Thiếu tướng-GS-TS Ngô Sỹ Hiền: Một lòng thủy chung với nghề
Thiếu tướng-Giáo sư-Tiến sĩ Ngô Sỹ Hiền sinh năm 1958 tại thôn Đông Trai, xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, Nghệ An, trong cái nôi dòng họ có truyền thống hiếu học và khoa bảng đặc biệt trên quê hương xứ Nghệ giàu truyền thống.
Kỳ 1: T
Kỳ 2: Hai trường đại học, một lòng thủy chung với nghề
Ngay từ bé, Ngô Sỹ Hiền đã thể hiện là một người thông minh, cần cù, chịu khó học hành. Những năm tuổi ấu thơ, nhà Ngô Sỹ Hiền ở cạnh đền thờ 2 cha con Tiến sĩ là Ngô Trí Hòa và Ngô Sỹ Vinh, mà dân trong vùng gọi là Đền họ Ngô, nên cứ mỗi dịp lễ trọng cậu bé Hiền được tham dự với nghi thức nghiêm cẩn.
Ánh sáng trí tuệ của các bậc tiên lão như theo khói hương, nghi lễ về nhắc nhở con cháu đã gieo vào lòng Hiền niềm tự hào mãnh liệt. Vì thế, mặc dù tuổi thơ lớn lên dưới bom đạn Mỹ bắn phá miền Bắc, nhưng dưới ánh đèn phòng không trong căn hầm chữ A ở tuyến lửa miền Trung vẫn rạng đỏ từng đêm. Hồi ấy, nhà anh nằm sát Cầu Bùng, lại rất gần Ga chợ Sy nên hầu như ngày nào cũng hứng chịu bom và pháo kích của Mỹ bắn phá. Nhiều gia đình đang ăn cơm trưa, bom Mỹ dội xuống, mâm cơm bị hất tung lên. Nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, sau này đã sáng tác bài thơ “Ga Sy” được dân Nghệ An cực kỳ yêu thích, có đoạn nói về thời kỳ chiến tranh ác liệt ấy: “Có những chuyến tàu ầm ì đêm tối/ Nòng súng nòng tăng hướng tới miền Nam/ Bao đôi lứa trên sân ga tiễn biệt/ Bao vành khăn trắng những cánh đồng”.
Vâng, thời chiến tranh chống Mỹ, vùng quê Nghệ An tuyến lửa của chúng tôi chịu nhiều đau thương, mất mát lắm. Bất chấp đạn bom, đau thương, bố mẹ anh vẫn luôn nhắc nhở người con trai đầu bé bỏng Ngô Sỹ Hiền phải không ngừng vươn lên trở thành học sinh giỏi để sau này lớn lên góp sức đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và xây dựng quê hương.
Học hết cấp 1, Ngô Sỹ Hiền phải theo bố mẹ làm cán bộ ngành ngân hàng lên thị trấn Lạt, huyện Tân Kỳ miền tây tỉnh Nghệ An sinh sống. Bố anh là cụ Ngô Sỹ Nhã tham gia hoạt động cách mạng tại quê nhà trước cách mạng tháng Tám năm 1945, được công nhận là cán bộ tiền khởi nghĩa, ông là một chiến sỹ Điện Biên dũng cảm, được tặng huy hiệu 65 tuổi Đảng, nguyên là Giám đốc ngân hàng Tân Kỳ Nghệ An. Mẹ anh là bà Ngô Thị Nhiên, từng tham gia dân công hỏa tuyến phục vụ chiến dịch Thượng Lào, được tặng huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, nguyên là cán bộ ngân hàng Tân Kỳ.
