'Thiếu tiền đôi khi cũng là... lợi thế'

'Tiền không phải yếu tố quyết định, không phải cần có rất nhiều tiền mới có thành công trong xây dựng Chính phủ điện tử'...

 Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

"Không phải vì thiếu nguồn lực, mà lại nói, tôi không làm được, hoặc làm cho xong kiểu như "tiền nào của đấy". Cứ làm đi, làm hết mình, làm cho thật trách nhiệm, thật tâm huyết, bằng cả trái tim và khối óc để cải cách vì đất nước thì của cải vật chất cũng theo đó mà sinh ra. Suy cho cùng, mục tiêu mà chúng ta phấn đấu trong bất kỳ công việc nào cũng phải là làm sao cho dân giàu, nước mạnh", Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chia sẻ.

Không ai được đi ngược xu hướng cải cách

Người dân ai cũng biết, Chính phủ khóa mới phải tiếp quản một "thời đại kim tiền" từ các khóa cũ, tức là, việc gì cũng tiền, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đặc tả, "chấm mút". Giờ siết lại, khó "chấm mút", cán bộ sẽ lấy động lực nào để thực hiện cải cách?

Đã cải cách là luôn phải đương đầu, va chạm với cái cũ, cái tiêu cực, cái tham nhũng... Trong quá trình cải cách, ta phải tâm huyết, nhưng chỉ tâm huyết là không đủ mà những người làm cải cách phải biết không chỉ giữ cho bản thân trong sạch mà còn phải biết giải pháp loại bỏ những người chỉ nhăm nhăm toan tính cho lợi ích cá nhân, lợi ích cục bộ của phe, nhóm mình.

Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có đặt ra câu hỏi, nhiều người có thiếu thốn gì đâu, mà sao tham thế, làm gì cũng chỉ nghĩ xem có "chấm mút" được gì? Những người như vậy, nếu chưa đến mức bị pháp luật trừng trị, thì cũng cần loại ra khỏi bộ máy, chứ giữ lại, họ chỉ lo co kéo về mình thì không bao giờ cải cách được.

Động lực của cải cách, đối với những người không tự nguyện, là họ buộc phải lựa chọn, không cải cách tức là chấp nhận ra khỏi bộ máy. Không ai được đi ngược xu hướng cải cách. Ngay tại các công việc thường ngày của Văn phòng Chính phủ. Văn phòng Chính phủ đã đi đầu trong văn phòng không giấy tờ, áp dụng chữ ký số.

Cán bộ nào lên phòng mà mang cả tập hồ sơ giấy lên bảo tôi ký là tôi mời về. Cán bộ Văn phòng Chính phủ cũng phải từ bỏ thói quen xử lý hồ sơ trên giấy tờ, thay vì như trước đây cứ gặp người dân, doanh nghiệp và yêu cầu này nọ, đi lại nhiều lần, nay sẽ làm trên nền điện tử, ai không thích nghi được thì không thể tiếp tục công việc.

Buộc phải lựa chọn như vậy, có phần nghiệt ngã không, thưa ông?

Đã đến lúc, không cải cách, thì đất nước không còn đường phát triển, nên dù là nghiệt ngã, cũng phải làm. Nhìn ở góc độ khách quan, như với việc giải quyết công việc trên nền điện từ, thì trình độ công nghệ thông tin của chúng ta còn có mức độ, tiếp xúc với cái mới, thay đổi công nghệ thông tin chưa nhuần nhuyễn, tinh thông, khi cán bộ, công chức tiếp xúc với công nghệ thông tin, nhất là gặp trường hợp phần mềm ứng dụng không thân thiện, anh em thường có tâm lý băn khoăn, rất ngại.

Nhưng bên cạnh đó, nhiều cán bộ, công chức vẫn còn tư tưởng muốn giữ cách làm truyền thống để "chấm mút", điều này liên quan đến lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, lôi kéo lợi ích.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nói, chúng ta phải phòng, chống tham nhũng từ tham nhũng lớn đến tham nhũng vặt, thậm chí, chính tham nhũng vặt này rất nguy hiểm, tạo ra sức ỳ rất lớn, là rào cản đối với doanh nghiệp, khởi nghiệp, làm phát sinh chi phí chính thức và phi chính thức. Chính phủ điện tử đang là công việc chúng tôi đang ra sức thực hiện để chặn tình trạng "chấm mút".

Bài toán nhỏ, bài toán to

Nói đến xây dựng Chính phủ điện tử, thì dù không muốn, cũng phải nhắc đến tiền. Chính phủ sẽ lấy tiền ở đâu ra để làm công việc này?

Việt Nam đã triển khai xây dựng Chính phủ điện tử từ những năm 2000 và cũng đã làm được một số việc; tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế trong việc mang đến dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp vì các nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân khó khăn về kinh phí. Nhưng tôi có thể khẳng định rằng, tiền không phải yếu tố quyết định, không phải cần có rất nhiều tiền mới có thành công trong xây dựng Chính phủ điện tử.

Thực tế ở Thừa Thiên - Huế, địa phương này có thể trở thành điểm sáng đi đầu trong xây dựng chính quyền điện tử. Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc đã liên thông được 4 cấp, trong đó có 3 cấp ở địa phương và liên thông với hệ thống cấp quốc gia; chữ ký số đã được cấp phát đến cơ quan hành chính cấp xã đạt tỉ lệ 95%...

Hệ thống Cổng dịch vụ công đã được triển khai đến 100% cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh đã đưa vào vận hành chính thức 10 dịch vụ giám sát đô thị qua cảm biến camera; phản ánh hiện trường; giám sát thông tin báo chí; giám sát dịch vụ hành chính công... Màn hình lớn ở trung tâm này liên tục hiển thị các dữ liệu được gửi về từ camera lắp đặt trên khắp các tuyến phố.

