Thiếu tướng Nhật Bản: Để ngăn Trung Quốc chiếm đảo, Tokyo cần sở hữu hai 'pháp bảo'

Nếu TQ thống nhất Đài Loan bằng vũ lực, nước này có thể mở rộng khả năng đe dọa của chiến lược A2/AD đến các căn cứ quân sự của Mỹ đóng ở sâu Tây Thái Bình Dương.

Ngăn Trung Quốc đổ bộ

Hồi tháng 7/2020, trang thông tin điện tử của Viện Nghiên cứu Hải quân Mỹ (USNI) đã đăng tải bài viết của Thiếu tướng về hưu Nozomu Yoshitomi, thuộc Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF), nhận định khả năng tấn công của tàu đổ bộ và hạm đội tàu tác chiến có "năng lực thực thi nhiệm vụ toàn diện" (FMC) của liên quân Mỹ-Nhật có thể đủ sức răn đe đối với Trung Quốc ở vùng biển quần đảo Ryukyu.

Quần đảo Ryukyu (có tên khác là Nansei) là chuỗi đảo nằm ở phía tây nam Nhật Bản, nằm giữa Nhật Bản và Đài Loan. Những hòn đảo này tạo thành một rào cản tự nhiên nếu hải quân Trung Quốc muốn triển khai lực lượng đến Tây Thái Bình Dương để đối chọi với Mỹ.

Bài báo nói rằng nếu Bắc Kinh thống nhất Đài Loan bằng vũ lực, nước này có thể mở rộng khả năng đe dọa “chống tiếp cận và chống thâm nhập khu vực” (A2/AD) đến các căn cứ quân sự của Mỹ đóng ở sâu Tây Thái Bình Dương. Nếu Trung Quốc chiếm và kiểm soát một số hòn đảo thuộc quần đảo Ryukyu, thì phạm vi ảnh hưởng của họ sẽ sâu rộng hơn.

Tuy nhiên, một khi Nhật Bản và Mỹ hành động chung, quân đội Trung Quốc (PLA) có thể thay đổi tuyến đường phía nam, đi qua eo biển Luzon và Philippines và tiến ra Tây Thái Bình Dương. Như vậy, Bắc Kinh cần nhanh chóng tổ chức lại khả năng A2/AD để đảm bảo quyền kiểm soát Đài Loan. Vì vậy, quần đảo Ryukyu là một vị trí chiến lược hiểm yếu mà Nhật Bản, Mỹ và Trung Quốc đều hết sức coi trọng.

Bài báo cho biết, lực lượng phòng thủ hiện tại của Nhật Bản cho chuỗi đảo phía tây nam chủ yếu tập trung trên đảo Okinawa, là hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Okinawa. Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản (JGSDF) từ lâu đã triển khai các lữ đoàn bộ binh và các đơn vị phòng không ở đó.

Mỹ-Nhật liên hợp diễn tập. Ảnh: Sina

Mỹ-Nhật liên hợp diễn tập. Ảnh: Sina

Liên đội máy bay chiến đấu của Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản (JASDF) cũng đóng tại Okinawa. Mỹ có một lực lượng thủy quân lục chiến triển khai ở Okinawa và đồn trú tại căn cứ không quân Kadena. Nhận thức được tầm quan trọng chiến lược của quần đảo Ryukyu, Nhật Bản bắt đầu triển khai lực lượng phòng vệ trên đảo Amami Oshima, Miyako và Ishigaki, cũng như tên lửa chống hạm và tên lửa phòng không.

Để ngăn chặn Trung Quốc chiếm đảo bằng vũ lực, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã thành lập Lữ đoàn đổ bộ phản ứng nhanh (ARDB) vào năm 2018. Nhiệm vụ quan trọng nhất của ARDB là bảo vệ các hòn đảo xa xôi của Nhật Bản trong các hoạt động tấn công đổ bộ.

Quân đội Mỹ đóng tại đảo Okinawa và các vùng khác của Nhật Bản có khả năng tấn công đổ bộ mạnh mẽ. Ngoài ra, lực lượng viễn chinh hải quân Mỹ (ESG) và nhóm tấn công tàu sân bay (CSG) có thể hỗ trợ đắc lực cho lực lượng đổ bộ.

Hai "pháp bảo" của Nhật Bản

Tuy nhiên, ngay cả khi lực lượng liên hợp của Mỹ và Nhật Bản phát động tấn công đổ bộ ở quần đảo Ryukyu thì vẫn sẽ gặp rất nhiều khó khăn, với ba thách thức đe dọa lớn: đối thủ tiềm tàng, vị trí địa lý và thời gian phản ứng.

Đầu tiên là đối thủ tiềm tàng. Các hoạt động tấn công đổ bộ của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản và quân đội Mỹ được tiến hành trong bối cảnh đe dọa nhiều lớp A2/AD. Do khoảng cách từ Trung Quốc đại lục đến các đảo quần đảo Ryukyu khá ngắn (chỉ vài trăm hải lý), PLA có thể phóng hàng trăm tên lửa chống hạm (kể cả tên lửa đạn đạo) từ đất liền để tấn công các tàu lớn xuất hiện ở đó. Mối đe dọa từ các vụ phóng tên lửa từ trên không, trên mặt nước và dưới nước ở biển Hoa Đông sẽ còn lớn hơn.

