Thổ Nhĩ Kỳ có thể chuyển bí mật S-400 mà nước này đang sở hữu cho phía Ukraine. Nếu có trong tay thông số chi tiết liên quan tới hệ thống phòng thủ tối tân này sẽ giúp Kiev rất nhiều trong trường hợp xung đột nổ ra.
Nga đang triển khai rất nhiều tổ hợp phòng không S-400 tại các khu vực biên giới tiếp giáp với vùng Donbass đang được ly khai Ukraine kiểm soát.
Trang tin Avia.Pro của Nga cho rằng, trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng hỗ trợ Lực lượng vũ trang Ukraine thực hiện các kế hoạch đánh chiếm Donbass và Crimea, có nguy cơ Ankara sẽ chuyển dữ liệu bí mật về hoạt động tổ hợp phòng không S-400 Triumph do Nga sản xuất mà nước này đang sở hữu.
Các chuyên gia của trang Avia của Nga cho rằng, trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ đang cung cấp số lượng máy bay không người lái tấn công UAV Bayraktar TB2 và chúng đang tác chiến hiệu quả ở Donbass.
Nhưng việc sử dụng các UAV Bayraktar TB2 tại Donbass gặp phải sự phản đối của Nga, Moscow cho rằng Kiev đang sử dụng chúng để gây căng thẳng và phá vỡ thỏa thuận hòa bình Minsk. Nga cũng để ngỏ khả năng can thiệp nếu Ukraine dùng biện phá mạnh để hủy diệt dân quân miền Đông.
Cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã có nhiều thời gian để tìm ra các biện pháp đối phó điện tử đối với các hệ thống tên lửa phòng không S-400 mà nước này mua từ Nga trước đó.
Các chuyên gia của trang Avia cho rằng, không loại trừ Ankara đang tìm cách để quảng bá khả năng UAV Bayraktar TB2 của họ chế tạo có thể dễ dàng vượt qua hệ thống S-400, điều này nhằm mục đích quảng bá cho hoạt động xuất khẩu.
Đáng chú ý là hiện nay chỉ có hệ thống tên lửa phòng không S-400 có thể phát hiện máy bay không người lái UAV Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ ở tầm xa. Điều này đã được chứng minh bởi quân đội Nga.
Cũng đang có thông tin cho rằng, Ankara đã tìm cách "qua mặt" Nga để cung cấp thêm số lượng UAV Bayraktar TB2 cho Ukraine.
Trước đó Thổ Nhĩ Kỳ cũng bỏ ngoài tai những phản đối và đe dọa của Mỹ để quyết định trang bị hệ thống phòng không S-400 Nga.
S-400 là hệ thống đánh chặn hàng đầu của Nga trước khi S-500 vào biên chế, loại tên lửa này được Mỹ quan tâm đặc biệt và thường tìm cách ngăn cản các thương vụ giao dịch liên quan tới chúng.
Hệ thống này do Phòng Thiết kế, Tập đoàn Almaz-Antey, Nga, phát triển, là phiên bản cải tiến với nhiều tính năng mạnh mẽ hơn loạt hệ thống tên lửa đất đối không S-300.
S-400 được biên chế từ tháng 4/2007 và lần đầu triển khai trên thực địa 4 tháng sau đó. Nga đã thiết lập 4 trung đoàn S-400 thực hiện nhiệm vụ bảo vệ không phận quốc gia tại Moscow, vùng Kaliningrad, quận quân sự phía Đông và mới nhất là tại bán đảo Crimea.
S-400 cũng lần đầu tiên được Nga triển khai sang Syria để bảo vệ các căn cứ nước này tại đây, đồng thời Moscow cũng cho biết, chúng cũng sẽ góp phần bảo vệ đồng minh Syria.
Hệ thống có thể tiêu diệt tất cả các vật thể xuất hiện trên không, bao gồm máy bay, phương tiện bay không người lái (UAV) hay tên lửa đạn đạo, ở độ cao 50 km và tốc độ tối đa của mục tiêu lên đến 4.800 m/giây.
S-400 có khả năng theo dõi 300 mục tiêu và cùng lúc bắn hạ 36 mục tiêu trong đó. Đặc biệt, S-400 đủ sức hạ gục những tên lửa chiến lược có tầm bắn tới 3.500 km, gấp gần 4 lần hệ thống Patriot của Mỹ.
Gọi là hệ thống tên lửa tầm cao nhưng thực chất S-400 là một tổ hợp tên lửa đa tầm. Nó có thể hạ mục tiêu như chiến đấu cơ ở độ cao 27 km hoặc các mục tiêu tầm thấp, cách mặt đất chỉ từ 5 - 10 m. Đây là đặc điểm mà không hệ thống tên lửa phòng không cùng thời của bất kỳ quốc gia nào làm được.
S-400 được tích hợp radar đa chức năng chống nhiễu, hệ thống phát hiện và ngắm bắn tự động, tên lửa phòng không, bệ phóng và trung tâm chỉ huy - điều khiển. Nó có thể khai hỏa 5 loại tên lửa để tạo nên cơ chế phòng thủ phân lớp.
Cơ cấu chuẩn của một hệ thống S-400 gồm tổ hợp điều khiển 30K6E, trong đó có đài chỉ huy 55K6E với những thiết bị hiện đại như máy tính số, phương tiện truyền dữ liệu, hệ thống trắc địa…, 6 tiểu đoàn tên lửa phòng không và tổ hợp kỹ thuật 30S6E.
Tất cả được bố trí trên các xe bánh lốp nên di chuyển tương đối dễ dàng và tính cơ động cao. Đồng thời, chúng còn có hệ thống cung cấp điện, thông tin liên lạc, định hướng và bảo đảm sinh hoạt độc lập.
Toàn bộ hoạt động tác chiến đều được tự động hóa, từ phát lệnh đến phương tiện chiến đấu, điều khiển radar, tiếp nhận và xử lý thông tin từ sở chỉ huy cấp trên và các đài lân cận, đến xác định cự ly và mục tiêu cần tiêu diệt.
Nhằm tăng khả năng tác chiến trong bán kính 100 km và địa hình chia cắt, S-400 được trang bị cả các máy tiếp phát truyền dữ liệu và liên lạc cùng tháp 40V6MR để nâng cao dàn ăng ten radar đa năng.
S-400 có thể được triển khai chỉ trong 5 phút. Hệ thống này hoạt động hiệu quả gấp đôi hệ thống phòng không trước đây của Nga.
S-400 được coi là "con gà đẻ trứng vàng" của Nga khi giúp nước này thu hàng chục tỷ USD nhờ xuất khẩu.
Ngoài Nga còn có Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ và cả Algeria cũng được cho là đang sở hữu tổ hợp phòng không tối tân này.
Việt Hùng