Thiếu nước nghiêm trọng, Bộ Công Thương thực hiện nghiêm cấp than cho sản xuất điện

Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho biết, hiện nay các hồ thủy điện trong tình trạng mức nước giảm, nhiều hồ xuống dưới mực nước chết gây khó khăn vận hành cung ứng điện.

Họp báo thường kỳ Bộ Công Thương chiều nay 18/5. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Họp báo thường kỳ Bộ Công Thương chiều nay 18/5. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Trao đổi tại buổi họp báo thường kỳ chiều 18/5 do Bộ Công Thương tổ chức, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho biết, hiện nay các hồ thủy điện trong tình trạng mức nước giảm, nhiều hồ xuống dưới mực nước chết gây khó khăn vận hành cung ứng điện.

"Bộ Công Thương dự đoán được những khó khăn và có nhiều văn bản chỉ đạo về vấn đề vận hành cung ứng nhiên liệu như than, khí cho phát điện. Trong tháng 5, Bộ cũng đã họp với các tập đoàn chỉ đạo và đang quyết liệt triển khai các giải pháp", ông Hòa nói.

Lãnh đạo Cục Điều tiết Điện lực nhấn mạnh, quan điểm của Bộ Công Thương là nỗ lực đảm bảo cung ứng điện, thực hiện nghiêm nhiệm vụ cung cấp than cho sản xuất điện. Các Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam nỗ lực phục vụ cung ứng và khẩn trương đàm phán cung ứng điện năng lượng tái tạo.

"Đến nay, Bộ Công Thương đã thống nhất giá tạm thời của 8 nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp. Theo đó, khi đáp ứng đầy đủ quy định các nhà máy này sẽ được huy động điện lên lưới điện quốc gia", đại diện Cục Điều tiết Điện lực nói.

Về vấn đề tăng giá điện 3%, ông Hòa cho biết, việc tính toán để điều chỉnh giá bán lẻ điện căn cứ vào Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Ông cho rằng mức tăng 3% là mức tăng thấp nhất, khi điều chỉnh cơ quan chức năng đã tính toán nhiều yếu tố; trong đó hạn chế tác động thấp nhất đến kinh tế vĩ mô.

Hồ thủy điện Lai Châu với mức nước thấp hơn nhiều so với trung bình hàng năm. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Theo thông tin của Tập đoàn Điện lực Việt Nam liên quan các hồ thủy điện, đến ngày 11/5/2023 đã có 11/47 hồ thủy điện lớn có mực nước đã về mực nước chết hoặc gần mức nước chết; trong đó có nhiều hồ thủy điện lớn như: Lai Châu, Trung Sơn, Đồng Nai 2, Buôn Tua Srah, Hương Sơn, Trị An, Ialy, Sông Ba Hạ, Xekaman 1, Đakr Tih, Sê San 4.

Có 21/47 hồ thủy điện lớn có dung tích còn lại dưới 20% như Sơn La (2 ngày đầy tải), Tuyên Quang (2 ngày), Thác Bà (2 ngày),… và 16 hồ có mực nước thấp hơn mực nước tối thiểu của Quy trình vận hành liên hồ chứa.

Đặc biệt là các hồ thủy điện khu vực miền Bắc, 12/12 hồ thủy điện lớn có lưu lượng nước về hồ rất kém, tần suất nước về nhiều hồ kém nhất trong 100 năm qua (tính đến ngày 11/5/2023). Riêng tháng 4 và đầu tháng 5 nước về các hồ chỉ đạt dưới 50% trung bình nhiều năm. Một số hồ chỉ đạt 20% so với trung bình nhiều năm, gây thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng cho các hồ thủy điện.

Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng điện đang có xu hướng tăng cao, đặc biệt vào các mùa nắng nóng và tháng 5, 6, 7...

Để đảm bảo cung ứng điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có Văn bản 2466 ngày 15/5/2023 kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo công tác sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn. Đồng thời kêu gọi người dân, doanh nghiệp cùng chung tay thực hiện tiết kiệm điện, sử dụng điện một cách hiệu quả.../.

Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thieu-nuoc-nghiem-trong-bo-cong-thuong-thuc-hien-nghiem-cap-than-cho-san-xuat-dien/291679.html