Hiện nay, công nghệ trinh sát và giám sát hiện đại tiên tiến, tên lửa, máy bay và tàu ngầm dễ dàng giúp PLA trong việc phát hiện và tấn công mục tiêu, đồng thời chiến thuật "tấn công bão hòa" (phóng dồn dập tên lửa) có thể phá hủy hệ thống phòng thủ tên lửa của các căn cứ hải quân của Nhật-Mỹ. Do đó, các tàu tấn công đổ bộ, tàu sân bay, tàu sân bay trực thăng và các tàu chiến chủ lực khác, cũng như hải quân Mỹ, đều sẽ trở thành mục tiêu tấn công của Trung Quốc.

Thứ hai là vị trí địa lý. Nhiều đảo ở phía tây nam được bao bọc bởi các rạn san hô, gây hạn chế cho việc ra vào của tàu lớn. Đồng thời, số lượng cảng có thể cập bến tàu lớn còn hạn chế. Các đảo như Tanegashima, Amami Oshima, Miyagi và Ishigaki, mỗi đảo chỉ có một cảng lớn, nhưng những hòn đảo này rất dễ bị thủy lôi phong tỏa. Do các hoạt động đổ bộ chung giữa Nhật và Mỹ chủ yếu dựa vào các tàu lớn để vận chuyển quân và tiếp tế vật tư nên sẽ gây ra những hạn chế nghiêm trọng về tốc độ và tính linh hoạt.

Cuối cùng là thời gian phản ứng. Do hầu hết công tác chuẩn bị quân sự của Trung Quốc được thực hiện trong bí mật, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản và quân đội Mỹ có thể không kịp phản ứng trước các cuộc tập kích của lính dù Trung Quốc, vì vậy hai nước này có kế hoạch triển khai lính thủy đánh bộ trên các đảo phía tây nam. Ngoài ra, các tàu tấn công đổ bộ cỡ lớn (LHD, LPD và LST) phải mất nhiều thời gian để chở quân, vì vậy muốn phản ứng nhanh là không thực tế. Trong trường hợp này, không kích là một phương pháp tấn công tương đối nhanh nhưng rất khó để chiếm lại một hoặc nhiều hòn đảo thông qua các cuộc không kích.

Phương án kết hợp tàu cao tốc cỡ nhỏ như tàu tác chiến đặc biệt Mk V có thể đảm bảo sự di chuyển nhanh chóng giữa các đảo ở quần đảo Ryukyu. Ví dụ, tàu tác chiến đặc biệt Mk V của Hải quân Mỹ (SOC) sẽ cung cấp khả năng tình báo, giám sát và trinh sát (ISR), đồng thời có thể thực hiện các hành động tập kích bất ngờ và hộ tống các tàu tấn công đổ bộ, cũng như triển khai tàu đổ bộ khác có thể được sử dụng để vận chuyển và hỗ trên biển cho các cuộc tấn công đổ bộ.

Trong khái niệm Chiến dịch căn cứ hiện đại viễn chinh (EABO) của thủy quân lục chiến Mỹ, hải quân và thủy quân lục chiến Mỹ sẽ thiết lập các căn cứ hiện đại viễn chinh (EAB) trên các đảo rải rác nhằm đảm bảo các hoạt động chung trên không-trên biển. Hơn nữa, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản và quân đội Mỹ cũng có thể thiết lập các căn cứ EAB đảm bảo phòng ngự trong thời bình.

Bài báo chỉ ra rằng, cho đến nay, Nhật Bản đầu tư rất ít vào việc tăng cường khả năng tác chiến ven biển và đổ bộ. Ngược lại, Lực lượng phòng vệ trên biển lại tập trung hơn vào tác chiến chống tàu ngầm và phòng thủ tên lửa đạn đạo. Mặc dù lực lượng phòng vệ trên biển có tàu đổ bộ đệm khí (LCACs) nhưng chúng không thể cung cấp khả năng sinh tồn, khả năng tàng hình và tính linh hoạt cần thiết cho các cuộc tấn công đổ bộ.

Do đó, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cần phát triển "năng lực thực thi nhiệm vụ toàn diện" (FMC) cho các hoạt động tấn công đổ bộ. Điều này đòi hỏi nỗ lực chung của ba quân chủng lớn của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Lực lượng Phòng vệ nên thành lập một hạm đội FMC với 30-40 loại tàu thuyền khác nhau, hầu hết sẽ được triển khai ở các đảo phía tây nam. Đồng thời, một lực lượng đặc nhiệm lớn mạnh phải được triển khai để giúp hạm đội FMC phản ứng nhanh khi đối mặt với một cuộc tấn công.

Ngoài ra, Lực lượng Phòng vệ nên xây dựng EAB trên các đảo chính của nhóm quần đảo Ryukyu. Các EAB này cần có các chức năng hỗ trợ tấn công đổ bộ mạnh mẽ để chống lại các cuộc tấn công bằng tên lửa quy mô lớn của PLA. Các cảng và sân bay cũng cần được gia cố, vật tư phải đầy đủ, và các công trình quan trọng phải chống cháy nổ và được đặt dưới lòng đất.

Cuối cùng, bài báo chỉ ra rằng Nhật Bản nên tiếp tục tăng cường khả năng tấn công đổ bộ và tiến hành các hoạt động chung với quân đội Mỹ để mang lại đủ khả năng răn đe đối với Trung Quốc.

An An

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/thieu-tuong-nhat-ban-de-ngan-trung-quoc-chiem-dao-tokyo-can-so-huu-hai-phap-bao-8202016101625953.htm