Thiếu trong thừa lao động
Tiêu đang vào cao điểm mùa thu hoạch. Ở Đức Linh, Tánh Linh trong 1 tuần qua, các thương lái dạo các nhà vườn mua tiêu với giá tăng theo từng ngày. Từ 50.000 đồng/kg lên 60.000 đồng và hôm qua đã vượt hơn 70.000 đồng/kg. Dự báo sắp tới giá tiêu còn tăng hơn nữa nhưng có lên hơn 200.000 đồng/kg như cách đây 3 - 4 năm hay không thì chưa biết. Nhưng điều chắc chắn là đang thiếu lao động hái tiêu. Hái tiêu vốn dĩ rất nhọc công, vì phải tỉ mẩn, phải hái thủ công từng chùm tiêu; thêm nữa, cây tiêu lùm xùm những dây nhợ, lá lòa xòa nên phải vạch tìm để hái nên mất nhiều thời gian. Vì vậy, người đi hái tiêu phải quen tay, kiên trì, nếu không cả ngày chỉ hái được số lượng ít nhưng lại mệt mỏi. Với tính chất vậy nên nhiều người không thích đi hái tiêu, mà làm các công việc khác, nếu có cơ hội lựa chọn, dù giá tiền công hái tiêu cũng đến 200.000 đồng/ngày. Với giá tiêu hiện tại, tính ra nhà vườn phải mất 3 kg tiêu/nhân công/ngày nên nhiều nhà có diện tích ít hoặc trồng xen canh với các cây trồng khác thường sắp xếp tự hái hoặc vần công nhau. Còn nhà vườn có diện tích lớn 1-2 ha thì phải thuê người hái nhưng có ngày tìm không ra người. Chưa nói, tiêu hái xong rồi phải ủ lại để hạt tiêu có thể tách khỏi dây, sau đó phải đạp, đập mới có được thành phẩm cân thành ký hạt tiêu. Có nghĩa cần thêm lao động nữa trong hoạt động sau thu hoạch tiêu nhưng thực sự khó kiếm…
Thiếu trong thừa lao động
Tuy nhiên, vấn đề không chỉ vì hái tiêu nhọc công mà còn vì thời gian này, lúa đông xuân ở Đức Linh, Tánh Linh với tổng diện tích lên khoảng 15.000 ha cũng vào mùa thu hoạch. Lúa đông xuân vụ này đều đạt năng suất tốt, lại có giá cao hơn 7.000 đồng/kg nên thu hút một lượng lớn lao động. Dù đã cơ giới hóa các khâu trong thu hoạch nhưng nhiều nhà tìm công để gom lúa, vào bao, phơi phóng… cũng khó khăn. Trong khi đó, các huyện, thị khác như Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, những nơi cung cấp lao động cho hàng trăm khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng… tập trung ở TP. Phan Thiết cũng đang trong tình cảnh trên dù ít, dù nhiều. Thực tế, lao động trong lĩnh vực công nghiệp, nhất là ngành công nghiệp không khói du lịch, vì ảnh hưởng dịch Covid-19 nên nhiều nơi hoạt động cầm chừng, ngày làm ngày nghỉ nên nguồn lao động cũng biến động theo.
Số liệu từ báo cáo của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bình Thuận ban hành cuối tháng 1/2021 đã chứng minh rất rõ điều đó. Thống kê cho thấy, số lao động trực tiếp làm trong ngành du lịch của tỉnh khoảng 28.500 người. Tuy nhiên, trong bối cảnh bình thường mới sau Covid- 19, lượng khách du lịch đến tỉnh chưa nhiều nên nguồn lao động đi làm lại cố định chỉ khoảng 30 - 50%, số còn lại thuê theo công nhật khi lượng khách du lịch đông. Có nghĩa có khoảng 14.000 -16.000 lao động ở trạng thái rảnh rỗi, chờ việc tìm đến. Điều đáng nói, hình như nguồn lao động này ít nghĩ đến chuyện chuyển sang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, dù hiện tại 1 ngày công lên đến 200.000 - 300.000 đồng, tùy việc. Nhiều người ví tình trạng thiếu lao động trong nông nghiệp, còn lao động công nghiệp đang rảnh rỗi, tương tự như lâu nay đi xe máy, giờ chuyển sang đi xe đạp nên không quen, ngại, mắc cỡ, đủ lý do.
Thực tế cho thấy lĩnh vực nông nghiệp đang tỏa sáng, xứng đáng là trụ cột của nền kinh tế trong bối cảnh các lĩnh vực khác chưa thoát khỏi hẳn điêu đứng vì dịch Covid-19. Nhưng có vẻ cũng rất khó giải bài toán thiếu lao động trong lĩnh vực này, bằng chứng là thấy rất rõ trong hoàn cảnh hiện tại. Đó là đang thiếu lao động nông nghiệp trong cảnh thừa lao động chung.
B.N
Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/van-de-va-su-kien/thieu-trong-thua-lao-dong-135753.html