Thơ Lê Văn Hy - Hương thơm sắc thắm

Lê Văn Hy không say sưa trong 'tháp ngà', không mượn hơi thở của người nổi tiếng. Anh vào thẳng nhà máy, đến công trường, ra đồng ruộng, xốc tới mặt trận Tây Nguyên nóng bỏng, các trận đánh còn khét mùi thuốc súng. Anh đã cùng chung nhịp đập con tim với những xã viên hợp tác xã nông nghiệp, với những cán bộ, chiến sĩ đang hàng ngày giáp mặt với kẻ thù.

Đồng môn Lê Văn Hy (Nickname Hy Le) có thơ về người cha vô cùng kính yêu của mình:

Thông minh kinh sử thuộc làu làu

Bố vẫn điền viên cày ruộng sâu

Dạy học bốn mùa không biết mỏi

Cấy cày hai vụ có quên đâu

Những mong để đức cho con cháu

Chỉ muốn làm ơn với bạn bầu

Bố dạy một câu thành lẽ sống

Kiệm - Cần hai chữ phúc bền lâu (Nghĩ về bố)

Nhà thơ Viên Mai ở Trung Quốc có hai câu thơ được người đời bàn và tranh cãi nhiều vì đã hạ thấp giá trị văn chương nói riêng và người làm nghề cầm bút nói chung

Mỗi phạn bất vong duy trúc bạch

Lập thân tối thị hạ văn chương.

Dịch là:

Mỗi bữa ăn không quên đến ghi thẻ trúc

Lập thân nhỏ bé nhất là làm văn chương

Không theo lối mòn suy nghĩ như Viên Mai, phụ thân Lê Văn Hy là cụ Lê Văn Đắng, một túc nho làng Lê Xá, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định không chỉ dạy chữ thánh hiền cho Hy Lê từ thời còn để chỏm tóc trên đầu, rồi dần dà dẫn con mon men đến với thơ phú:

Nuôi con khôn lớn mới nuôi thơ

Vất vả bao nhiêu cũng chẳng vừa

Cần áo cần cơm cần trí thức

Chọn vần, chọn tứ, chọn thời cơ

Thơ hay lọ phải lời bay bổng

Con hiếu chi bằng nối chí cha

Lập đức lập công đều đáng quý

Lập ngôn bậc nhất ấy là thơ (Nuôi con - nuôi thơ )

Không rõ tơ duyên sao mà tôi với Lê Văn Hy có lắm “cái đồng” đến thế. Trước hết là đồng môn khóa 7 Khoa Văn đại học Tổng hợp Hà Nội, đồng tổ học Trung văn và văn học Trung Quốc; rồi đồng môn khóa 6 phóng viên. Tốt nghiệp ra trường, hai chúng tôi cùng về làm việc tại Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam). Tôi là phóng viên thường trú tại Nghệ An, những năm máy bay Mỹ đánh phá rất ác liệt khúc ruột miền Trung, tiếp đó đi chiến trường C. Hy Lê làm phóng viên thường trú tại Hà Tây, quê hương “chiếc gậy Trường Sơn”, rồi đi chiến trường B. Còn có cái đồng nữa mà ít ai có, đó là đồng sàng. Chả là ký túc xá của Khoa văn đại học Tổng hợp bấy giờ ở cạnh chùa Láng. Hai chúng tôi nằm một giường tầng.Tôi nằm dưới, Hy Lê nằm trên. Thi thoảng Hy Lê xoay người, ngó đầu xuống trao đổi với tôi về những điều còn chưa tường tận khi các giáo sư giao giảng trên thánh đường. Không rõ đã có nhà bảo tàng nào sưu tầm giường gỗ mộc thô, hai tầng đưa vào trưng bày để các thế hệ mai sau nhớ lại đã có một thời cha, anh họ nằm giường tầng, nhai bo bo, “nắp hầm” sái quai hàm cái thời khốn khó, thế mà nhiều người đã trở thành nhà khoa học, giáo sư, tiến sĩ, nhà báo, nhà văn danh tiếng.

