Thổ đến Mỹ đàm phán hoán đổi hợp đồng F-35

Phái đoàn quan chức quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ vừa đến Mỹ để tiếp tục đàm phán về thương vụ tiêm kích F-16 thay thế cho F-35 Mỹ không chuyển giao.

Tờ Daily Sabah dẫn tuyên bố của Bô Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ hôm 17/11 cho biết, cuộc gặp giữa phái đoàn quân sự nước này và Mỹ liên quan đến hợp đồng mua F-16 đã diễn ra tại Washington trong bầu không khí "tích cực và mang tính xây dựng".

Tại cuộc gặp, hai bên đã trao đổi quan điểm về các vấn đề quốc phòng và an ninh song phương cũng như khu vực, đồng thời nhất trí tổ chức cuộc gặp tiếp theo tại thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tiêm kích tàng hình F-35.

Tiêm kích tàng hình F-35.

Cuối tháng 10/2021, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết Mỹ đã đề xuất bán cho Ankara các máy bay tiêm kích F-16 sau khi Washington loại bỏ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình mua máy bay F-35 vì Ankara mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga.

Tuy nhiên, việc hoán đổi hợp đồng này đang vấp phải sự phải đối của loạt nghị sĩ từ lưỡng Đảng.

Trong một bức thư gửi Tổng thống Biden và Ngoại trưởng Antony Blinken, 11 nghị sĩ bày tỏ quan ngại sâu sắc về thông tin Thổ Nhĩ Kỳ có thể mua số lượng lớn F-16 thay cho F-35. Bức thư cho biết, Quốc hội sẽ chặn các hoạt động xuất khẩu vũ khí như vậy.

Nếu những cuộc đàm phán diễn ra thuận lợi và việc chuyển giao F-16 được thực hiện, rất có thể, Mỹ sẽ chuyển giao cho Thổ Nhĩ Kỳ những chiếc F-16 được tích hợp những công nghệ mới thay cho tiêm kích tàng hình F-35 như hợp đồng 2 nước ký kết trước đó.

Nhìn bên ngoài, đây có thể là thiệt thòi của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên khi nhìn vào trang bị của những chiếc F-16 mới và khả năng của F-35, giới chuyên gia cho rằng, việc nhận F-16 thay vì F-35 có thể còn là may mắn với Ankara.

Dù hầu hết thông tin về những chiếc F-16 Thổ có thể nhận được vẫn được bảo mật nhưng theo Daily Sabah, chắc chắn rằng chúng sẽ được trang bị hệ thống radar quét mảng pha điện tử chủ động APG-83.

Loại radar này có khả năng phát/thu các sóng vô tuyến riêng biệt từ những module giao thoa trên ăng ten. Đặc biệt, APG-83 hiện được trang bị cho tiêm kích tàng hình F-35. Những chùm tia phát đi không hoạt động ở một tần số cố định nào nên rất khó phát hiện.

Đây là một trong những tính năng quan trọng để áp dụng trên máy bay tàng hình. Nhờ các phần tử thu/phát độc lập trên ăng ten nên radar APG-83 có độ chính xác rất cao trong phát hiện và bám bắt mục tiêu.

Radar APG-83 phát hiện được mục tiêu có diện tích phản hồi radar (RCS) rất nhỏ. Ngoài ra, nó còn có thể tập trung nguồn phát làm quá tải các hệ thống trinh sát điện từ của đối phương.

Như vậy, xét về trang bị radar, F-16 đã ngang bằng với tiêm kích thế hệ 5 F-35, trong khi khả năng cơ động và không chiến tiêm kích thế hệ 4 F-16 lại được đánh giá nhỉnh hơn.

Về khả năng mang vũ khí, F-16 tương đương với phiên bản thông thường F-35A. Thế mạnh duy nhất của F-35 trước F-16 được giới chuyên gia chỉ ra đó là khả năng tàng hình nhưng F-35 tàng hình không đủ mạnh.

Một lợi thế nữa với Thổ nếu nhận F-16 thay vì F-35 là Ankara sẽ nhận được nhiều chiến đấu cơ hơn. Trong khi F-35 có giá trung bình gần 100 triệu USD/chiếc thì phiên bản mạnh nhất của F-16 được xác định chỉ có chi phí bằng khoảng 1/2 số đó.

Đây được cho là nguyên nhân khiến Thổ nhiều lần thúc giục Mỹ đẩy nhanh việc chuyển giao F-16 ngay sau khi Mỹ đưa ra phương ándùng tiêm kích nàythay cho F-35.

Theo Thảo Nguyên/Báo Đất Việt

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/tho-den-my-dam-phan-hoan-doi-hop-dong-f-35/20211127091535802