Sinh ra trong một gia đình họ Ngô, bố mẹ đều là những cán bộ, đảng viên gương mẫu, vì thế Ngô Sỹ Hiền luôn thấy tự hào và được hưởng sự giáo dục, dạy dỗ hết sức chu đáo. Những tấm gương học giỏi, thành công trong sự nghiệp như hai anh em ruột trong dòng họ Ngô Lý Trai hơn Hiền dăm bảy tuổi là Ngô Trí Nhân (sau này là Thiếu tướng Quân đội nhân dân, Cục trưởng Cục tác chiến điện tử, Bộ Tổng tham mưu); Đại sứ Ngô Quang Xuân (sau này là Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội, Đại sứ của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, ông Đại sứ WTO) luôn hấp dẫn, khích lệ anh Hiền vươn lên. Những năm theo bố mẹ xa quê, phải học ở địa bàn miền núi, dù khó khăn hơn ở miền xuôi rất nhiều, nhưng Hiền đã bấm chí học hành. Suốt thời cấp 2 và cấp 3 hầu như năm nào anh cũng được thầy cô giáo lựa chọn làm cán sự môn toán cùng môn hóa và luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi của trường. Vì vậy, khi anh học tập và ở lại Học viện CSND làm công tác giảng dạy, có nhiều thành công trong công tác cũng là điều dễ hiểu.
Riêng chuyện vì sao Ngô Sỹ Hiền chọn vào ngành Công an cũng như là một cơ duyên. Số là hồi ấy, nhà anh ở trong Cơ quan ngân hàng và ở gần với trụ sở Công an huyện Tân Kỳ, là thanh niên nên cứ chiều chiều, sau giờ hành chính, anh ghé sang chơi thể thao, chơi bóng bàn, bóng chuyền với mấy chiến sỹ Công an còn trẻ. Rồi thân nhau, rồi tâm sự, rồi được chứng kiến một số hoạt động nghiệp vụ công an nhân dân. Và thế là tự nhiên, Ngô Sỹ Hiền hiểu và yêu thích ngành công an tự lúc nào không biết. Học hết phổ thông, khi đăng ký thi vào đại học, anh không một chút chần chừ đăng ký thi tuyển vào trường Sỹ quan Cảnh sát. Bố anh có ý muốn anh thi vào ngân hàng để theo nghiệp bố mẹ. Nhưng thật may, Hiền đã thuyết phục được bố mẹ anh, nếu không ngành công an sau này vắng một Giáo sư đam mê, tài năng, nổi tiếng về khoa học kỹ thuật hình sự.
Nếu như thi vào Công an là ý thích cá nhân thì trở thành một giảng viên đại học đối với Ngô Sỹ Hiền lại là duyên phận của nghề nghiệp. Trong nhiều cuộc trò chuyện cùng chúng tôi, Ngô Sỹ Hiền luôn dành tình cảm biết ơn công lao, nghĩa tình của các thầy cô Trường Sỹ quan Cảnh sát đã dạy bảo và định hướng cho anh. Vì thế, sau gần hai năm học tập ở lớp C4 Khóa 19 trường Sỹ quan Cảnh sát (đóng ở Suối Hai, Ba Vì, Hà Nội, tiền thân của Học viện Cảnh sát bây giờ), căn cứ vào thành tích học tập và rèn luyện, lãnh đạo nhà trường đã giữ anh lại để đào tạo làm giáo viên vào năm 1977.
Tôi đồ rằng, có lẽ có một đồng chí lãnh đạo nào đấy phải chăng là đã xem lý lịch của Hiền, và biết đâu cũng nghe về truyền thống hiếu học của dòng họ Ngô của anh trong lịch sử, nên đã quyết định giữ anh ở lại trường. Đó thật sự là con mắt xanh, con mắt thần may mắn đã soi vào số phận Ngô Sỹ Hiền để anh ngày càng tự hào rằng, anh thủy chung với nghề giáo quả là một điều đúng đắn.
