Thơ ca của thế giới Ả Rập
Xuất hiện trước cả Hồi giáo, bắt đầu ở bán đảo Ả Rập hơn 1.500 năm trước, thơ ca luôn luôn là trung tâm của nền văn hóa Ả Rập, ít nhất nó cũng là phương tiện lâu đời nhất để những con người nơi đây ghi lại niềm tin, trí tuệ, những câu chuyện truyền miệng cũng như các vấn đề triết học của họ. Ngày nay, thơ ca Ả Rập đã trở thành một loại hình nghệ thuật toàn cầu, đặc biệt đối với thế giới Ả Rập.
Về mặt lịch sử, phạm vi tiếp cận của thơ ca đối với công chúng phụ thuộc vào mức độ ảnh hưởng của các quốc gia Ả Rập và thế giới Hồi giáo. Ví dụ, thơ Andalucia đã chết ở bán đảo Iberia sau sự sụp đổ của Granada vào năm 1492, nhưng đến 500 năm sau, hình thức và phong cách của nó vẫn truyền cảm hứng cho các nhà thơ thế kỷ 21 ở Morocco.
Trong nhiều thế kỷ, thơ cổ điển của Ả Rập bị chi phối bởi ODE (tiếng Hi Lạp cổ có nghĩa là “bài ca”, là một thể loại thơ được trình bày trang trọng và nghiêm túc). ODE là những bài thơ thường nói trực tiếp về ai đó hoặc một điều gì đó và được trình bày với nhạc đệm. Trong những năm 1940, các nhà thơ Iraq như Nazik al-Malaika (1923-2007) - một trong những nhà thơ Ả Rập đầu tiên sử dụng thể thơ tự do - đi tiên phong, bắt đầu thích ứng với cách tiếp cận hiện đại pha trộn cấu trúc cổ điển với những ảnh hưởng từ phương Tây trong đó có ảnh hưởng từ Thomas Sterns Eliot (1888-1965) là một trong những nhà cách tân táo bạo nhất của thơ ca thế kỷ 20.
Thơ đương đại ngày nay được viết ở bất cứ nơi nào mà các nhà thơ Ả Rập sống, dù là ở quê nhà hay ở nước ngoài, lưu vong hay trong các trại tị nạn. Trong suốt hai thập kỷ qua, các nền tảng kỹ thuật số đã giúp sức hấp dẫn của thơ ca Ả Rập được lan rộng, nhen nhóm sự phổ biến của nó. Tuy nhiên, thơ ca Ả Rập phổ biến nhất khi nó được đọc và chia sẻ ở nơi công cộng, từ quán cà phê, lễ hội nghệ thuật và các chương trình phát thanh cho đến các chương trình truyền hình, đám cưới và đám tang.
Các nhà thơ Ả Rập viết bằng nhiều hình thức và phong cách khác nhau, bao gồm ODE cổ điển, ODE hiện đại và văn xuôi tự do. Ngoài ra thơ ca Ả Rập còn có chỗ cho các tác phẩm và những buổi độc tấu bằng tiếng Ả Rập thông tục, đặc biệt là ở Ai Cập, Iraq, Lebanon, Ả Rập Xê Út, Maroc và Jordan, nơi có lượng khán giả lớn.
Làm thơ, giống như đọc và khám phá nó, là một hành động phiêu lưu và kinh ngạc được dẫn dắt bởi trực giác và niềm yêu thích ngôn từ. Đó là một cuộc hành trình cá nhân (Mustafa Abu Sneineh, Thời báo Con mắt Trung Đông, 2019). Các nhà thơ Ả Rập đương đại có thể viết với nhiều hình thức và phong cách khác nhau hơn bao giờ hết, nhưng họ vẫn nắm bắt được bản chất của thời đại, sử dụng chất trữ tình Ả Rập, ẩn dụ và hình ảnh kết hợp với sự uốn lượn và ngạc nhiên để làm say đắm người đọc và người nghe.
Nhiều nhà văn hiện đại trong thế giới Ả Rập bắt đầu sự nghiệp văn học của họ bằng cách tập thơ (như ca sĩ tập hát), như các nhà thơ Iman Mersal, Nouri al-Jarrah hay nhà văn Maram al-Masri. Khi làm như vậy, họ có được cảm giác về nhịp điệu và độ chính xác của tiếng Ả Rập, thận trọng với từng lời thơ của họ, nhìn thế giới mới mẻ hơn và tìm kiếm sự siêu việt ngoài những điều tầm thường của cuộc sống.
Các nhà thơ cũng là những người bảo vệ tâm hồn con người một cách dữ dội nhất khi nó bị tấn công từ những chế độ chuyên chế. Một trong những bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Mahmoud Darwish, “Hãy viết đi! Tôi là người Ả Rập”, được viết sau khi ông được thả ra khỏi nhà tù ở Israel vào những năm 1960.
Tuy nhiên, vẫn còn có quá nhiều thơ Ả Rập vẫn chưa được phổ biến trên thế giới. Chẳng hạn, khi tìm hiểu về các tác phẩm của nhà thơ Ả Rập vĩ đại nhất là Al-Mutannabi, các nhà nghiên cứu hầu như không tìm thấy bất cứ bản dịch tiếng nước ngoài nào các tác phẩm của ông. Và chắc chắn nền văn chương của thế giới, đặc biệt đối với các quốc gia Anglophone (Vùng văn hóa tiếng Anh, chỉ các quốc gia có đặc trưng văn hóa nào đó dựa trên một di sản ngôn ngữ, thường các quốc gia này từng là thuộc địa của Anh) sẽ luôn có một khoảng trống nếu những bài thơ, những bài bình luận hay câu chuyện về cuộc đời của ông vắng bóng trên các giá sách.