Một chiều chủ nhật Hy Lê đi dạo phố phường Hà Nội về, bực trong người không ngủ được. Anh ngó đầu xuống xả “cục tức” với tôi: Mình đi quanh Bờ Hồ “người xe như nước, áo quần như nêm”. Đến đầu đường Hàng Khay, mình giơ tay trái xin đường rẽ sang phố Tràng Tiền làm que kem cho mát ruột. Ai ngờ lúc đó có một o ở Nghệ An lần đầu tiên ra thăm Hà Nội đi sau. O này mắng mình xơi xơi: “Này! Ban ngày ban mặt, mi định mần cái trò đồi bại ấy với tui à? Tui là tui đập cho bể trốc đấy”. Mình ngớ người, hỏi lại: “Sao chị lại cáu gắt với tôi?” Người đứng gần, dịch: “Chị này mắng anh định “ấy” chị ấy”. Có oan Thị Mầu không chứ. Xấu hổ quá!

Nhắc lại chuyện này để thấy đồng môn của tôi rất hiền, kiệm lời trong các giao tiếp từ cái thời sinh viên. Hiền khô, ít nói nhưng anh có sự quan sát tinh tế những hiện tượng trong xã hội, có cảm nhận sâu sắc về thiên nhiên, tính khí của mỗi người trước tác động của hoàn cảnh. Làm phóng viên ở nhiều tỉnh miền Bắc, anh còn vinh dự được biệt phái vào vào Nam làm phóng viên chiến trường nhiều năm. Đây là những “ chuyến đi thực tế” không mấy người cầm bút thời nay có được. Sau khi hoàn thành trách nhiệm công dân của một phóng viên Hãng thông tấn quốc gia, có thời gian và vốn Hán văn do cha dạy cho và có phông kiến thức về nhiều lĩnh vực, Lê Văn Hy không thể không viết văn, làm thơ.

Năm đầu tiên anh viết hồi ký “Nỗi niềm gửi bạn”. Tiếp đó anh làm cuộc khảo cứu “Tìm hiểu thuyết ngũ hành và Bát quái trong Kinh dịch”, xuất bản năm 2004. Năm sau anh dịch từ Hán văn và cho xuất bản “ Chu Công giải mộng toàn thư”. Năm 2006, xuất bản hồi ký “Thời trai trẻ”. Anh cho in tập thơ đầu tiên “Trường Sơn và miền quê” (năm 2011). Năm sau cho in tiếp tập thơ “ Một thoáng Đường thi”. Bẵng đi mười năm, xuất bản tập thơ tứ tuyệt “Khoảng cách”.

Phải thừa nhận sức viết của anh đều và khỏe. Không như ai đó ngày nay ngồi trong phòng mát, nhấm nhi từng giọt cà phê, mượn ý, mượn câu chữ người khác để viết văn, làm thơ. Lê Văn Hy không say sưa trong “tháp ngà”, không mượn hơi thở của người nổi tiếng. Anh vào thẳng nhà máy, đến công trường, ra đồng ruộng, xốc tới mặt trận Tây Nguyên nóng bỏng, các trận đánh còn khét mùi thuốc súng. Anh đã cùng chung nhịp đập con tim với những xã viên hợp tác xã nông nghiệp, với những cán bộ, chiến sĩ đang hàng ngày giáp mặt với kẻ thù.

Lê Văn Hy gửi tặng tôi các tác phẩm đã xuất bản, kể cả nhiều bài viết của anh đăng trên báo và tạp chí. Có điều kiện đọc, suy ngẫm những tác phẩm văn xuôi của anh, cũng nhiều thú vị, bổ ích. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi muốn chia sẻ cảm nhận sau khi đọc hai tập thơ đậm hương sắc “Thơ Lê Văn Hy”.

“Một thoáng Đường thi” do Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2012, có 104 bài, hầu hết là thơ “ thất ngôn bát cú” (mỗi bài có tám câu, mỗi câu có bảy từ). Còn có thơ Tứ tuyệt (mỗi bài bốn câu; mỗi câu có bảy từ). Thơ Đường luật có từ thời nhà Đường bên Trung Quốc, chặt chẽ từng phần, từng vế, từng câu và toàn bài về luật và âm sắc “bằng bằng, trắc trắc”. Tại Việt Nam, nhiều nhà thơ nổi tiếng như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Tú Xương, Nguyễn Khuyến…đã sử dụng thể thơ Đường luật, viết nhiều bài hay. Trong thực tế, ít người theo đúng hoàn toàn công thức, vần luật thơ Đường, sinh ra lệ “ bất luận”. Trong quá trình sử dụng thơ Đường luật một số cụ nhà ta còn dân tộc hóa thể thơ bác học này cho gần với người đọc.

