Thợ săn Nghệ An tiết lộ bí quyết bắt loài nhiều chân, chạy nhanh như gió

Tận dụng cốc, chai nhựa đã qua sử dụng, mỗi thợ săn sẽ có công thức chế biến mồi riêng để dụ những con cáy lẩn trốn sâu trong hang ra ngoài.

Theo những thợ săn lành nghề, cáy sống ở vùng nước lợ. Ngoại hình của loài này khá giống với cua, nhưng trên thân có hoa và chân nhiều lông, đặc biệt là khả năng lẩn trốn rất nhanh khi có nguy hiểm.

Nếu như những năm trước, việc săn cáy được thực hiện thủ công bằng cách chụp bắt hoặc câu, năng suất thấp thì giờ đây, người dân xã Châu Nhân (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) đã tìm ra bí quyết săn cáy mới, vừa đỡ tốn công sức, vừa mang lại hiệu quả cao.

Sửa soạn từ sáng sớm, ông Võ Văn Quế (SN 1968, trú xóm Phú Xuân, xã Châu Nhân) đã chuẩn bị đồ nghề để ra đồng săn cáy.

“Bẫy để săn cáy thường tận dụng vỏ cốc, chai nhựa đã qua sử dụng. Ưu điểm của nó là gọn nhẹ, có thể xếp thành từng chồng bỏ vào bì, đỡ cồng kềnh và dễ dàng thao tác khi đi săn”, ông Quế chia sẻ.

Đồ nghề săn cáy rất đơn giản, chỉ là những chiếc cốc, chai nhựa đã qua sử dụng.

Đồ nghề săn cáy rất đơn giản, chỉ là những chiếc cốc, chai nhựa đã qua sử dụng.

Ngoài sự chịu khó, kinh nghiệm nhìn con nước thì nhân tố quyết định sự thành bại của một buổi đi săn chính là mồi nhử. Mỗi hộ dân sẽ có một bí quyết riêng trong việc chế biến mồi săn cáy.

“Mình sử dụng cám công nghiệp trộn với nước để thành một hợp chất sền sệt, tiếp đó đập thêm trứng vịt vào, đánh nhuyễn với hỗn hợp để làm mồi nhử. Cáy ngửi thấy mùi thơm sẽ tự bò vào cốc nhựa ăn và không thể chui ra được”, ông Quế cho hay.

Một trong những cách khác được người dân ở đây sử dụng chính là rang thơm cám gạo, giã nhuyễn, trộn nước và mắm tôm.

Sau khi chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, mồi, người dân sẽ đi đặt bẫy. Thường bẫy sẽ được đặt vào sáng sớm hoặc chiều muộn khi thủy triều rút, lộ hang và cáy sẽ bò ra ngoài kiếm ăn.

Mồi săn phải được pha trộn thành hợp chất sền sệt.

Mồi săn phải được pha trộn thành hợp chất sền sệt.

Động tác thuần thục, ông Quế rút cốc nhựa, tay kia quệt vào hũ đựng mồi, lấy ra một lượng vừa đủ xoa đều vào thành cốc rồi đặt xuống mép ruộng.

Ông Quế cho biết, kỹ thuật đặt ống mồi khá đơn giản. Dùng chân hoặc dụng cụ tạo thành hố nhỏ và đặt ống đã có sẵn mồi vào, để miệng cốc dốc lên trên một góc 45 độ, đảm bảo cáy bò vào được, nhưng không ra được. Mỗi ống mồi đặt cách nhau vài bước chân, đặt liên tục thành những dãy dài.

Sau khoảng 2 – 3 tiếng đặt bẫy sẽ cho thu hoạch. Việc săn cáy được người dân nơi đây thực hiện quanh năm nhưng cáy nhiều và béo mập nhất là những ngày sau mùa lụt.

Cáy tươi sống được bán với giá 50.000 đồng/kg. Mỗi buổi đi săn, người dân có thể thu hoạch từ 5 – 10kg, từ đó mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Hình ảnh theo thợ săn cáy ở Nghệ An:

Cách săn này khá hiệu quả, tuy nhiên, được nhiều hay ít còn phụ thộc vào thời tiết, lượng cáy còn lại.

Cách săn này khá hiệu quả, tuy nhiên, được nhiều hay ít còn phụ thộc vào thời tiết, lượng cáy còn lại.

Những con cáy lọt vào bẫy, không thể thoát ra ngoài.

Những con cáy lọt vào bẫy, không thể thoát ra ngoài.

Sau khoảng vài tiếng, người dân sẽ tới thăm bẫy và thu hái thành quả.

Sau khoảng vài tiếng, người dân sẽ tới thăm bẫy và thu hái thành quả.

Thợ săn quệt mồi phía bên trong miệng cốc.

Thợ săn quệt mồi phía bên trong miệng cốc.

Rất nhiều người mưu sinh từ việc săn cáy.

Rất nhiều người mưu sinh từ việc săn cáy.

Trần Tuyên

Quốc Huy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tho-san-nghe-an-tiet-lo-bi-quyet-bat-loai-nhieu-chan-chay-nhanh-nhu-gio-2081301.html