Lịch sử, địa lý hay nền văn chương Ả Rập là vô cùng đồ sộ, phức tạp và có một “chiều sâu xanh thẳm” như các nhà nghiên cứu luôn tò mò và háo hức khám phá. Ví dụ như các tác phẩm của nhà thơ cổ điển Imru' al-Qais (501-565). Ông là người thừa kế ngai vàng của bộ tộc Kindah, vốn đóng ở bán đảo Ả Rập, al-Qais chọn cuộc sống đi du lịch, uống rượu, chiến đấu - và làm thơ. Kiệt tác của ông là “Mu'allaqa”, một bài hát cổ (ode) được tôn kính đến nỗi nó được viết bằng vàng trên các tờ giấy và sau đó được treo trên các bức tường của Kaabah ở Mecca, ngôi đền được tôn kính nhất của đạo Hồi (Kaabah ở Mecca, địa điểm linh thiêng nhất của Hồi giáo, được trang trí bằng các dòng từ Kinh Qur'an: các bài kinh lịch sử của al-Qais cũng được treo trên các mặt của nó).
Các nhà thơ khác có thể có những tác phẩm nổi tiếng của riêng họ, nhưng al-Qais được nhiều người coi là xuất sắc hơn cả vì những ẩn dụ đáng kinh ngạc và những câu thơ tuyệt đẹp, thể hiện mong muốn của ông để trở thành một người tình, một nhà thông thái, một chiến binh và chủ nhân xứng đáng. Tác phẩm như vậy, mà ông đã hoàn thiện, đã tiếp tục ảnh hưởng sâu sắc đến việc viết lách của những thế hệ sau đó:
Chúc bạn hạnh phúc sáng nay, Dấu vết mòn!/ Tôi đã dành bao nhiêu ngày, bao nhiêu đêm/ với một người phụ nữ/ đẹp đẽ như bức tượng được phác thảo/ khuôn mặt nàng rạng rỡ khi quay phía bạn đời/ như ánh nến tỏa sáng dịu dàng/ ngực nàng như ngọn lửa/ hào phóng/ người đàn ông lạnh lẽo được thắp sáng trên sa mạc ban đêm/ trong gió đi lang thang trên những ngọn đồi/ phía Bắc, phía Nam, những chuyến ngựa đi vội vã/ Má hồng thiếu nữ đùa nghịch/ khiến tôi quên áo quần/ với những vòng tròn đụn cát tuổi thơ/ cảm giác mềm mại mượt mà như thế/ người yêu nàng muốn cởi đi tất cả/ nhẹ nhàng dựa vào anh và giữ lại/ xoay trong vòng eo thon chắc/ và hơi thở gấp gáp từ đôi môi đắm say.
Hay như bài thơ này, “Ì#á” (cuộc tranh luận) - một tuyệt phẩm của thế giới thơ Ả Rập của nhà thơ trẻ Adil Latefi (sinh 1983) - được coi như một hiện tượng thuộc thế hệ nhà thơ trẻ của đất nước Marốc. Anh đã giành được giải thưởng Guer#if đầu tiên cho nền thơ Zajal (Zajal là một thể loại thơ truyền miệng truyền thống được sử dụng bằng những phương ngữ Ả Rập thông tục, là một trong những thể loại thơ cổ điển của nền thơ ca Ả Rập):
Cuộc tranh luận đang tới/ giữa lửa và bướm đêm:/ đôi má ai ửng đỏ/ như ý tưởng gặp nhau/ nụ cười dường e thẹn/ kiệt tác một nụ hôn/ Cuộc tranh luận thăng hoa/ bướm đêm và ngọn lửa/ chẳng có gì hơn thế/ ngoài đôi mắt của em/ đôi mắt của thiên đường/ đôi mắt của vĩnh cửu.
Để làm được thơ bằng tiếng Ả Rập, trước hết, người viết cần phải có một thông điệp truyền tải, có nguồn cảm hứng và hơn hết phải có các kỹ thuật văn học để có thể sử dụng những công cụ này để viết nên những câu thơ Ả Rập. Thơ cổ điển Ả Rập cũng phải tuân theo các quy tắc, kỹ thuật văn học nhất định như âm tiết, nhịp thơ, giai điệu để có thể viết ra được những bài thơ tiếng Ả Rập chuẩn mực như thơ Đường luật cần phải tuân theo nguyên tắc của niêm, vần, đối, luật vậy.
Thơ ca của thế giới Ả Rập đến nay chưa thực sự được công bố và truyền tải một cách rộng rãi. Đối với thế giới, lịch sử, văn hóa, xã hội Ả Rập không những bí ẩn, huyền diệu mà còn rất hấp dẫn, đặc sắc và trong đó, thơ ca Ả Rập là một phần vô cùng quan trọng, không thể thiếu đối với đời sống xã hội nói chung của mọi người dân thuộc thế giới Ả Rập, cũng như thơ ca không thể thiếu trong mỗi một nền văn hóa bất kỳ nơi đâu trên thế giới này.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/tho-ca-cua-the-gioi-a-rap-i671560/