việc tuyển sinh gặp khó khăn do ít người học.
“Thời gian tới, nhà trường sẽ nghiên cứu, mở lại các chuyên ngành cải lương, kịch nói, đờn ca tài tử, tiếp tục phát hiện, đào tạo những “mầm xanh”. Qua đó, góp phần tạo nên bức tranh muôn màu về sự kết hợp giữa âm nhạc truyền thống và hiện đại của Đồng Nai” - thạc sĩ Phùng Ngọc Long nói.
Một trong những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là tạo đột phá phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Trong đó nêu rõ có chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao làm việc trong các thiết chế văn hóa như: Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh, Thư viện tỉnh, Bảo tàng tỉnh, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai, các thiết chế văn hóa cấp huyện, cấp xã, đặc biệt là các thiết chế ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, chuyển đổi số.
Mới đây, Sở VHTTDL có báo cáo thực trạng các đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn tại địa phương gửi Bộ VHTTDL. Sở đề xuất bộ tham mưu Thủ tướng Chính phủ chính sách hỗ trợ đãi ngộ để người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn yên tâm công tác, tập trung sáng tạo, cống hiến lâu dài cho sự nghiệp phát triển văn hóa nghệ thuật của tỉnh Đồng Nai nói riêng của nước ta nói chung. Qua đó, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị và các chỉ tiêu đề ra, có những đóng góp tích cực trong việc bảo tồn và phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống.