Thịt vịt suối xóm Nhàng da vàng như da gà
"Dù có bị bịt mắt nhưng em vẫn nhận ra được miếng thịt vịt suối xóm Nhàng, xã Kim Thượng", Hà Thị Yến, Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn, người gốc Kim Thượng khẳng định.
Nức tiếng vịt suối Tân Sơn

Chị Hà Thị Yến, Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn bịt mắt để thử nhận biết thịt vịt. Ảnh: Dương Đình Tường
Bịt mắt ăn thử vẫn nhận ra vịt suối xóm Nhàng
Bên cạnh gà 9 cựa thì vịt suối là đặc sản đã nức tiếng bấy lâu của huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Với hệ thống suối phong phú ở đây có nhiều xã nuôi vịt đã thành danh như Kim Thượng, Xuân Sơn, Xuân Đài, Thu Cúc…
Tuy nhiên chị Hà Thị Yến, Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn, người gốc xã Kim Thượng lại khẳng định chắc nịch rằng vịt quê mình là nhất nên nên chúng tôi đã cùng làm một thử nghiệm nhỏ. Một con vịt suối xóm Nhàng ở xã Kim Thượng và một con vịt suối xóm Dù ở xã Xuân Sơn được đem vào nhà hàng để chế biến.
Buổi trưa hôm đó, mâm cơm được dọn ra, tâm điểm là hai đĩa thịt vịt luộc với lớp da vàng ruộm. Thành phần tham dự ngoài tôi còn lại là mấy cán bộ của xã. Chiếc khăn được bịt lên mắt của Yến xong rồi thì mọi người mới gắp hai miếng thịt vịt từ hai đĩa đặt vào bát chị.
Tôi để ý tay chị cầm miếng thịt chưa ăn ngay mà khẽ đưa lên mũi ngửi. Sau khi ăn cả hai miếng thịt, chị phán: “Đây là miếng thịt vịt suối xóm Nhàng, xã Kim Thượng quê em, dù nó đang còn non, chất lượng mới chỉ đạt 6-7 điểm nhưng mùi thơm, vị ngọt vẫn không thể lẫn vào đâu được”. Chủ quán được gọi đến để kiểm chứng và khẳng định đó đúng là miếng thịt vịt suối xóm Nhàng.
Chúng tôi cùng vui vẻ thưởng thức bữa ăn. Chẳng mấy chốc đĩa vịt suối Kim Thượng đã hết veo. Thịt vịt suối Kim Thượng ngọt và thơm để lại hậu vị rất lâu trong miệng.
Chiều hôm đó, tôi hỏi đường vào xóm Nhàng để tìm hiểu tại sao vịt suối ở đây lại đặc biệt đến vậy. Con đường bê tông trải đến tận cuối xóm, một bên là cánh đồng lúa đang thì con gái, một bên là dòng suối Nhàng chảy từ núi Chày uốn khúc vòng quanh như dải lụa xanh.
Ông Hà Văn Choang, người dân của xóm giải thích dòng suối này chảy qua các xã Kim Thượng, Xuân Đài, Minh Đài rồi đổ ra sông, ven đôi bờ bà con Mường thường tận dụng để nuôi vịt, tuy nhiên vịt xóm Nhàng vẫn là thơm ngon nhất:
“Ở đây nhà nào cũng nuôi vịt, trung bình mỗi năm 2 lứa, mỗi lứa 10-20 con, nhiều 100 con, có năm gia đình tôi nuôi kỷ lục tới 200 con. Xưa bà con tự để giống rồi đem trứng vịt cho gà ấp nhưng nay chủ yếu là mua ngoài chợ với 2 loại bầu trắng và bầu đất. Lúc nhỏ chúng tôi cho vịt ăn cám công nghiệp, sau 2 tuần bắt đầu rút dần, chuyển sang ăn cơm, sắn, thân chuối, đến hơn 1 tháng 100% bằng thức ăn tự phối trộn, chế biến.
Vịt được thả ra suối, mỗi ngày cho ăn 2 bữa, còn lại tự mò ốc, tôm, tép, rong rêu mà ăn, tự do bơi lội. Nuôi đến 2,5 tháng là vịt chéo cánh, bắt đầu ăn được nhưng để ngon phải cỡ 4 tháng. Da của nó lúc đó vàng như da gà, nếu là vịt bầu trắng thì vàng ra cả lông, khi luộc nổi váng, thịt dai, bùi, thơm, ngọt nên ăn cái là biết ngay. Vịt bầu trắng, vịt bầu đất khi nuôi như thế đều thơm ngon giống nhau tuy nhiên khách thường thích vịt bầu đất hơn, còn dân xóm lại thích vịt bầu trắng bởi dễ vặt lông.
