Thiếu thuốc, vật tư y tế: Cần giải pháp căn cơ cả trước mắt và lâu dài
Theo báo cáo của Bộ Y tế, 28 sở y tế và 12 bệnh viện tuyến trung ương đang gặp khó khăn về thuốc, vật tư y tế. Về việc này, nhiều ý kiến cho rằng, phải có những giải pháp căn cơ cả trước mắt và lâu dài với tinh thần bảo vệ tính mạng và sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết.
Mới đây, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) thông tin về việc thiếu nhiều loại thuốc giải độc. Các loại thuốc này đều là thuốc hiếm, gồm huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia, thuốc giải độc cho người bị ngộ độc clostridium botulinum. Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương cũng bị thiếu thuốc tê và đang tìm loại thuốc phù hợp để thay thế có tính năng tương tự nhưng không thể hoàn hảo như những loại được lựa chọn. Nhiều sở y tế và bệnh viện tuyến trung ương khác cũng thiếu thuốc hoặc vật tư y tế.
Trước tình trạng này, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia (Bộ Y tế) đã công bố kết quả thầu đối với một số loại thuốc, vì vậy, vấn đề thiếu thuốc đang được khắc phục dần. Tuy nhiên, liên quan đến các vật tư, thiết bị y tế thì hiện tại các quy định mua sắm đang “bó” và rất khó mua. Theo quy định, nếu bệnh viện muốn mua một số thiết bị y tế thì phải có 3 báo giá để làm giá kế hoạch và giá này phải được cập nhật trong 12 tháng.
“Tuy nhiên, trong 12 tháng qua, thậm chí trong 2 năm phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, chúng ta chủ yếu tập trung vào mua sắm vật tư y tế cấp bách để phòng, chống dịch. Còn các thiết bị y tế để chẩn đoán, điều trị những bệnh thông thường thì trong 24 tháng qua, tôi khẳng định là các cơ sở y tế rất ít mua sắm. Do vậy, bây giờ đơn vị cần 3 báo giá để mua sắm một thiết bị y tế mà phải cập nhật trong vòng 12 tháng là điều hoàn toàn không khả thi”, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ chia sẻ.
Ông Đào Xuân Cơ cho biết, một vấn đề đang vướng mắc tại cơ sở y tế, các bệnh viện liên quan đến giá. Cụ thể, giá trên Cổng thông tin của Bộ Y tế do các doanh nghiệp khai và chịu trách nhiệm, trong khi hiện nay, chưa bộ, ngành nào chịu trách nhiệm kiểm soát, giám sát các mức giá này. Đây là điều e ngại cho các bệnh viện, người đứng đầu các cơ sở khi đánh giá về giá thuốc, thiết bị y tế.
Liên quan đến vấn đề nêu trên, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng Bùi Thị An cho rằng, Bộ Tài chính và Bộ Y tế cần vào cuộc để thẩm định giá và chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao cũng nên tham gia nắm bắt giá các mặt hàng thuốc, thẩm định để tìm được giá thích hợp nhất…
Về phía Bệnh viện Bạch Mai cũng đã có văn bản kiến nghị Bộ Y tế thành lập kho dự trữ các thuốc hiếm. Kho dự trữ này có thể đặt ở một trong số bệnh viện có đơn vị điều trị chống độc và điều phối đến các bệnh viện toàn quốc khi có ca bệnh cần sử dụng.
Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang nhận định, khi thiếu thuốc bảo hiểm y tế theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh sẽ phải bỏ tiền túi ra để mua thuốc ở ngoài. Việc các cơ sở khám, chữa bệnh không có đủ nguồn cung cấp không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh mà cả vấn đề công bằng cũng như tính chất an sinh xã hội. Muốn có giải pháp thì trước hết cơ quan chức năng phải xuống cơ sở, tìm hiểu được nguyên nhân thiếu thuốc ở từng cấp để nắm xem mức độ thế nào, từ đó có giải pháp đặc thù. Vì mỗi đơn vị ở vùng miền, mô hình, cách quản lý khác nhau. Cũng cần có các phần mềm quản lý về đấu thầu, việc thừa, thiếu thuốc, trang thiết bị y tế… mới có thể can thiệp kịp thời.
Về phía Bộ Y tế cần khẩn trương sửa đổi và sớm ban hành các thông tư liên quan hướng dẫn đấu thầu, đăng ký thuốc, giá thuốc, hướng dẫn mua sắm trang thiết bị y tế, trong đó có vật tư y tế để khắc phục các bất cập hiện nay. Đó là các đơn vị tham gia đấu thầu, kể cả Bộ Y tế, sở y tế và các cơ sở khám, chữa bệnh không có được hành lang pháp lý đầy đủ, nên e dè trong việc thực hiện; năng lực tham gia thực hiện đấu thầu còn hạn chế; giá mời thầu thấp so với giá thực tế nên không thu hút được doanh nghiệp tham gia…