Thơ mừng tuổi phong cách Trần Vàng Sao

Thơ Trần Vàng Sao chắt lọc từ bất hạnh, đau thương mà nhiều khi những đau thương đó khiến lời thơ ông dữ tợn, dữ tợn nhưng không hằn học. Thơ ông cũng như con người ông, có vẻ ngoài xù xì nhưng ẩn chứa một trái tim độ lượng.

1.

Bài thơ của một người yêu nước mình điểm một dấu son trong sự nghiệp thơ ca của thi sĩ Trần Vàng Sao, một đời thơ truân chuyên, lận đận. Nhưng nếu không có những bi kịch đó, hẳn sẽ không có những câu thơ đoạn trường:

có một đồng để mua cho con nửa cái bánh tráng hay hai cái kẹo gừng
có hai đồng cất dưới chân đèn trên bàn thờ lỡ khi hết dầu thắp tới bữa thiếu ruốc hết bột ngọt
mả cha cuộc đời quá vô hậu
cơm không có mà ăn
ngó lui ngó tới không biết thù ai
những thằng có thịt ăn thì chẳng bao giờ ỉa vất
(Người đàn ông bốn mươi ba tuổi nói về mình)

Những câu thơ đứt ruột trên được ông làm năm 43 tuổi, 43 mà như đã già, đã từ bỏ, đã nếm đủ và quá đắng cay để nếm tiếp vị cuộc đời.

Sinh năm 1941, nếu chưa tạ thế, mùa xuân năm nay ông sẽ bước vào tuổi bát thập. Trong cuộc đời dài vắt qua hai cuộc chiến tranh và vắt sang hai thế kỷ, Trần Vàng Sao cũng giống như nhiều người thuộc thế hệ ông, đã nếm trải cái bi kịch chung của đất nước và ẩn trong bi kịch chung đó là những bi kịch riêng tư, những số phận không thể cất lên thành tiếng.

Nếu có điều gì khiến thơ ca Trần Vàng Sao còn ở lại lâu với cuộc đời thì chính là sự thành thật, thành thật với mọi người và quan trọng hơn, thành thật với bản thân mình.

Chân dung Trần Vàng Sao (2011). Ảnh: Phanxipăng

Chân dung Trần Vàng Sao (2011). Ảnh: Phanxipăng

Trong thơ Trần Vàng Sao thiếu vắng những ước lệ, những ẩn dụ, nó là thứ thơ bộc bạch, tâm tình và nhiều khi là độc thoại, nói với chính mình trong những tháng ngày cô đơn. Không ít bài thơ ông làm để vẽ chân dung chính mình. Nếu Bài thơ của một người yêu nước mình là chân dung một người yêu nước, đau đớn trước cảnh nồi da xáo thịt của đất nước, cũng như thể hiện nguyện ước hòa bình thì Người đàn ông bốn mươi ba tuổi nói về mình là chân dung một con người thất bại, cùng quẫn và tuyệt vọng. Nhưng dù hy vọng hay tuyệt vọng, điều đáng quý ở nhà thơ Trần Vàng Sao chính là sự thành thật, bước vào thi giới của Trần Vàng Sao là bước vào một ngôi nhà trống, ở đó chỉ có một người đàn ông ngồi thu lu trên nền đất, không biết khóc hay cười.

Tuyển thơ mới vừa được phát hành năm 2020 của Trần Vàng Sao, Bài thơ của một người yêu nước mình do Nhã Nam và NXB. Hội Nhà Văn thực hiện, cho ta cái nhìn thuần nhất cũng như nghe ra âm hưởng chủ đạo trong sự nghiệp thơ ca Trần Vàng Sao. Bên cạnh những bài thơ từ lâu đã được lưu truyền, có những bài thơ công chúng ít biết đến, được gia đình lưu giữ. Ở đó, ấn tượng nhất có lẽ là những bài thơ mừng tuổi viết vào những ngày đầu năm mới, dàn trải qua nhiều năm.

2.

mừng tuổi mẹ nạm bông thọ và thả hương tạ ơn cây vú sữa
mừng tuổi em đầu năm đổ con nhứt lục ra mặt tứ
mừng tuổi con cái lung tung mưa ướt mặt giấy xìu
mừng tuổi tôi bốn mươi tuổi không có điều nghi ngờ

Bài thơ được làm ngày 16.2.1980, nhằm ngày mùng Một tháng Giêng năm Canh Thân, khi ấy theo tuổi ta, nhà thơ bước vào độ tứ tuần, độ tuổi chín chắn và tính cách để thôi mơ tưởng viển vông.

Trước đó, trong những ngày cuối cùng của mùa đông, ở tuổi 36, ông viết:

cuộc sống thường khi vất vả
hằng ngày chạy ăn
gạo bỏ bị đếm từng nửa lon
ngủ nửa giấc nói mớ điều dại dột
được ăn thịt luộc và rau chiên có mỡ
12.12.1977

Đó là những năm đầu sau ngày thống nhất, văn chương vẫn bị chi phối bởi tiếng chiêng trống ồn ào của bản hùng ca. Có khó khăn đấy, nhưng người ta lờ đi, người ta chỉ nói về tương lai, dù không ai rõ cái “tương lai” đó mang hình thù gì. Giữa những điều đó, bài thơ này của Trần Vàng Sao thành lạc lõng khi nói về một thực tại khó khăn, không những chẳng có một anh hùng hay một người lao động mà chỉ có một con người bần cùng, dưới đáy, đến mức “được ăn thịt luộc và rau chiên có mỡ” trở thành một mơ ước, một mơ ước giản dị mà khó thành.

