Thơ những ngả đường khái quát hóa!

Đặc trưng hình thức nổi bật của thơ là ngắn gọn, hàm súc, nói được nhiều nhất trong lượng ngôn từ ít nhất. Để không bị nhạt, loãng, hình tượng thơ phải vươn tới sự khái quát cao. Xin được bàn góp về một vài con đường khái quát ấy.

Có nhà thơ ngẫu nhiên bắt gặp được một hình tượng giàu ý nghĩa làm điểm sáng thẩm mỹ cho toàn bài. Có thể gọi đó là “ăn may”. Còn lại hầu hết là kết quả của một quá trình va đập, cọ xát, lăn lộn trong đời sống. Các hình tượng âm thanh trong “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh là rất tiêu biểu. Vì bị nhốt trong bốn bức tường nhà lao nên tác giả quan hệ với đời sống bên ngoài chỉ bằng con đường thính giác.

Với sự nhạy cảm của một hồn thơ lớn, qua những âm vọng chất chứa tiếng đời, nhà thơ khái quát nên cả một bức tranh thân phận hay một bức tranh xã hội. Từ tiếng khóc chồng cất lên trong đêm vắng, người đọc thấm thía sâu sắc niềm cảm thông của chủ thể với cảnh ngộ đau lòng mà người phụ nữ phải hứng chịu: “Hỡi ôi! Chàng hỡi, hỡi chàng ơi!/ Cơ sự vì sao vội lánh đời?/ Để thiếp từ nay đâu thấy được/ Con người tâm ý hợp mười mươi”. Tên bài thơ “Nửa đêm nghe tiếng khóc chồng” là của tác giả nhưng nội dung bài là lời của người góa phụ.

Ông đồ xưa!

Ông đồ xưa!

Nửa đêm là thời điểm yên tĩnh nhất, thanh vắng nhất, con người lúc ấy đều có nhu cầu sinh học chìm sâu vào giấc ngủ để thư giãn sau một ngày lam lũ. Bỗng có tiếng khóc xót xa, ai oán của người phụ nữ mất chồng. Mà phụ nữ ngày trước, nhất là phụ nữ sống trong xã hội Trung Quốc cổ hủ lạc hậu thì “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” (ở nhà theo cha, lấy chồng theo chồng, chồng chết theo con) nên phụ thuộc tuyệt đối vào chồng. Có con thì may ra còn chỗ dựa, chưa có con mà chồng chết thì bơ vơ.

Câu mở là tiếng khóc: “Hỡi ôi! Chàng hỡi, hỡi chàng ơi!” (Ô hô phu quân, hề phu quân - trong bản phiên âm nỗi đau đớn thể hiện qua tiếng khóc sâu thẳm, xót xa hơn!) đúng là lời, là giọng của người có chồng chết. Câu thơ ngắt ra như những tiếng nấc nghẹn. Những từ cảm thán láy lại đẫm nước mắt. Câu thứ hai là sự ngạc nhiên, thảng thốt, bàng hoàng: “Cơ sự vì sao vội lánh đời?” cho thấy bi kịch người chồng chết trẻ, đột ngột. Mới cưới nhau nên mới có câu cuối là một nhận định: “Con người tâm ý hợp mười mươi”. Thế mà nay kẻ ở cõi trần người xuống cõi âm ngàn trùng xa cách nên càng đau.

Thơ hay là thơ làm cho người đọc không còn cảm thấy câu chữ mà chỉ thấy tình người. Bài thơ này là như vậy. Đâu có dụng công chữ nghĩa nhưng đã làm nổi lên một bi kịch, một số phận, một cảnh ngộ. Tác giả đã nhập thân vào nhân vật, nhập thân vào hoàn cảnh để có câu thơ đẫm nước mắt ấy. Phải đau cùng nỗi đau nhân vật mới có thể bật ra nỗi đau ấy bằng ngôn ngữ của thơ.

Tương tự, cái cầu nối hai bức tranh tương phản trong tù và ngoài tù ở bài “Người bạn tù thổi sáo” là âm thanh khúc nhạc nhớ quê hương mà người tù nhớ nhà gửi lòng mình. Nước non xa cách ngàn trùng, nỗi nhớ khôn nguôi, cảm thương vô hạn, vợ của người tù bước lên một tầng lầu nữa, cố nhìn trong vô vọng hình bóng người chồng: “Lên lầu ai đó ngóng trông nhau”. Nàng Vọng phu nước Việt trèo lên tận đỉnh núi ngóng chồng. Trong hoàn cảnh, tâm trạng ấy, nàng Vọng phu phương Bắc cũng cố trèo lên lầu cao. Nhà thơ Hồ Chí Minh đã tạc bằng ngôn ngữ thơ một nàng Tô Thị xứ Trung Hoa!

Như vậy có hình tượng mang tính khái quát cao mới chỉ được một nửa, còn phải có tấm lòng thơ đồng cảm, tri âm, phải có sự nhạy cảm trước nỗi đau, phải có tài thơ mới làm cho hình tượng sống động.

Để có những hình tượng ám ảnh như vậy nhà thơ phải trả giá bằng chính đời sống của mình. Với họ bi kịch có khi lại là mảnh đất ươm mầm những thi phẩm để đời. “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm nằm trong trường hợp này. Trong hoàn cảnh nỗi đau tột cùng nhớ vợ con cùng quê hương đang điêu linh trong khói lửa chiến tranh, giữa đêm khuya nhà thơ cứ như nghe thấy có người đọc bài thơ cho mình chép lại. Chẳng hề có chuyện tâm linh, đó chính là kết quả của quá trình trăn trở, nung nấu, đau đớn về người thân, về làng quê, gặp dịp thuận lợi mà bật thành thơ.