Nhưng để làm giảng viên bài bản, lâu dài, nhà trường đã nhìn xa, có tính chiến lược khi cử anh đi học trường Đại học sư phạm 1 Hà Nội. Vậy là năm 1978, Ngô Sỹ Hiền lại bước vào kỳ thi đại học thứ 2. Anh lại đỗ vào trường Đại học sư phạm 1, Hà Nội và tiếp tục theo học tại khoa Sinh học theo định hướng của Bộ Công an và nhà trường để đào tạo giáo viên giảng dạy môn chuyên ngành Kỹ thuật Hình sự.
Khoa Kỹ thuật Hình sự của Học viện CSND được thành lập ngày 01 tháng 10 năm 1980 thì năm 1982, Ngô Sỹ Hiền tốt nghiệp khoa Sinh học, được cấp bằng cử nhân khoa học, trở về nhận công tác tại Khoa Kỹ thuật Hình sự, Trường Sỹ quan Cảnh sát với quân hàm Trung úy. Đây là chàng trai sỹ quan cấp bậc Trung úy trẻ nhất ngành Công an được phong lúc bây giờ. Năm 1985, anh tiếp tục học chuyên ngành Cảnh sát điều tra và đến năm 1990 nhận bằng tốt nghiệp Đại học cảnh sát chuyên ngành Điều tra tội phạm. Với hai bằng đại học ở hai trường Đại học danh giá của Quốc gia, Ngô Sỹ Hiền là người được đào tạo cơ bản, có kiến thức nền về khoa học kỹ thuật, về nghiệp vụ công an, về pháp luật và về phương pháp giảng dạy, để tự tin bước vào nghề truyền thụ tri thức cho các thế hệ sau.
Nhưng dường như vẫn chưa thể đủ, năm 1997, Ngô Sỹ Hiền học xong Thạc sỹ chuyên ngành Điều tra tội phạm và tiếp tục làm nghiên cứu sinh tại Học viện Cảnh sát để năm 2004 bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ. Ba năm sau, năm 2007 với những thành công đặc biệt trong nghiên cứu khoa học và giảng dạy bộ môn Kỹ thuật hình sự, Ngô Sỹ Hiền được Nhà nước phong chức danh Phó Giáo sư chuyên ngành Khoa học An ninh. Bảy năm sau, năm 2014 khi đang là Viện trưởng Viện khoa học Hình sự Bộ Công an, anh được phong hàm Giáo sư và là Giáo sư đầu tiên và duy nhất của Việt Nam về chuyên ngành Kỹ thuật Hình sự, lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn, kiến thức khoa học khắt khe, chặt chẽ, “tiếng nói khách quan” trong đấu tranh phòng chống tội phạm.
Những vinh dự đó không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều đồng nghiệp, các thành viên Hội đồng chức danh Giáo sư ngành An ninh đều tỏ ra thán phục cường độ lao động và thành quả khoa học của Ngô Sỹ Hiền: 40 cuốn sách và giáo trình đã xuất bản, 60 bài báo khoa học trong nước và quốc tế với 80% bài nghiên cứu chuyên sâu về khoa học hình sự và kỹ thuật hình sự, một người thầy nghiêm cẩn, giàu trí tuệ, tâm huyết trên giảng đường và trong những luận án thạc sỹ, tiến sỹ do ông hướng dẫn...
Cho đến nay, Thiếu tướng, GS.TS Ngô Sỹ Hiền đã có trên 40 năm gắn bó với ngôi trường Học viện Cảnh sát nhân dân với trên 30 năm kinh nghiệm đứng trên bục giảng. Ông tâm sự rằng, dường như suốt cuộc đời ông là gắn bó với sự nghiệp giáo dục đào tạo. (Kể cả hơn 5 năm làm Viện trưởng Viện Khoa học hình sự, với tâm huyết và đam mê đổi mới thì ông cũng không rời bỏ giảng đường, lấy kiến thức thực tế để nâng thành lý luận phục vụ giảng dạy tốt hơn. Sau thời gian làm say mê, đổi mới Viện, năm 2018 ông lại quay về tận hiến với nghề giáo,với chức danh mới cao quý: Chuyên viên Cấp cao Học viện Cảnh sát nhân dân để tiếp tục gắn bó với sự nghiệp đào tạo của ngành Công an).
