Thiếu vắc-xin sởi, Bộ Y tế nói gì?

Việt Nam đã tiếp nhận 17/21 triệu liều vắc-xin sởi và chuyển về cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh. Từ tháng 4-6 đã cung cấp đủ vắc-xin sởi cho tiêm chủng mở rộng, bảo đảm mỗi tháng đủ 7,5% số trẻ được tiêm vắc-xin sởi.

Trước thông tin vắc-xin sởi bị gián đoạn trong 3 tháng nay, TS. Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, cuối năm 2023 mới quyết định ngân sách mua vắc-xin cho năm 2024. Vì vậy, cuối năm 2023, đơn vị mới làm xong đấu thầu.

Dịch sởi đang tăng cao tại một số tỉnh, thành phố.

Dịch sởi đang tăng cao tại một số tỉnh, thành phố.

Đầu tháng 1-2/2024, vắc-xin mới sản xuất xong và hiện đã chuyển từng lô cho các địa phương tiến hành tiêm chủng từ nay đến tháng 10/2024.

Ông Đức cho hay, đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận 17/21 triệu liều vắc-xin sởi và chuyển về cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh. Từ tháng 4-6 đã cung cấp đủ vắc-xin sởi cho tiêm chủng mở rộng, bảo đảm mỗi tháng đủ 7,5% số trẻ được tiêm vắc-xin sởi.

Cục Y tế dự phòng đã tham mưu cho Bộ Y tế rà soát toàn bộ số trẻ trên cả nước chưa tiêm vắc-xin sởi, những địa phương nào còn trẻ chưa tiêm đủ mũi sẽ tổ chức tiêm bù, tiêm vét, không để dịch sởi ra tăng.

Được biết, thời gian gần đây, nhiều tỉnh, thành khu vực phía Nam đang ghi nhận sự quay trở lại của bệnh sởi, còn một số tỉnh phía Bắc dịch ho gà tái bùng phát do những khoảng trống về tiêm chủng.

Dịch sởi, ho gà tưởng đã được kiểm soát nhưng thời gian gần đây lại đang có dấu hiệu quay trở lại do những khoảng trống tiêm chủng.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), hiện tại trên địa bàn TP ghi nhận 16 ca mắc bệnh sởi xác định, phân bố tại 4/22 quận, huyện. Còn tại tỉnh Kiên Giang, thống kê cho thấy, từ ngày 7/4 đến ngày 8/6, đia phương này ghi nhận liên tiếp 159 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 95 ca sởi xác định (chiếm 60%).

Với tỉnh Bến Tre, từ ngày 29/4 đến 7/6 cũng ghi nhận 12 trường hợp sốt phát ban nghi sởi. Có 8/12 trường hợp được lấy mẫu xét nghiệm với kết quả 4 ca dương tính với sởi.

Được biết, TP.HCM luôn là một trong những địa phương dẫn đầu của khu vực phía Nam về tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin. Tuy nhiên, theo do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, sự gián đoạn vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng nên tỷ lệ tiêm chủng các loại vắc-xin nói chung và vắc-xin sởi nói riêng tại địa phương này trong những năm gần đây ở mức thấp.

Tính đến hết tháng 4/2024, tỷ lệ trẻ tiêm đủ 2 mũi vắc-xin sởi đối với lứa trẻ sinh năm 2018, 2019, 2020, 2021 trên địa bàn lần lượt là 93,2%; 90,1%; 91,7% và 93,6%.

Không chỉ riêng TP.HCM mà hiện tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin sởi trong cộng đồng khu vực phía Nam những năm gần đây thấp và không đồng đều. Khảo sát của Viện Pasteur TP.HCM cho thấy, từ năm 2021 đến nay, tỷ lệ tiêm vắc-xin sởi ở khu vực phía Nam rất thấp.

Năm 2021, tỷ lệ tiêm chủng sởi của khu vực phía Nam chỉ đạt 83,2% mũi sởi đơn và 75,6% mũi sởi tổng hợp (vắc-xin sởi, quai bị, rubella).

Đặc biệt, Bình Dương là địa phương có tỷ lệ tiêm vắc-xin sởi rất thấp, chỉ đạt 52%. Một số địa phương khác như Đồng Tháp, Đồng Nai, Sóc Trăng… cũng có tỷ lệ tiêm chủng dưới 70%.

Giới chuyên gia lo ngại nguy cơ bệnh sởi sẽ lây lan trong cộng đồng trong thời gian tới, nhất là ở những nơi tập trung đông người như trường học, điểm trông giữ trẻ và tại các cơ sở khám chữa bệnh. Do đó, các địa phương cần rà soát lại tình trạng tiêm chủng, đánh giá nguy cơ và tiến hành tiêm bù, tiêm vét vắc-xin ngay cho trẻ để hạn chế nguy cơ sởi bùng phát.

Trước đó, vào cuối tháng 3/2024 Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo sự quay trở lại của dịch sởi. Theo đó, tại khu vực Tây Thái Bình Dương, số ca mắc bệnh sởi đã tăng 255% từ năm 2022 đến năm 2023.

Theo WHO, tại Việt Nam, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong thời gian qua và việc gián đoạn cung ứng các vắc-xin trong Chương trinh liêm chúng mớ rộng năm 2023 đã tác động đên tỷ lệ tiêm chủng các vắc-xin cho trẻ em trên toàn quốc.

Nhiều trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm chủng đủ mũi các vắc-xin trong những năm gần đây là yếu tố nguy cơ gây bùng phát dịch bệnh, bao gồm dịch sởi.

Ngoài dịch sởi thì hiện dịch ho gà cũng đang gia tăng trở lại. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, năm nay, số ca bệnh ho gà có dấu hiệu gia tăng so với những năm trước đây, do ảnh hưởng của giai đoạn dịch Covid-19 vừa qua, số trẻ đi tiêm vắc-xin phòng bệnh không đạt được 100%, tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn. Cụ thể, heo tin từ Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 24 đến 31/5, trên địa bàn thành phố có thêm 16 ca mắc ho gà, tăng 14 ca so với tuần trước đó.

Theo CDC Hà Nội, do có những giai đoạn Việt Nam bị thiếu vắc-xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, nên một số nhóm trẻ đã bị ngưng tiêm hoặc tiêm chưa đủ khiến miễn dịch không đảm bảo.

Hiện nay, các ca ho gà mới ghi nhận rải rác ở một số địa phương, chưa thành điểm tập trung. Tuy nhiên, nếu trẻ không được tiêm chủng đầy đủ, không có miễn dịch đầy đủ thì tích lũy lại, dễ tạo ra những khoảng trống miễn dịch, từ đó có thể trở thành những ổ dịch.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thieu-vac-xin-soi-bo-y-te-noi-gi-d217888.html