Thổ cẩm của người H'rê

Người H'rê cư trú nhiều nhất tại tỉnh Quảng Ngãi với khoảng 120.000 người (chiếm trên 90% tổng số người H'rê tại Việt Nam). Người H'rê có nghề dệt thổ cẩm độc đáo. Mới đây nghề dệt thổ cẩm của người H'rê ở làng Teng (xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Nghệ nhân ở làng Teng truyền nghề dệt thổ cẩm cho thế hệ trẻ.

Nghệ nhân ở làng Teng truyền nghề dệt thổ cẩm cho thế hệ trẻ.

Tại tỉnh Quảng Ngãi có nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống như: Đồng bào Cor, Ca Dong, H’rê… Trong đó, người H’rê còn lưu giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống và sản phẩm dệt thổ cẩm của người dân tộc H’rê được cộng đồng các dân tộc ưa chuộng.

Tuy nhiên, trải qua thời gian, hiện chỉ còn người H’rê sống ở làng Teng (xã Ba Thành, huyện Ba Tơ) là giữ được nghề truyền thống độc đáo này. Làng Teng có hơn 200 hộ, chủ yếu là người dân tộc H’rê. Bà con kể rằng, khi sinh ra đã thấy người mẹ bên khung dệt, miệt mài tuốt từng sợi vải để làm nên tấm khố, khăn choàng. Người con gái lớn lên lại được mẹ dạy cho cách se vải, nhuộm màu. Cứ như thế, từ đời này sang đời khác, dệt thổ cẩm trở thành nghề truyền thống.

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào H’rê đã tạo nên những sản phẩm phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày như may trang phục váy, áo cho phụ nữ; khố, áo cho đàn ông; khăn đội đầu, tấm đắp, tấm địu con, túi đựng đồ dùng và các sản phẩm khác làm từ thổ cẩm, là những sản phẩm cần thiết cho sinh hoạt của các gia đình, giữ được nét văn hóa truyền thống và mang lại giá trị kinh tế cho các hộ gia đình làm nghề dệt này.

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống còn thể hiện nét văn hóa truyền thống, trí thông minh, bàn tay khéo léo và kỹ thuật tinh xảo của người thợ dệt H’rê được lưu truyền từ lâu đời và được bảo tồn, phát triển. Sản phẩm thổ cẩm của người H’rê làng Teng không chỉ là hàng hóa thông thường, mà còn là sản phẩm tinh thần để người thợ dệt gửi gắm tài năng, khiếu thẩm mỹ, sự thông minh, sáng tạo, tinh thần lao động của mình. Nghề dệt và sản phẩm dệt truyền thống của người H’rê khẳng định sắc thái văn hóa truyền thống độc đáo của tộc người H’rê ở Quảng Ngãi, thể hiện qua cách tạo hình hoa văn trên sản phẩm dệt thổ cẩm và trang phục truyền thống của người H’rê.

Hoa văn trên đồ dệt thổ cẩm là họa tiết gắn liền với thiên nhiên, núi rừng, sông nước, cây cối, hoa lá và các hoa văn hình học cách điệu như những đường viền màu song song, hình tam giác cân hay các hình vuông được xếp cạnh nhau với màu sắc đen, đỏ, trắng làm chủ đạo. Điểm nổi bật ở những bộ trang phục của người H’rê là thường có 2 màu đen và đỏ. Người H’rê quan niệm, màu đen tượng trưng cho nước và đất là âm tính, nữ tính; còn màu đỏ là thế giới vô hình, tượng trưng cho thần linh, là dương tính, thuộc về nam giới.

Những năm gần đây, sự giao thoa văn hóa đã khiến người H’rê bắt đầu quen với kiểu ăn mặc mới, dần bỏ sắc phục truyền thống và ăn mặc như người miền xuôi. Vì thế, việc công nhận nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người H’rê làng Teng, xã Ba Thành là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia là cơ sở để bảo tồn và phát huy nghề này đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, cũng cần sự chung tay vào cuộc của các cấp, cành ngành ở địa phương để tập trung khôi phục các làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Vẫn biết, để dệt một tấm thổ cẩm, người H’rê phải mất tới 15 ngày, có khi lâu hơn tùy theo kích thước của tấm thổ cẩm trong khi đó giá trị về kinh tế không cao, tiền công còn thấp. Tuy nhiên, nếu không kịp thời, thì nguy cơ mai một đang hiện hữu. Mong sao, cùng với các biện pháp khuyến khích, động viên và hỗ trợ để phát triển nghề dệt thổ cẩm; đầu tư nghiên cứu các đề tài khoa học và dự án bảo tồn nghề dệt thổ cẩm; tổ chức dạy nghề cho các thiếu nữ H’rê trong làng và các địa phương trong và ngoài tỉnh; thì trong tương lai không xa, làng Teng trở thành điểm du lịch cộng đồng, để thu hút du khách gần xa…

Giá trị văn hóa truyền thống nghề dệt thổ cẩm của người H’rê thể hiện trên từng sản phẩm gắn liền với trí thông minh, bàn tay khéo léo và kỹ thuật tinh xảo của người thợ dệt, được lưu truyền từ lâu đời, bảo tồn và phát triển cho đến ngày nay.

Chí Sơn

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dan-toc/tho-cam-cua-nguoi-hre-tintuc450034