Phần lớn các trường hợp khái quát hóa hình tượng là nhờ tài năng và hồn thơ tác giả. Con đường khái quát trong bài thơ “Nhớ rừng” (Thế Lữ) từ lời uất hận của con hổ bị nhốt trong cũi sắt để nâng thành lời của những con người khát khao tự do. Do vậy giả sử nếu cắt câu “Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?” thì bài thơ không còn hồn vía vì đây là câu tập trung cao nhất, thể hiện rõ nhất chủ đề của kiệt tác. Đó không chỉ là lời hoài niệm, lời tự thán còn là lời tự hào kiêu hãnh về quá khứ vàng son, cao hơn nó đánh thức danh dự, lương tâm những con người đang phải sống trong gông cùm nô lệ mất tự do phải làm gì cho xứng đáng với quá khứ lịch sử!

Bìa bản thảo “Ngục trung nhật ký”.

Bìa bản thảo “Ngục trung nhật ký”.

Vượt ra ngoài cái “di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn”, hình tượng trong bài thơ “Ông đồ” của Vũ Đình Liên đã vươn tới sự phản tỉnh, thức tỉnh cả xã hội lúc bấy giờ đang say sưa “vui vẻ, trẻ trung” với “kỹ nghệ” văn minh phương Tây. Một hình tượng từng là niềm từ hào của nền văn hóa nay thảm hại đến ngỡ ngàng, xót xa: “Ông đồ vẫn ngồi đấy/ Qua đường không ai hay/ Lá vàng rơi trên giấy/ Ngoài giời mưa bụi bay”. Bài thơ sẽ chỉ là sự miêu tả, kể lể nếu không có khổ cuối nâng chủ đề bài thơ nói về sự quên lãng quá khứ, nhờ thế mà nó ám ảnh, như “găm” vào trái tim người đọc nhức nhối một nỗi đau mất mát to lớn vô cùng. Nếu để mất văn hóa là mất tất cả: “Năm nay đào lại nở/ Không thấy ông đồ xưa/ Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ?”. Một tiếng kêu thảng thốt của cả thời đại!

Thơ Tố Hữu (cụ thể là bài “Ba mươi năm đời ta có Đảng”) có điểm ưu trội là năng lực khái quát, từ những cái riêng, cụ thể nhưng được nâng thành những vấn đề lớn của dân tộc. Thơ ông đi cùng thời đại là nhờ vậy: “Một đời đau suốt trăm năm/ Chim treo trên lửa, cá nằm dưới dao”. Ít người nói về số phận dân tộc “ngàn cân treo sợi tóc” khẩn thiết và đau đớn hay như thế. Ngàn năm sau lịch sử có lẽ vẫn phải mượn sự khái quát trong bức tranh thơ diễn tả cái thời nô lệ dưới ách thực dân, phong kiến: “Xóm làng ta xơ xác héo hon/ Nửa đêm thuế thúc trống dồn/ Sân đình máu chảy, đường thôn lính đầy”. Có những nét cận cảnh vẽ bằng nước mắt nhưng qua đó hiểu được số phận đau thương của cả một dân tộc: “Con đói lả ôm lưng mẹ khóc/ Mẹ đợ con đấu thóc cầm hơi”…

Theo con đường trực quan, hình tượng càng có sức lay động càng tác động trực tiếp, nhanh chóng tới cảm nhận người đọc. Tố Hữu thành công với những hình tượng tạo hình, gợi cảm mang tính truyền thống nhưng chứa đựng nội dung mới: “Đường xa bao nỗi truân chuyên/ Ngọn đèn đêm gió, con thuyền biển khơi/ Đèn vẫn tỏ, thuyền bơi tới trước/ Đảng ta đưa dân nước ta đi”. Các hình ảnh “đường xa”, “đèn”, “đêm”, “thuyền”, “biển” quen thuộc trong ca dao dân ca diễn tả cái bấp bênh, cái mong manh nay để nói về con đường cách mạng gian khổ làm ý thơ mới hẳn.

Nhờ có cả một chùm nội dung ý nghĩa mới làm mạch thơ sáng bừng lên: ngọn đèn lý tưởng của Đảng soi lối cho con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua giông tố cập bến bờ thắng lợi. Được nâng lên ở tầm khái quát lịch sử, hình tượng thơ sẽ sống mãi cùng lịch sử: “Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng!”. Diễn tả cái thực chất, cái quý giá, sự trân trọng cái tự do vừa giành được là câu thơ thật đẹp, giàu ý nghĩa: “Tự do đã nở hoa hồng/ Trong dòng máu đỏ, trên đồng Việt Nam”.

Hoa hồng đã đẹp, đã quý. Hoa hồng tự do còn quý hơn nhiều. Nó đang nở trong mỗi con người (dòng máu đỏ), nở trong không gian Việt Nam (cánh đồng). Một sự chuyển đổi tuyệt vời, từ phạm trù chính trị chuyển sang phạm trù mỹ học cái đẹp. Có gì vĩnh cửu hơn cái đẹp đâu? Cũng vậy. Có gì vĩnh cửu hơn cái đẹp tự do đâu? Còn là chân lý: cái chính trị thực chất, tươi nguyên, mới mẻ đạt tới đỉnh cao đi vào lòng người sẽ trở thành cái đẹp vĩnh hằng, bất biến!

Từ ngoài đời sống bước vào ngôi đền thơ hình tượng phải được nâng lên một trình độ thẩm mỹ mới để sống một đời sống mới. Đó là con đường khái quát hóa. Đấy là phần ngọn tài năng. Còn cái gốc vẫn là tâm hồn, là vốn sống. “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Đó là nguyên lý sáng tạo!

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/tho-nhung-nga-duong-khai-quat-hoa--i689119/