Đáng chú ý, Thừa Thiên - Huế với xuất phát điểm là một tỉnh không có nhiều nguồn lực, có thể nói đây vẫn là tỉnh nghèo. Như vậy, có thể thấy rằng, không phải cứ giàu, cứ phải thật nhiều tiền mới xây dựng được Chính phủ điện tử. Thậm chí, còn có thể nói rằng, thiếu tiền đôi khi cũng là lợi thế.

Như xây dựng chính quyền điện tử ở Thừa Thiên - Huế, lãnh đạo địa phương xác định rằng vì không có nhiều nguồn lực, nên phải có sự nghiêm túc, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tìm được "chiếc áo" phù hợp, vừa đo, vừa thử để chọn được kích cỡ ưng ý nhất. Và đó cũng chính là yếu tố tạo nên thành công.

Cũng có thể hiểu là vì thiếu tiền, nên đôi khi triển khai công việc lại hiệu quả hơn, thành công hơn?

Tất nhiên, khi bắt tay vào làm việc gì, đều mong muốn có thật nhiều nguồn lực để thực hiện, nhưng không phải vì thiếu nguồn lực, mà lại nói, tôi không làm được, hoặc làm cho xong kiểu như "tiền nào của đấy".

Cứ làm đi, làm hết mình, làm cho thật trách nhiệm, thật tâm huyết, bằng cả trái tim và khối óc, cải cách vì đất nước thì của cải vật chất cũng theo đó mà sinh ra. Suy cho cùng, mục tiêu mà chúng ta phấn đấu trong bất kỳ công việc nào cũng phải là làm sao cho dân giàu, nước mạnh.

Trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, chúng tôi đi học tập kinh nghiệm tại Liên bang Nga, trước khi cải cách, họ có 5.000 trung tâm hành chính công, giờ chỉ có 127 trung tâm, mỗi trung tâm 60 người trong khi số lượng dịch vụ cung cấp cho người dân vô cùng lớn, 99% qua dịch vụ công.

Nếu chúng ta cũng làm được như vậy sẽ tiết kiệm cho ngân sách nhà nước rất lớn nhờ tinh giảm bộ máy, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt tạo ra môi trường rất minh bạch để người dân được theo dõi, giám sát đánh giá sự hài lòng với việc thực thi công vụ tại cơ quan quản lý nhà nước, góp phần rất lớn trong thúc đẩy tăng trưởng của cả nền kinh tế.

Hay trong bài toán nhỏ hơn, là việc vận hành Trục liên thông văn bản quốc gia, chúng tôi có tính toán, gửi một văn bản từ Văn phòng Chính phủ xuống địa phương bình thường là 2 ngày, giờ chỉ cần ấn nút, trong tích tắc là tới, không mất chi phí.

Mỗi năm, riêng tiền photo, giấy, mực... đã tiết kiệm được khoảng 154,3 tỷ đồng. Tiền bưu chính tiết kiệm khoảng 575,2 tỷ đồng. Chi phí thời gian, nhân công tính sơ bộ theo giá của Ngân hàng Thế giới tiết kiệm khoảng 576 tỷ đồng. Trừ đi các chi phí mà chúng ta phải bỏ ra thì việc sử dụng văn bản điện tử có thể giúp tiết kiệm trên 1.200 tỷ đồng.

Xây dựng Chính phủ điện tử đang có bước đi rất thần tốc, được vậy, lại không thể không nhắc đến... tiền. Phải nói rằng, Văn phòng Chính phủ rất giỏi trong xoay sở nguồn lực, mới đây thôi, có thêm Quỹ Thịnh vượng của Chính phủ Anh cam kết hỗ trợ...

Để xây dựng Chính phủ điện tử, chúng tôi đã tổ chức khảo sát, học tập kinh nghiệm quốc tế, tổ chức hội thảo và có hơn 100 cuộc họp, buổi làm việc với các chuyên gia trong nước và quốc tế; trong đó hơn 20 cuộc họp với các tổ chức quốc tế, sứ quán các nước Anh, Australia, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, World Bank, AFD, Estonia, Malaysia, Singapore...

Qua các cuộc làm việc thì các bạn đều thấy rõ mong muốn và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam và họ đặt niềm tin vào công cuộc cải cách của chúng ta sẽ thành công.

Như khi tham dự phiên họp mở đầu của chuyên đề GovTech thuộc Hội nghị "Spring Meetings 2019" do Ngân hàng Thế giới tổ chức (WB) về Quản trị số, phát triển Chính phủ số, hồi tháng 4 tại New York, chúng tôi có khẳng định rằng mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam theo đúng chủ đề của hội nghị này, đó là "Đặt người dân lên trên hết với một Chính phủ đơn giản, hiệu quả và minh bạch".

Chúng tôi cũng nhìn nhận bài học lớn của Việt Nam trong quá trình này là người đứng đầu các Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải chỉ đạo quyết liệt, trực tiếp, đây là yếu tố quyết định thành công và trong Cách mạng công nghiệp 4.0, không thể chấp nhận cán bộ 0.4...

Chúng tôi đề nghị các quốc gia phát triển và các tổ chức, định chế lớn như WB cần tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tốt cho các nước đang phát triển. Việt Nam, luôn sẵn sàng chia sẻ những bài học kinh nghiệm, những thành công cũng như những hạn chế trong việc triển khai Chính phủ điện tử.

Linh Tâm

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/thieu-tien-doi-khi-cung-la-loi-the-20190830000600726.htm