Có người hỏi làm thơ Đường luật có khó không? Đối với tôi là quá khó. Vì quá khó nên ngày nay ít người mon men tới thơ Đường luật. Họ viết theo thể thơ mới, thơ tự do cho nhanh. Ấy vậy mà đồng môn của tôi dám xông vào Đường luật:

Rất chân thật chia ba phần to nhỏ Tôi dành riêng thơ Đường luật phần nhiều Một chút tâm tình gửi vào lục bát Còn tự do thì mới ngỏ lời yêu. (Lòng yêu thơ)

Đúng là Hy Lê mới ngỏ lời với thơ tự do, nhưng nàng này đỏng đảnh, nên chưa có sự xe duyên. Không rõ các bạn thế nào, chứ thú thực tôi chưa đọc bài thơ tự do nào của anh.

Được biết anh còn làm Chủ nhiệm Chi hội thơ Đường huyện Mỹ Lộc tỉnh nhà nữa đấy. Nghe nói mới đây, Chủ nhiệm Chi hội này còn tổ chức họp tổng kết công tác năm 2021 và bàn chương trình hoạt động năm 2022. Trong cái ồn ã của cuộc sống và văn chương ngày nay, anh và các thi hữu còn đam mê Đường thi, không để dòng thơ bác học này thất truyền, quý hóa quá. Rất cảm ơn anh và Chi hội thơ Đường huyện Mỹ Lộc.

Trong “Một thoáng Đường thi” tác giả muốn chia sẻ với bạn đọc cảm xúc đẹp về quê hương Lê Xá nói riêng về Thiên Trường Nam Định nói chung, trong đó có nhiều bài ca ngợi công cao đức dày của Bác Hồ, của Đảng, Nhà nước; ca ngợi các đồng chí lãnh đạo: Trường Chính, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ; cùng những nhà văn hóa lớn:

Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Vũ Khiêu…

Kháng chiến mười năm đánh giặc Minh

Công đầu muôn thuở mãi tôn vinh

“Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo”

Nguyễn Trãi lòng trung sáng

Đẩu tinh Kế sách bình Ngô yên xã tắc

Quốc âm thi tập đẫm ân tình

Tài kiêm văn - võ - nhà thơ lớn

Văn hóa danh nhân thế giới bình ( Nguyễn Trãi )

Đây là một trong nhiều bài thơ Đường hay. Tác giả ca ngợi Tâm - Tài - Đức của danh nhân Nguyễn Trãi có tình, đủ ý. Về luật, từ cuối của câu đầu và từ cuối của câu thứ hai là thanh bằng (b); thì từ cuối của các câu tiếp theo là trắc (t )-b-t-b-t-b. Tác giả chọn vần “ inh”, nhất quán trong các câu 2,4,6,8 . Nhiều người mon men làm thơ Đường lắc đầu về độ khó của dòng thơ này. Làm hoàn chỉnh bài thơ Đường luật hay, được các thi hữu tán thưởng không dễ chút nào.

Hy Lê có thơ nói về mình, về đồng đội, nôn nao nhớ các đồng nghiệp Thông tấn, nhớ các bạn Thanh niên xung phong phá đá mở đường cho xe ra tiền tuyến và nhớ các thi hữu ở Hành Thiện. Lê Văn Hy có hai bài tự vịnh. Bài một tác giả sơ kết về mình vào năm bảy mươi tuổi. Trong Nam ngoài Bắc đến cả rồi. “Nho - Y- Lý - Số xem đủ hiểu”. “Ăn mặc xuyềnh xoàng không chải chuốt/ Việc làm chăm chỉ chẳng rong chơi...”

Tự vịnh bài hai bạn tôi sơ kết về nghiệp làm thơ, viết văn:

Tóc bạc rồi ư tuổi bảy mươi? Vẫn xanh cây bút vẫn yêu đời Trong Nam ngoài Bắc thời công tác Lui báo, liều thơ, lúc nghỉ ngơi Sách đã in chừng năm, sáu cuốn Thơ đăng báo độ mấy mươi bài Ơn trời sống khỏe nhiều năm nữa Viết sách làm thơ cũng rất vui

“Lui báo, liều thơ, lúc nghỉ ngơi”, nói khiêm nhường vậy thôi. Từ khi ra trường bước vào nghề thông tấn, đến khi nghỉ hưu năm 2000 và cho đến nay, đồng môn Lê Văn Hy chưa bao giờ nghỉ ngơi. Thơ với anh là hơi thở, là nhịp đập trái tim, không ngừng nghỉ.

