Thủy sản Việt Nam đang chiếm bao nhiêu thị phần ở Singapore?
Thủy sản Việt Nam đang chiếm lĩnh thị trường Singapore bằng các sản phẩm cá phi lê đông lạnh và cá chế biến.
Thương vụ Việt Nam tại Singapore vừa thông tin về tình hình xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tại thị trường Singapore.
Dẫn số liệu của Cơ quan quản lý doanh nghiệp Singapore, Thương vụ cho biết, cả năm 2024 Singapore đã nhập khẩu thủy sản từ gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổng kim ngạch đạt 1,17 tỉ SGD, giảm 2,58% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong 15 nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu vào thị trường Singapore, Malaysia tiếp tục là nước dẫn đầu với thị phần 12,98%.
Đứng thứ hai là Indonesia (11,05%), Na Uy xếp thứ 3 (10,16%), Trung Quốc xếp thứ 4 (9,98%) và Việt Nam lần đầu tiên vượt qua Nhật Bản duy trì vị trí thứ 5 trong 12 tháng liên tiếp (9,68%).
Theo thống kê, thị phần thủy sản của thị trường Singapore nhìn chung vẫn được chia đều cho các đối tác do mỗi nước đều có những thế mạnh xuất khẩu riêng.
Malaysia có thế mạnh về các mặt hàng cá tươi sống và tôm, cua, thủy sản giáp xác với thị phần ở hai phân khúc này lần lượt là 32,13% và 19,33%. Na Uy và Tây Ban Nha có thế mạnh về sản phẩm cá tươi ướp lạnh và cá đông lạnh.
Việt Nam chiếm lĩnh thị trường thủy sản Singapore bằng các sản phẩm cá phi lê đông lạnh (chiếm 30,30%) và cá chế biến (chiếm 18,52%).
Trung Quốc có lợi thế đối với các sản phẩm thủy sản thân mềm (chiếm 27,34% thị phần) và Nhật Bản có lợi thế về các loại thủy sản thủy sinh (chiếm 40,09% thị phần).
Thị phần còn lại chia đều cho hơn 90 đối tác khác, trong đó có Chi Lê, Ấn Độ, Úc, Thái Lan, Mỹ…
Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho hay, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường Singapore trong năm 2024 tăng 4,99%. Trong đó, giá trị xuất khẩu đạt gần 113,37 triệu SGD, chiếm thị phần 9,68%. Nhóm thủy sản thân mềm - HS0307 tăng trưởng tốt nhất với mức tăng gần 118%.
Ông Cao Xuân Thắng, Tham tán Thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Singapore, đánh giá để có thể tăng thị phần bền vững, nâng cao thứ hạng cũng như giá trị xuất khẩu thủy sản sang Singapore, Việt Nam cần tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng các mặt hàng thủy sản, mặc dù hiện nay chưa có vụ việc nào liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm được thông báo cho Thương vụ.
Về giá thành sản phẩm, tình trạng lạm phát cao và căng thẳng địa chính trị cũng là một thách thức không nhỏ cho ngành thủy sản các nước xuất khẩu vào Singapore, trong đó có Việt Nam. Nước nào tận dụng được lợi thế về logistics cũng như giảm thiểu được các chi phí sẽ tạo được lợi thế cạnh tranh lớn hơn trong xuất khẩu hàng hóa vào Singapore.
Thương vụ cho biết, để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng thủy sản sang thị trường Singapore, Thương vụ đang tích cực công tác kết nối với các doanh nghiệp thủy hải sản hàng đầu của Việt Nam để đưa các thông tin mặt hàng mà các nhà nhập khẩu Singapore đang tìm kiếm; kết nối với Hiệp hội các ngành công nghiệp thủy sản của Singapore để hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp Việt Nam…