Thổ Nhĩ Kỳ, 'tay chơi lớn' ở Trung Đông

Trong những năm gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã thể hiện sự quyết đoán trong việc mở rộng ảnh hưởng tại Trung Đông, đặc biệt thông qua các hoạt động tại Syria. Những động thái này không chỉ làm gia tăng nguy cơ xung đột trực tiếp với Israel mà còn đặt Mỹ và NATO vào tình thế khó khăn trong việc cân bằng lợi ích và duy trì ổn định khu vực.

Gia tăng ảnh hưởng tại Syria

Kể từ khi cuộc nội chiến Syria bùng nổ vào năm 2011, Thổ Nhĩ Kỳ đã tích cực can thiệp nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của các lực lượng người Kurd mà Ankara coi là mối đe dọa khủng bố. Việc triển khai quân đội, hỗ trợ các nhóm đối lập Syria đã giúp Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập vùng an toàn dọc biên giới, gia tăng ảnh hưởng tại quốc gia này.

Chính quyền mới tại Syria rất gần gũi với Ankara.

Chính quyền mới tại Syria rất gần gũi với Ankara.

Bắt đầu từ chiến dịch "Lá chắn Euphrates" trong giai đoạn 2016-2017, Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai bộ binh vào Syria với lý do để đẩy lùi IS khỏi khu vực biên giới, đồng thời cũng nhằm ngăn chặn lực lượng người Kurd mở rộng lãnh thổ. Năm 2018, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch "Cành Ôliu" tấn công lực lượng dân quân người Kurd (YPG) tại Afrin. Chiến dịch "Mùa xuân hòa bình" (2019), quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến sâu vào khu vực Đông Bắc Syria nhằm đẩy lùi YPG khỏi biên giới, thiết lập vùng an toàn để tái định cư người tị nạn Syria đổ về biên giới của mình. Tại Idlib, phía Bắc Syria, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng duy trì hàng ngàn binh sĩ và lập các trạm quan sát để hỗ trợ lực lượng đối lập chống lại chính quyền Assad suốt từ năm 2020 cho đến khi chế độ này sụp đổ.

Không chỉ dừng lại ở can thiệp quân sự, Thổ Nhĩ Kỳ còn tích cực tham gia các tiến trình chính trị tại Syria suốt những năm qua. Chính quyền Ankara hỗ trợ các nhóm đối lập như Quân đội Quốc gia Syria (SNA), cung cấp vũ khí và huấn luyện để duy trì lực lượng này làm đối trọng với chính quyền Assad. Trong lĩnh vực ngoại giao, Thổ Nhĩ Kỳ cùng Nga và Iran tham gia tiến trình Astana để bàn thảo về tình hình chính trị Syria. Trong một thời gian dài, Thổ Nhĩ Kỳ đã thành lập các cơ quan hành chính, kiểm soát thực địa, sử dụng đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ và xây dựng cơ sở hạ tầng ở phía Bắc Syria.

Tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria không hề bị che giấu. Lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, đã có nhiều tuyên bố mạnh mẽ khẳng định mục tiêu dài hạn của nước này tại Syria. "Chúng tôi sẽ không để một hành lang khủng bố hình thành ở biên giới" và "Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ anh em Syria của mình", đó là những lời khẳng định của ông Erdogan nhằm biện minh cho chiến dịch chống lại YPG cũng như vị thế bảo trợ đối với các lực lượng đối lập Syria của mình. Với những tuyên bố và hành động thống nhất trong thời gian dài, Thổ Nhĩ Kỳ rõ ràng không chỉ muốn duy trì một vùng đệm mà còn hướng tới củng cố ảnh hưởng lâu dài tại Syria, tạo ra một khu vực phụ thuộc vào Ankara về cả quân sự, chính trị và kinh tế.

Sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad vào cuối năm 2024 đã tạo ra khoảng trống quyền lực tại Syria. Lực lượng Hayat Tahrir al-Sham (HTS), được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, đã nhanh chóng kiểm soát thủ đô Damascus, đánh dấu bước ngoặt quan trọng. Việc Thổ Nhĩ Kỳ thắt chặt quan hệ với chính quyền mới ở Syria đang định hình lại cán cân quyền lực khu vực, ảnh hưởng đến nhiều.

Căng thẳng với Israel

Sự hiện diện ngày càng tăng của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria đã dẫn đến những va chạm lợi ích với Israel. Cả hai quốc gia đều có mục tiêu chiến lược riêng tại Syria và đang cạnh tranh ảnh hưởng trong bối cảnh mới. Nhưng, không dừng lại ở Syria, thời gian gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã “chủ động” gây căng thẳng với chính quyền Tel Aviv trên nhiều mặt trận khác.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tố cáo Israel lấn chiếm lãnh thổ của người Palestine.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tố cáo Israel lấn chiếm lãnh thổ của người Palestine.

Khi cuộc xung đột tại Gaza giữa Palestine và Israel lan rộng, trở thành điểm nóng của khu vực, Ankara đã thể hiện lập trường cứng rắn hơn hẳn so với trước đây nhằm bảo vệ quyền lợi của người Palestine. Ngày 28/7/2024, với một phát biểu mạnh mẽ như một lời tuyên chiến, Tổng thống Erdogan cảnh báo rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể can thiệp quân sự vào Israel tương tự như các hoạt động trước đây tại Karabakh và Libya. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải hành động mạnh mẽ để ngăn chặn Israel đối xử với người Palestine tại Gaza khi lực lượng này tiến vào truy quét Hamas. Ngày 1/10/2024, Tổng thống Erdogan tố cáo Israel tại Liên hợp quốc và kêu gọi tổ chức này sử dụng quyền hạn để ngăn chặn cuộc chiến của Israel ở Gaza và miền Nam Lebanon. Ông nhấn mạnh rằng đứng lên vì Palestine và Lebanon là đứng lên vì nhân loại và hòa bình.

Đỉnh điểm của căng thẳng, ngày 14/11/2024, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố cắt đứt mọi quan hệ với Israel và ngừng toàn bộ hoạt động thương mại giữa hai nước. Quyết định này được đưa ra nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với Palestine và phản đối các hành động của Israel tại Gaza và Lebanon. Trong những ngày gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ liên tục yêu cầu Israel rút quân khỏi khu vực chiếm đóng xung quanh Cao nguyên Golan của Syria và cáo buộc Israel tìm cách phá hoại quá trình chuyển đổi sau khi chính quyền cựu Tổng thống Assad sụp đổ.

Nguy cơ xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đang trở nên thực tế hơn bao giờ hết.

Nguy cơ xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đang trở nên thực tế hơn bao giờ hết.

Những động thái mạnh mẽ như vậy đang khiến cho chính quyền Tel Aviv cảm thấy lo lắng. Một báo cáo từ Ủy ban An ninh của Chính phủ Israel do Cố vấn An ninh quốc gia Jacob Nagel đứng đầu đã cảnh báo về khả năng xảy ra xung đột vũ trang với Thổ Nhĩ Kỳ, nhấn mạnh rằng mối đe dọa từ Syria có thể trở nên nguy hiểm hơn cả đe dọa từ Iran. Một số nhân vật có ảnh hưởng tại Israel thậm chí đã kêu gọi chính phủ chuẩn bị cho một cuộc chiến với Thổ Nhĩ Kỳ.

Mối quan hệ phức tạp

Mặc dù là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Thổ Nhĩ Kỳ cũng không phải là một thành viên “ngoan đạo”. Thổ Nhĩ Kỳ đã duy trì mối quan hệ gần gũi với Nga (quốc gia mà NATO luôn dè chừng) trong thời gian dài dựa trên những lợi ích của mình. Động thái bất ngờ xảy ra khi Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga vào năm 2017 đã khiến NATO rúng động.

Những mối quan hệ gần gũi của Thổ Nhĩ Kỳ với địch thủ của NATO luôn khiến phương Tây đau đầu.