Nhưng rồi sang đến bài thơ mừng tuổi năm Canh Thân, Trần Vàng Sao dường như tìm lại chút thanh bình hiếm hoi, “không có điều nghi ngờ” với giọng chúc thật sự, một tấm lòng hòa ái thiết tha mà độc giả từng thấy trong Bài thơ của một người yêu nước mình làm từ năm 1967:

buổi sáng tôi mặc áo đi giày
ra đứng ngoài đường
gió thổi những bông nứa trắng bên sông
mùi toóc khô còn thơm lúa mùa qua
bầy chim sẻ đậu trước sân nhà
những đứa trẻ đứng nhìn ngấp nghé
tôi yêu đất nước này như thế
mỗi buổi mai
bầy chim sẻ ngoài sân
gió mát và trong
đường đi đầy cỏ may và muộng chuộng
tôi vẫn sống
vẫn ăn
vẫn thở
như mọi người

Kể từ hồi đó, “như mọi người” đã trở thành ao ước của Trần Vàng Sao, một điều mà sau này trở lại trong các bài thơ khác của ông. Bài thơ danh tiếng này cũng được làm vào dịp cuối năm (19.12.1967), một buổi sáng tháng 12, chuẩn bị bước sang năm mới, một buổi sáng yên bình trên đất nước đang bị chiến tranh chia cắt.

3.

Tết là dịp ôn cố tri tân, người ta thường mừng tuổi bằng phong bao đỏ, bằng cái xoa đầu, bằng lời mừng tuổi với những lời tốt đẹp. Tết còn là thời khắc của bắt đầu, bỏ lại những điều không may của năm cũ để đón chờ những điều mới.

Nhưng nhà thơ Trần Vàng Sao lại có cách mừng tuổi khác biệt. Trong bài thơ Tôi mừng tuổi tôi năm Mậu Thìn 1988, ông chúc:

tôi chúc mừng tôi bốn mươi tám tuổi
anh em bạn bè tôi tử tế
hiền lành và giàu có
tôi chúc mừng tôi sang năm mươi tuổi
được sống yên ổn không ai dòm ngó
dù trước đó ông viết mấy câu chua xót:
tôi chúc mừng tôi bốn mươi tám tuổi
nuốt miếng cơm không còn mắc nghẹn

Đọc thơ Trần Vàng Sao, tưởng chừng nghe một “điệp khúc cơn đói”. Cái nghèo và cái đói ám ảnh dai dẳng trong thơ ông, đưa ông vào hàng của ông Tú Xương, ông Nguyễn Bính, của những người “lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang” (thơ Thế Lữ), không còn tha thiết với năm mới, với đoàn viên, với khởi đầu.

Một trong số tranh Bồ Đề Đạt Ma của Trần Vàng Sao.

Một trong số tranh Bồ Đề Đạt Ma của Trần Vàng Sao.

Nhưng đừng vì thế mà vội đánh giá thơ Trần Vàng Sao đã đến chỗ bế tắc. Cả trong những vần thơ u ám nhất vẫn thể hiện một nhà thơ không chịu im lặng, không buông xuôi. Vì còn nhắc đến là hãy còn quan tâm, hy vọng. Sự nghịch dị này khiến cho những bài thơ mừng tuổi của Trần Vàng Sao trở nên độc đáo. Trong khi ông vẫn viết về sự nghèo đói, chiến tranh, cái chết, ông cũng lần hồi muốn bôi xóa những điều đó. Ông không chỉ có tiếng than, ông còn có lời nguyện cầu. Như trong bài thơ viết năm Kỷ Mùi 1979, chỉ ít năm sau ngày thống nhất có tên Mừng tuổi con:

mừng tuổi con chiến tranh hiện tại
như con bù nhìn ngoài ruộng bẩn
mừng tuổi con cái súng nhựa
không giết được ai
hay:
mừng tuổi con trong chén cơm
có miếng thịt to bằng hai lóng tay
người lớn

Thơ Trần Vàng Sao chắt lọc từ bất hạnh, đau thương mà nhiều khi những đau thương đó khiến lời thơ ông dữ tợn, dữ tợn nhưng không hằn học. Những năm cuối đời ông thích vẽ Bồ Đề Đạt Ma, vị tổ sư có khuôn mặt bặm trợn nhưng ẩn chứa trái tim bồ tát. Thơ Trần Vàng Sao cũng như con người ông, có vẻ ngoài xù xì nhưng ẩn chứa một trái tim độ lượng, vô úy của tinh thần nhà Phật, như câu thơ mừng tuổi năm Kỷ Mùi:

mừng tuổi con đứa bé và con gà
trong bức tranh đại cát
mừng tuổi con cái lỗ rún
ông Phật Di Lạc
sáng mồng Một Tết.

Nhà thơ Trần Vàng Sao (1941-2018) tên thật là Nguyễn Đính, quê quán ở thôn Vỹ Dạ, thành phố Huế. Từ năm 1965 ông lên chiến khu, công tác tại cơ quan thanh niên, sau đó là Ban Tuyên huấn Thành ủy Huế. Tại đây ông viết báo và làm thơ. Năm 1970, ông ra Bắc an dưỡng.

Sau ngày thống nhất (1975), Trần Vàng Sao trở về quê, công tác tại Phòng Văn hóa thành phố Huế, sau đó làm giao liên của xã Hương Lưu (nay là phường Vỹ Dạ) cho đến khi nghỉ hưu năm 1984.

Bài thơ của một người yêu nước mình (1967) của ông được chọn là một trong 100 bài thơ xuất sắc nhất Việt Nam thế kỷ XX.

Huỳnh Trọng Khang

* Bài viết đã đăng trên Giai phẩm Người Đô Thị Tết 2021

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/tho-mung-tuoi-phong-cach-tran-vang-sao-27441.html