Trong “Một thoáng Đường thi”, dòng thơ chủ đạo là thất ngôn bát cú”, còn có mươi bài dòng thơ “ tứ tuyệt”, tác giả làm chủ về ngôn ngữ, cấu tứ. Bài thơ gọn bốn câu, tạo cảm xúc đẹp, tri ân Hoàng đế Quang Trung:

Xứ Huế reo vui, cả nước mừng Cố đô vừa dựng tượng Quang Trung Uy nghi chân mệnh ngôi Hoàng đế Đại phá quân Thanh tiếng lẫy lừng

Ghi nhớ sự kiện 40 năm đưa người lên mặt trăng, nhà thơ Hy Lê muốn “ Hỏi chị Hằng”:

E ấp kiêu sa mấy chị Hằng Thế mà cam chịu “ Gấu ăn trăng” Bốn mươi năm trước phòng the kín Người đến đây rồi ai nhơ chăng?

Trái với “Một thoáng Đường thi”, thi phẩm “Khoảng cách” Hy Lê gọi là thơ tứ tuyệt. Tứ tuyệt trong “Khoảng cách” cũng mỗi bài có bốn câu. Nhưng mỗi câu, có bài năm từ (Tấm lòng cây bưởi, Khoảng cách, Cũ và mới ), có bài bảy từ ( Mong ngóng rằm,Thông tấn xã Việt Nam, Bãi tắm Thịnh Long), có bài tận tám từ (Cá tự trách mình). Mượt mà hơn cả vẫn là những bài thơ lục bát:

Tuổi thơ vay mượn những gì Mai sau khôn lớn muốn thì trả ngay Chỉ riêng sữa mẹ chữ thầy Công cha hơn nước khó ngày trả xong. (Vay trả)

Hay bài “Thấy” :

Đến gần không thấy núi cao Xa “năm ánh sáng” thấy sao trên trời

Gần thì lại thấy thường thôi Khi xa mới thấy bồi hồi nhớ thương

Trong “ Khoảng cách” có nhiều bài ca ngợi những địa danh đẹp của đất nước, như Thăng Long Hà Nội, Đền Hùng, Đà Lạt, Chùa keo, Hành Thiện, Xuân Hồng, Thịnh Long...

Nổi bật hơn cả vẫn là những tứ thơ đẹp, tinh tế, chan chứa cảm xúc của nhà thơ từng chung hơi thở và nhịp đập trái tim với cán bộ, chiến sĩ trên chiến trường :

Gọi là cọc chẳng phàn nàn

Đóng vai phu cũng không than, chẳng phiền

Cốt sao bộ đội nghỉ yên

Nước không ướt võng những đêm mưa rừng. (Cọc phụ)

Bộ đội hành quân ra mặt trận nhiều phen phải ngủ rừng. Dân địa phương đi qua gọi nơi đông người trú quân là “Bãi khách”:

Bãi là bãi mía, bãi lau Bãi khoai, bãi sắn, bãi rau, bãi bằng Hỏi đâu bãi khách, thưa rằng Nơi bộ đội nghỉ trên rừng Trường Sơn

Bộ đội truy đuổi giặc nhiều ngày. Lắm khi khâu hậu cần chạy theo không kịp. Bộ đội ta phải ăn rau rừng, có loại như rau cần trồng:

Rau cần nấu hến lẽ thường

Rau cần rừng thấy bên đường hành quân

Rừng che bộ đội bao lần

Ta cần rừng chứ, rau cần rừng ư ? (Rau cần rừng)

Thơ của Lê Văn Hy không có sự tùy tiện, ngẫu hứng trong câu chữ. Hầu như bài nào cũng tự nhiên, trong trẻo như nước suối đầu nguồn. Bởi thế thơ bạn tôi được nhiều người tìm đọc và bình phẩm. Tuy chưa được như Thế hệ Vàng thơ nước nhà, nhưng trong trang lứa đương đại, thơ Hy Lê đang vươn tới đỉnh cao.

Thế Nghiệp

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/tho-le-van-hy-huong-thom-sac-tham-a15769.html