Thiếu úy cưỡng đoạt tài sản sinh viên có thể bị xử phạt thế nào?
Trường hợp phạm tội có tổ chức, chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50-200 triệu đồng thì người vi phạm có thể bị phạt tù từ 3-10 năm.
Liên quan đến vụ một nam sinh bị đưa xe máy về trụ sở công an phường rồi đòi tiền chuộc, Công an TP.HCM đã bắt thiếu úy Phạm Thái Vinh (cán bộ Công an phường 17, quận Bình Thạnh) và Nguyễn Hoàng Minh (bảo vệ dân phố), để điều tra về hành vi Cưỡng đoạt tài sản.
Đồng thời, Công an quận Bình Thạnh đã có quyết định đình chỉ công tác đối với Vinh. Giám đốc Công an TP.HCM cũng đã ký quyết định kỷ luật tước danh hiệu Công an Nhân dân của thiếu úy này.
Trao đổi với Zing.vn, luật sư Trần Minh Cường (Đoàn Luật sư TP.HCM) đồng tình với việc Công an quận Bình Thạnh nhanh chóng vào cuộc, bắt giữ các đối tượng liên quan để điều tra về hành vi Cưỡng đoạt tài sản.
Theo luật sư, hành vi Vinh bị điều tra được quy định tại Điều 170 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017. Cụ thể, người nào đe dọa dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thì có thể bị phạt tù từ 1-5 năm.
Trường hợp phạm tội có tổ chức; chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50-200 triệu đồng... thì bị phạt tù từ 3-10 năm.
Cấu thành tội phạm theo Điều 170 là "hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực", tức thể hiện thái độ, cử chỉ, lời nói tạo cho người bị đe dọa cảm giác lo sợ và tin rằng người phạm tội sẽ dùng bạo lực nên người bị đe dọa phải giao tài sản.
Còn hành vi "dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác" được hiểu là dùng các thủ đoạn gây áp lực về tinh thần của người bị hại, đe dọa sẽ làm một việc gây thiệt hại về tài sản, danh dự, uy tín người bị uy hiếp, buộc họ phải giao tài sản cho người phạm tội nhằm mục đích chiếm đoạt.
Trong vụ việc này, luật sư Cường chỉ ra qua một số thông tin trên báo, sau khi đưa sinh viên Đ. về phường thì có người đã đánh vào mặt anh Đ., dùng con dao (là vật thu giữ được trong balo) chọc vào cánh tay, dọa nạt bỏ tù về hành vi tàng trữ hung khí… Sau đó, họ yêu cầu anh Đ. viết giấy mua bán xe rồi mới thả.
Luật sư nhận định đây là một chuỗi hành vi nhằm đe dọa, uy hiếp tinh thần của sinh viên Đ., ra điều kiện yêu cầu đưa 10 triệu đồng để không “bỏ tù” anh Đ.
Đồng thời, sau khi Đ. không có tiền nộp, hai người trong tổ công tác yêu cầu Đ. viết giấy mua bán xe. Khi Đ. thông báo chỉ xoay xở được 8,5 triệu đồng và liên hệ với các đối tượng để xin giảm giá thì người này còn mặc cả là phải đưa đủ 9 triệu đồng mới giao xe.
"Hành vi này nhằm uy hiếp tinh thần khiến anh Đ. sợ hãi, lo lắng và phải giao tiền để chuộc xe và cố gắng thực hiện hành vi đến cùng nên dấu hiệu phạm tội cưỡng đoạt tài sản đã tương đối rõ", luật sư Cường nhận định.
Bên cạnh đó, tội Cưỡng đoạt tài sản là tội phạm có cấu thành hình thức, có nghĩa là tội phạm được coi là hoàn thành từ thời điểm người phạm tội thực hiện hành vi chứ không phụ thuộc vào kết quả có chiếm đoạt được tài sản hay không. Dù thiếu úy Vinh và bảo vệ dân phố chưa chiếm đoạt được tiền (chưa hoàn thành việc giao và nhận tiền), tội phạm đã hoàn thành.
Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng về định khung hình phạt, cần phải định giá chiếc xe mới khép vào khung cụ thể. Bên cạnh đó, hành vi của thiếu úy này có thể bị định khung tăng nặng như phạm tội có tổ chức; gây mất trật tự, ảnh hưởng xã hội... tùy thuộc vào quá trình điều tra.
"Cần xử lý nghiêm về mặt hình sự để tạo tính răn đe vì bản thân làm trong ngành công an nhưng lại có hành vi vi phạm pháp luật trắng trợn. Ngoài ra, cũng cần xem xét xem còn ai liên quan trong vụ việc này hay không", luật sư Hùng đề nghị,