Thiếu thương lái gom hoa Tết, chủ vườn huy động người nhà tự bán
Dịp Tết này, các mối thương lái quen nghỉ gom đơn sỉ khiến một số nhà vườn phải tự mang hoa ra chợ bán, thậm chí huy động cả con cái về phụ giúp.
Mọi năm, ông Huỳnh Văn Tùng (65 tuổi), chủ một nhà vườn tại huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trồng không dưới 5.000 chậu hoa các loại để bỏ sỉ cho các thương lái.
Tuy nhiên năm nay, do e ngại hoa tồn như năm trước, ông quyết định giảm một nửa sản lượng, chỉ gieo 1.500 chậu cúc, 600 chậu mào gà và 1.500 chậu vạn thọ.
"Dù vậy, lượng khách vẫn giảm. Chỉ còn một tuần nữa là đến Tết nhưng tôi vẫn còn 50% hoa chưa bán được, trong khi những năm trước, hoa đã được bỏ sỉ hết từ rằm tháng 11 Âm lịch", ông Tùng chia sẻ.
Thương lái giảm thu mua hoặc nghỉ bán
Ông cho biết nhiều thương lái quen thuộc, gắn bó hàng chục năm cũng đã nghỉ bán vì lo ngại hoa ế, sợ tốn công rồi lại lỗ.
Để giải quyết lượng hoa còn lại, gia đình ông phải chia ra bán lẻ tại ba địa điểm, huy động con cái về hỗ trợ.
"Vì hoa còn nhiều, tôi phải nhờ các con về nhà sớm để phụ giúp. Chúng cũng phải xin nghỉ Tết sớm để cùng gia đình bán hoa", ông Tùng bộc bạch.
Ông Sơn, người chuyên cung cấp giống hoa cho làng hoa Kim Dinh (TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), cũng ghi nhận nhu cầu trồng hoa năm nay giảm mạnh.
"Năm nay, lượng giống hoa tôi bán ra chỉ bằng khoảng 50% so với mọi năm. Dù giá giống vẫn giữ nguyên, các nhà vườn ngại trồng nhiều vì lo thương lái không thu mua hết. Năm ngoái nhiều nơi trồng với số lượng lớn nhưng thương lái giảm thu mua", ông chia sẻ.
Chính vườn của ông Sơn năm nay cũng chỉ trồng 2.000 chậu, ít hơn mọi năm, nhưng may mắn toàn bộ số hoa đã được tiêu thụ hết cho mối sỉ.
Thực tế, theo ghi nhận của Tri Thức - Znews, hiện tại không khí tại các chợ hoa ở TP.HCM trầm lắng hơn hẳn so với những năm trước. Số lượng tiểu thương giảm đáng kể, nhiều khu vực trong các chợ hoa lớn đến nay vẫn chưa có ai thuê.
Người dân cũng không còn nhìn thấy nhiều sản phẩm độc đáo, đắt tiền, kể cả ở những chợ hoa "nhà giàu".
Dự đoán trước tình hình khó khăn này, các nhà vườn và thương lái đều cố gắng giữ giá hoa bán lẻ tương đương các năm trước để đảm bảo khả năng tiêu thụ.
Ông Huỳnh Văn Tùng cho biết chi phí phân bón và thuốc trừ sâu tăng thêm khoảng 10-15%, nhưng gia đình chủ động cắt giảm chi phí bằng cách hạn chế thuê nhân công, thay vào đó là tự làm, thậm chí tranh thủ buổi tối để làm thêm.
Ông Sơn cũng khẳng định không tăng giá hoa để giữ chân khách hàng.
Hồi hộp chờ sau ngày 25 Tết
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, chị Hoàng Oanh, một tiểu thương tại chân cầu Kênh Tẻ (quận 7, TP.HCM) tỏ ra lo lắng vì năm nay nhập nhiều hơn mọi năm.
"Tôi nhập hoa từ các nhà vườn ở Bến Tre và Sa Đéc (Đồng Tháp). Năm nay thấy hoa đẹp nên nhập nhiều hơn để bán đa dạng, nhưng hàng chưa chạy nên chưa biết tình hình sẽ ra sao, phải qua 25 tháng Chạp mới rõ", chị bộc bạch.
Hiện tại, ở gian hàng của chị, hoa mâm xôi có giá khoảng 150.000 đồng/cặp, trong khi vạn thọ và cúc dao động quanh mức 250.000 đồng/cặp tùy kích thước. Theo chị Oanh, mức giá này không chênh lệch nhiều so với năm ngoái.
Thực tế, theo anh Nguyễn Văn Vinh - chủ một nhà vườn ở Bến Tre đã nhiều năm bán hoa Tết ở TP.HCM, phải từ 25 tháng Chạp, người dân mới bắt đầu mua hoa trưng Tết.
Năm nay, gia đình anh trồng khoảng 20.000 chậu hoa các loại, nhiều hơn một chút so với năm ngoái. Trong đó, anh đã bán khoảng 60% cho mối sỉ, còn lại chuyển lên TP.HCM từ 21 tháng Chạp.
Hiện, anh đang bày bán hàng nghìn chậu hoa trên đường Trần Xuân Soạn (quận 7, TP.HCM). Đến nay, anh đã bán khoảng 300 chậu, chủ yếu là những chậu nhỏ được người dân mua về cúng ông Táo, với giá khoảng 50.000 đồng mỗi chậu.
"Hàng năm gia đình đều tự đem lên chợ hoa ở TP.HCM bán thêm, nên tôi không quá lo lắng về lượng hoa còn tồn. Mỗi ngày nhà tôi vẫn chở thêm hoa lên bán", anh chia sẻ.
Hiện, anh bán lẻ các chậu cúc với giá dao động 200.000-250.000 đồng, mào gà 100.000-150.000 đồng và vạn thọ 150.000-180.000 đồng, tùy kích thước.