Cùng là dòng suối Nhàng nhưng chảy đến xóm Chiềng, chỉ cách xóm tôi hơn 1 km về phía dưới da vịt lại vàng nhạt hơn, thịt bớt thơm, bớt bùi dù vẫn ngọt, vẫn ngon; xuống tới xã Xuân Đài chất lượng thịt còn kém nữa.
Những khi nhà có việc như gặt, cấy đều mổ vịt. Trong các đình đám, hễ có thịt là có vịt với các món như luộc, nướng, quay, chỉ có điều không đem lên bàn thờ cúng như gà mà thôi. Ngoài tiêu thụ tại chỗ, chúng tôi còn nhận ship hàng đi xa. Với giá bán trung bình 100.000đ/kg, mỗi con vịt người nuôi lãi trung bình 50-60.000đ”.
Vịt suối xưa và nay
Nghe đến đây, bà Sa Thị Chót, vợ ông Choang góp chuyện: “Từ lúc tôi còn bé đã thấy bố mẹ nuôi vịt suối rồi. Ở đây con gái khi đi lấy chồng bố mẹ thường cho 10-20 con vịt về làm giống. Trước dân chủ yếu nuôi vịt để cải thiện bữa ăn, mươi năm nay mới thành hàng bán. Hễ có đàn vịt nào đến ngày được thịt thì người nuôi chụp ảnh đăng lên zalo, facebook để khách biết mà đặt, còn ở gần họ đi qua thấy đàn vịt nào vừa mắt đang bơi ngoài suối thì hỏi chủ là ai rồi vào mua.
Nếu mà vịt tự để giống nuôi thịt thơm ngon hơn vịt mua giống ngoài chợ, dù màu da vẫn vàng như thế. Hè năm 2023 nước lũ trên núi về, vịt mò ngoài suối mãi, khi được thịt mổ ra cái mề rất vàng. Có hai nhà báo của Phú Thọ đến nhà, tôi đãi thịt vịt, ăn xong khen vịt suối xóm Nhàng là nhất rồi nằng nặc đòi mua bằng được để mang về. Nhờ nuôi vịt mỗi năm nhà tôi cũng để ra được cỡ trên 10 triệu đồng, chưa kể để lại ăn 10-20 con nữa”.
Còn chị Trần Thị Luyện kể, gia đình mình trước đây thường nuôi 50-70 con vịt suối, sau đó thấy nhu cầu của thị trường cao năm 2024 mới quyết định góp vốn cùng người anh, mỗi nhà 20 triệu để nuôi tới 1.000 con. Vì đàn vịt đông quá nên luôn phải có 2 người trông để phòng chúng đi lạc và phòng trộm cắp.
Chẳng may, năm ấy mùa hè nóng quá, vịt chết nhiều, thêm vào đó số lượng lắm nên không bán lẻ mà phải bán buôn, chỉ được giá 70.000đ/kg, tính ra lãi cũng chỉ bằng nuôi 50-70 con. Kể từ đó gia đình chị lại trở về với quy mô nuôi như cũ để dễ bề quản lý. Cứ 2 tháng họ lại nuôi gối 1 lứa vịt nên 1 năm được tới 4 lứa.
“Con vịt hôm nay anh ăn là của nhà tôi, mới nuôi được 2,5 tháng, chưa chéo cánh, vẫn còn đang lông măng nên chất lượng chưa đạt lắm. Vịt phải nuôi trên 4 tháng, chéo cánh rồi rụng lông, gầy đi lại mọc lông, béo trở lại, cổ xanh óng ánh, chuẩn bị đạp mái thì thịt mới thơm ngon. Biết là thế nhưng từ Tết tới giờ nhà nào trong xóm cũng vịt non như vậy nên không có loại nào hơn để chọn”. Chị Luyện giải thích.
Tôi rời xóm Nhàng với một con vịt suối làm quà trên tay. Chỉ tiếc rằng nức tiếng là thế mà vịt suối Kim Thượng lại chưa có thương hiệu, các hộ nuôi chưa được tổ chức thành tổ nhóm hay HTX để có thể liên kết từ sản xuất tới tiêu thụ.