Thiếu nữ 15 tuổi thoát cảnh 'chân thấp chân cao' sau phẫu thuật chỉnh vẹo cột sống

Phát hiện con gái đi chân thấp chân cao, người mẹ đưa con đi khám các nơi. Theo kết luận của bác sĩ, con gái chị bị vẹo cột sống bẩm sinh nặng do dị tật nửa đốt sống thắt lưng 3 bên phải.

Ngày 25/8, BSCKII Hồ Nhựt Tâm - Chủ tịch Liên Chi hội cột sống TPHCM, Trưởng Đơn vị cột sống Bệnh viện Trưng Vương cho biết, đơn vị vừa phẫu thuật nắn chỉnh vẹo cột sống bẩm sinh do dị tật nửa đốt sống thành công cho bệnh nhân Cao Phạm T.D, 15 tuổi, ngụ tại TPHCM.

Theo chia sẻ của mẹ bệnh nhân, cách đây 1 năm, chị phát hiện con gái đi chân thấp chân cao. Ngay sau đó, gia đình đã đưa bệnh nhân đến các bệnh viện, phòng khám tư nhân quốc tế chuyên trị liệu các bệnh xương khớp, thần kinh cột sống, chấn thương chỉnh hình để trị liệu và nắn chỉnh nhưng không hiệu quả.

Ngày 5/8, gia đình đưa bệnh nhân đến thăm khám tại Bệnh viện Trưng Vương. Qua thăm khám, bác sĩ Hồ Nhựt Tâm chẩn đoán bệnh nhân bị vẹo cột sống bẩm sinh nặng do dị tật nửa đốt sống thắt lưng 3 bên phải, người đổ về bên trái, vai và khung chậu bên phải lệch thấp hơn vai bên trái.

Sau khi hội chẩn, bác sĩ Hồ Nhựt Tâm cùng ê-kíp đã tiến hành phẫu thuật cắt trọn đốt sống dị tật thắt lưng 3 bên phải, giải phóng thần kinh, nắn chỉnh vẹo cột sống sống lối sau với cấu hình toàn ốc chân cung. Ca phẫu thuật kéo dài hơn 5 tiếng.

BSCKII Hồ Nhựt Tâm (trái) và ê-kíp bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân.

BSCKII Hồ Nhựt Tâm (trái) và ê-kíp bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân.

Sau phẫu thuật, dáng người bệnh nhân đi thẳng, vai cân, khung chậu không còn lệch như trước nữa. Đồng thời bệnh nhân không còn đau thắt lưng khi ngồi, đi hay đứng, sức cơ phục hồi hoàn toàn. Tỷ lệ nắn chỉnh vẹo là 81,5%, góc Cobb (được đo đạc trong các trường hợp có lệch vẹo cột sống) trước mổ 54 độ, sau mổ còn 10 độ.

Theo BSCKII Hồ Nhựt Tâm, ước đoán tỷ lệ mắc vẹo cột sống bẩm sinh từ 1-4% dân số, nguyên nhân thường xảy ra tự nhiên.

Vẹo cột sống bẩm sinh là do sự thất bại của sự phát triển cột sống bình thường từ tuần thứ 4 đến tuần thứ 6 của thai kỳ. Vẹo cột sống thường tiến triển nhanh trong giai đoạn đầu 5 tuổi và giai đoạn từ 11-14 tuổi.

Hình ảnh vẹo cột sống bẩm sinh do tật nửa đốt sống thắt lưng 3 bên phải, trước và sau phẫu thuật.

Hình ảnh vẹo cột sống bẩm sinh do tật nửa đốt sống thắt lưng 3 bên phải, trước và sau phẫu thuật.

Cũng theo bác sĩ Hồ Nhựt Tâm, vẹo cột sống bẩm sinh không thể phòng ngừa được. Tuy nhiên, vẫn có cách để phòng ngừa tiến triển của vẹo cột sống như tập thể dục đúng cách. Khi cột sống cong, các cơ xung quanh nó yếu đi, sau đó cho phép độ cong tăng lên. Bệnh nhân cần gia tăng sức mạnh cơ lưng và cơ bụng để giữ cho cột sống thẳng đứng. Điều quan trọng và cần thiết là bệnh nhân cần phải khám và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa cột sống. Nếu không, bệnh nhân có thể làm tổn thương chính mình.

Hầu hết các phương pháp điều trị bảo tồn nhằm mục đích hy vọng tình trạng vẹo cột sống không nặng hơn, chứ không điều trị dứt điểm hoàn toàn vẹo cột sống.

Kim Vân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thieu-nu-15-tuoi-thoat-canh-chan-thap-chan-cao-sau-phau-thuat-chinh-veo-cot-song-169240825062516171.htm