Những mối quan hệ gần gũi của Thổ Nhĩ Kỳ với địch thủ của NATO luôn khiến phương Tây đau đầu.

Hành động này dẫn đến việc Mỹ loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình máy bay F-35 và áp đặt các biện pháp trừng phạt. Trong các vấn đề liên quan đến Syria, Ankara và Moscow đều có lợi ích chiến lược và đã hợp tác trong nhiều lĩnh vực, từ năng lượng đến quốc phòng. Tuy nhiên, sự sụp đổ của chính quyền cựu Tổng thống Assad đã tạo ra những biến động trong quan hệ hai nước. Trước đây, Moscow thường giữ thế chủ động trong mối quan hệ này, nhưng giờ đây, Ankara đang nổi lên như một bên có lợi thế hơn. Việc Nga yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ rút quân khỏi Syria là một minh chứng rõ nét cho sự dịch chuyển này. Dẫu vậy, sự gần gũi giữa hai bên luôn khiến cho các đồng minh NATO của Thổ Nhĩ Kỳ phải đặt dấu hỏi.

Trong nội bộ NATO, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang nổi lên như một “kẻ phá bĩnh” khi làm tổn hại đến nhiều kế hoạch của nhóm vì những tính toán riêng của mình. Thổ Nhĩ Kỳ đã phản đối việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, yêu cầu hai nước này giải quyết vấn đề liên quan đến các tổ chức mà Ankara coi là khủng bố, như đảng Công nhân người Kurd (PKK). Trước đó, vào năm 2020, Thổ Nhĩ Kỳ từng bị cáo buộc vi phạm lệnh cấm vũ khí cho Libya. Những tranh cãi sau đó đã khiến Pháp rút khỏi một chiến dịch giám sát hàng hải chung cùng NATO. Tại Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện những hành động đơn phương như chiến dịch quân sự tại miền Bắc Syria từ năm 2016, tấn công vào lực lượng người Kurd do Mỹ hậu thuẫn.

Thách thức cho Mỹ và đồng minh

Sự mở rộng ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ tại Trung Đông đang tạo ra những biến động đáng kể trong cán cân quyền lực khu vực. Sự suy yếu của những quyền lực cũ và sự lớn mạnh của Ankara thời gian gần đây đã gia tăng ảnh hưởng của nước này trong khu vực. Người Thổ không còn muốn “núp bóng” những “ông lớn” nữa mà muốn giữ vai trò nhất định trong khu vực này. Điều này phù hợp với thực tế phát triển trong giai đoạn mới nhưng cũng đem đến những thách thức mới cho những “quyền lực cũ”.

Sự hiện diện quân sự công khai của Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian dài ở Syria làm thay đổi cán cân quyền lực tại đây.

Sự hiện diện quân sự công khai của Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian dài ở Syria làm thay đổi cán cân quyền lực tại đây.

Mở rộng hiện diện quân sự và thiết lập quan hệ với các quốc gia như Syria có thể đặt NATO vào tình thế khó khăn, đặc biệt khi lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ không đồng nhất với các đồng minh trong khối. Việc Thổ Nhĩ Kỳ công khai dẫn đầu khối Hồi giáo đứng lên thách thức Israel cũng khiến cho nguy cơ xung đột trực tiếp giữa hai bên gia tăng đáng kể. Trong thời gian ngắn, Thổ Nhĩ Kỳ đã thế chỗ Iran trở thành “mối đe dọa” lớn nhất với nhà nước Do Thái. Điều này đặt Mỹ vào tình thế khó xử.

Mỹ và NATO có lẽ phải cân nhắc lại chiến lược khu vực để duy trì ổn định và bảo vệ lợi ích. Việc theo dõi sát sao và đánh giá cẩn trọng các động thái của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là yếu tố then chốt trong việc định hình chính sách của các bên liên quan trong thời gian tới.

Tiểu Phong

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/tho-nhi-ky-tay-choi-lon-o-trung-dong-i758845/