Ngay từ những ngày đầu bước lên bục giảng với tư cách là người truyền thụ kiến thức, ông luôn có tâm niệm thực hiện một nguyên tắc tối thượng: hướng về người học, coi người học, coi sinh viên là trên hết, trước hết. Để có thể phục vụ sinh viên theo hướng đó, ông đã liên tục, kiên trì học thêm, độc lập nghiên cứu khoa học, bồi đắp tri thức, tích tụ thực tiễn, cố gắng toàn diện về mọi mặt. Ông bảo, dạy những điều người ta muốn nghe, muốn khao khát hiểu biết, muốn áp dụng trong thực tiễn công tác và chiến đấu, chứ không chỉ dạy những điều mình biết. Điều đó cắt nghĩa vì sao nhiều thế hệ sinh viên Học viện CSND và các trường khác trong ngành Công an, Viện kiểm sát, Học viện Tư pháp “bị” ông mê hoặc trong những bài giảng về kỹ thuật hình sự. Nhiều cán bộ khi ra công tác trên mặt trận nóng bỏng cũng đã áp dụng kiến thức tươi mới ở thầy Hiền để đấu tranh phòng, chống tội phạm có hiệu quả nhất. Ông tâm niệm, ngày nào không đưa đến cho người học một điều mới mẻ, ngày đó người giáo viên đứng trước nguy cơ tụt hậu. Điều ông theo đuổi và luôn say mê tìm cái mới, đó chính là môn Kỹ thuật hình sự. Môn khoa học hình sự ấy gắn bó với ông như hình với bóng, nên dường như ông dành suốt cả cuộc đời để đi sâu nghiên cứu về nó.
Cũng như là duyên phận, thật may mắn là năm 2013, đang là Phó Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân, Thiếu tướng, GS, TS Ngô Sỹ Hiền được Lãnh đạo Bộ tín nhiệm cử làm Viện trưởng Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an. Vậy là ông từ bục giảng, từ nghiên cứu khoa học, từ bầu trời trí tuệ để trở về với mặt đất của thực tiễn chiến đấu phòng, chống tội phạm nóng bỏng. Đây là một thử thách mới, nhưng ông đã không phụ lòng tin của lãnh đạo Bộ.
Những năm làm Viện trưởng Viện KHHS, Thiếu tướng Ngô Sỹ Hiền đã cùng với Ðảng ủy, lãnh đạo đơn vị kiện toàn tổ chức, nâng cấp cơ sở vật chất, cải tiến và đổi mới các hoạt động của Viện. Ông cũng luôn tích cực đi sâu, đi sát xuống nhiều Công an địa phương để kiểm tra và hướng dẫn, chỉ đạo thực tiễn về kỹ thuật hình sự. GS. Hiền cũng đã xây dựng nhiều chương trình nhằm đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kỹ thuật hình sự (KTHS) và pháp y cho lực lượng KTHS toàn quốc, coi trọng việc rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, giảm thiểu lý thuyết; tư vấn cho Bộ Công an ban hành các quy trình về giám định tư pháp KTHS, các thông tư hướng dẫn thực hiện luật giám định tư pháp…
Song song với nhiệm vụ chỉ đạo nghiệp vụ ở Viện Khoa học Hình sự, Thiếu tướng, GS.TS Ngô Sỹ Hiền cũng luôn coi trọng công tác đào tạo nghiệp vụ cho lực lượng cán bộ làm công tác kỹ thuật hình sự trên toàn quốc. Ông quan niệm, giảng dạy lý thuyết luôn phải gắn liền với thực tiễn sẽ giúp chúng ta xây dựng được đội ngũ cán bộ làm công tác KTHS giỏi. Ðây chính là nỗ lực để lực lượng Cảnh sát kỹ thuật hình sự hoàn thành tốt hơn nữa vai trò phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự của Tổ quốc. Là tư lệnh của một binh chủng khoa học đấu tranh phòng, chống tội phạm với hơn 5000 cán bộ chiến sỹ trên toàn quốc, ông đã chỉ đạo quyết liệt với tác phong nhanh nhẹn, chính xác trong tổ chức điều tra, khám nghiệm, góp phần khám phá thành công nhiều vụ án phức tạp, nhạy cảm, được Lãnh đạo Bộ khen ngợi, được dư luận nhân dân tin tưởng, cảm phục. Ðiển hình như Viện đã tham gia khám nghiệm hàng trăm hiện trường các vụ phá hoại ở Bình Dương, Ðồng Nai, Vũng Áng, Hà Tĩnh… Viện cũng đã trực tiếp giám định và có kết luận chính xác, cung cấp nhiều chứng cứ khoa học để giải quyết nhiều vụ án lớn như: Vụ thẩm mỹ viện Cát Tường, Vụ án oan sai Nguyễn Thanh Chấn, vụ sập cầu treo Chu Va 6, các vụ thảm án giết nhiều người tại Nghệ An, Bình Phước, Yên Bái, Lào Cai, Quảng Ninh, vụ sự cố y khoa xẩy ra tại bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình làm 8 bệnh nhân chạy thận chết...
Từng là người cán bộ giảng dạy và nghiên cứu chuyên sâu về nghiệp vụ kỹ thuật điều tra hình sự, nay lại đảm nhiệm cương vị người đứng đầu cơ quan về kỹ thuật hình sự, Thiếu tướng, GS.TS Ngô Sỹ Hiền tự hào khẳng định, công việc kỹ thuật hình sự có đặc thù vô cùng khó khăn, gian khổ nhưng cũng rất thú vị, khách quan. Một dấu ấn khó phai trong tâm trí ông là khi thực hiện việc giám định để làm rõ nguyên nhân khiến hơn 700 công nhân ở nhà máy Hongfu (Thanh Hóa) đồng loạt ngất xỉu năm 2014. Ông chia sẻ, việc nhanh chóng tìm ra câu trả lời không chỉ giúp nhà máy ổn định sản xuất mà còn góp phần ổn định tình hình ANTT tại địa phương.
Với tầm nhìn đón đầu về cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4, ông đổi mới quyết liệt, đề xuất lãnh đạo Bộ thành lập thêm 3 đầu mối cấp phòng tại viện Khoa học hình sự, đó là các phòng khám nghiệm hiện trường, phòng giám định kỹ thuật số-điện tử và Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kỹ thuật hình sự - Pháp y Công an nhân dân. Ông chỉ đạo biên soạn khẩn trương 8 tập sách về giám định kỹ thuật hình sự CAND để làm tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, chiến sỹ KTHS trong toàn quốc; kết hợp một cách chặt chẽ, hiệu quả giữa lý luận và thực tiễn. Ông cũng là người quan tâm đặc biệt đến việc phân cấp giám định, mạnh dạn tư vấn đề xuất Lãnh đạo Bộ củng cố kỹ thuật hình sự cho Công an cấp huyện, vì thế cho đến nay, trong lực lượng CAND đã hình thành 3 cấp kỹ thuật hình sự: Bộ, Công an tỉnh và Công an huyện. Nhờ một loạt những đổi mới như thế, có thể nói nghiệp vụ kỹ thuật hình sự công an ngày càng đóng góp tích cực, hiệu quả cùng các đơn vị nghiệp vụ khác của Bộ đấu tranh hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật. Và thêm một lần nữa, Thiếu tướng, GS.TS Ngô Sỹ Hiền để lại dấu ấn đẹp của mình trong những bước trưởng thành, đổi mới, lớn mạnh của lực lượng lượng kỹ thuật hình sự Công an nhân dân.
(Còn nữa)
Theo tamnhin.trithuccuocsong.vn