Thiếu vốn, TP.HCM phải xin lùi dự án để cân đối ngân sách

'Những dự án trên chưa thể thực hiện, nếu ôm vốn đầu tư rồi để đó sẽ gây thiệt hại. TP.HCM còn nhiều dự án đang thực hiện và cần vốn sẽ được ưu tiên hơn', lãnh đạo TP.HCM chia sẻ.

Trong bối cảnh trung ương yêu cầu tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, UBND TP.HCM lại vừa có đề xuất HĐND gia hạn thời gian thực hiện 3 dự án nhóm A, sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài tại kỳ họp HĐND TP.HCM sáng 9/7.

Cụ thể, các dự án được đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư gồm dự án xe buýt nhanh BRT, dự án vệ sinh môi trường giai đoạn 2 và dự án giảm thất thoát nước.

Vốn ít, cần ưu tiên phân bổ hiệu quả

Trao đổi với Zing về lý do TP.HCM kiến nghị gia hạn loạt dự án dùng vốn ODA trong bối cảnh cần đẩy nhanh các dự án phát triển hạ tầng, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết những dự án trên đều đang trong quá trình thực hiện thủ tục và chưa hoàn thiện về mặt pháp lý. Việc tăng thời gian thực hiện dự án ODA sẽ giúp thành phố thêm nguồn lực để phát triển dự án mang tính cấp bách, thiết thực hơn.

“Những dự án trên chưa thể thực hiện, nếu ôm vốn đầu tư rồi để đó sẽ gây thiệt hại. TP.HCM còn nhiều dự án đang thực hiện và cần vốn (vốn đối ứng - PV) sẽ được ưu tiên hơn”, ông Trần Vĩnh Tuyến chia sẻ.

 Phó chủ tịch Võ Văn Hoan nói về nguồn vốn đầu tư công trung hạn của TP.HCM. Ảnh: Duy Anh.

Phó chủ tịch Võ Văn Hoan nói về nguồn vốn đầu tư công trung hạn của TP.HCM. Ảnh: Duy Anh.

Trong bối cảnh nhiều dự án cấp bách cần triển khai nhưng nguồn vốn hạn chế, lãnh đạo UBND cho rằng việc sớm biết nguồn vốn đầu tư cho giai đoạn sau là rất cần thiết để lên kế hoạch phân bổ nguồn lực hiệu quả, tránh lãng phí. Tuy nhiên, vốn đầu tư công cho giai đoạn 2021-2025 vẫn là bài toán chưa có lời giải với TP.HCM.

Cụ thể, Phó chủ tịch UBND Võ Văn Hoan cho biết vốn đầu tư của giai đoạn 2016-2020 đến nay đã hết nguồn và thành phố vẫn đang thiếu nguồn cho các dự án đang triển khai. Tuy nhiên, Luật Đầu tư công mới có hiệu lực lại quy định vốn đầu tư công trung hạn của những dự án chuyển tiếp giai đoạn trước chỉ được bố trí tối đa 20% vốn đầu tư công trung hạn sang kỳ sau nên "thiếu lại càng thiếu".

"Đến bây giờ, vốn đầu tư công trung hạn của 5 năm sau, Trung ương vẫn chưa có định hướng phân cho thành phố bao nhiêu. Chính vì vậy, thành phố chưa có tiền để cân đối các nguồn vốn đầu tư", ông Hoan phân trần.

Gia hạn 3 dự án ODA

Trong kỳ họp thứ 20 HĐND TP.HCM khóa IX, UBND TP.HCM có tờ trình xin ý kiến HĐND về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nhóm A sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, đối với dự án xe buýt nhanh BRT được Ngân hàng thế giới (WB) đầu tư 142,5 triệu USD, UBND TP.HCM đề xuất HĐND TP thống nhất chủ trương trình Thủ tướng cho phép gia hạn đến năm 2023 thay vì 2020 theo thời hạn được phê duyệt trước đó.

Đại diện WB trước đó cũng đã có ý kiến cần gia hạn để kịp thời phân bổ vốn cho dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025. Để có thời gian mua sắm, đấu thầu, xây dựng và đưa vào khai thác tuyến BRT, Ngân hàng Thế giới cho rằng dự án cần được gia hạn thêm 3 năm để hoàn tất mục tiêu.

 Kỳ họp này, HĐND sẽ xem xét thông qua 14 tờ trình của UBND TP.HCM. Ảnh: Duy Anh.

Kỳ họp này, HĐND sẽ xem xét thông qua 14 tờ trình của UBND TP.HCM. Ảnh: Duy Anh.

Dự án thứ 2 được đề nghị gia hạn thời gian thực hiện là dự án vệ sinh môi trường giai đoạn 2 với tổng vốn vay 450 triệu USD từ WB. Đối với dự án này, UBND TP.HCM đề xuất HĐND thống nhất trình Chính phủ được lùi thời gian thi công và vận hành thử hạng mục nhà máy xử lý nước thải từ năm 2019 sang 2024 và vận hành chính thức lùi từ 2024 đến năm 2029.

Ngoài ra, UBND TP.HCM đề xuất được gia hạn thời gian dự án giảm thất thoát nước thành phố đến 30/6/2024 thay vì thời hạn 30/6/2020 như đã được phê duyệt. Dự án giảm thất thoát nước thành phố được Ngân hàng Phát triển Châu Á cho vay 138 triệu USD.

Trước đó, tại Hội nghị Chính phủ với địa phương 6 tháng đầu năm hôm 2/7, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong kiến nghị Chính phủ xem xét lại Điều 89 Luật Đầu tư công 2019 quy định tổng số vốn đầu tư còn lại của các dự án đã quyết định chủ trương đầu tư giai đoạn 2016-2020 chuyển tiếp qua giai đoạn 2021-2025 không vượt quá 20%. Đồng thời, lãnh đạo TP.HCM đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm thông báo tổng mức vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 để thành phố sớm triển khai thẩm định nguồn vốn cũng như khả năng cân đối vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Thu Hằng - Quang Huy
Ảnh: Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thieu-von-tphcm-phai-xin-lui-du-an-de-can-doi-ngan-sach-post1104779.html