Thỏ thẻ đèn lồng trung thu

Lại sắp đến rằm tháng tám. Vừa qua, gặp các cháu con của mấy anh bạn đang học trung học cơ sở, chúng hỏi về Trung thu và lễ hội rước đèn, vì ở trường các cháu đang tổ chức làm lồng đèn, nên thỏ thẻ mấy lời như là tâm sự.

Tết Trung thu còn gọi là Tết hoa đăng (節花燈 – Tết đèn hoa) hằng năm tổ chức vào rằm tháng tám âm lịch – giữa mùa thu, nên gọi Trung thu. Lễ hội Tết Trung thu không riêng ở Việt Nam, mà còn ở nhiều quốc gia Đông Á và Đông Nam Á. Truyền thuyết về lễ hội này có nguồn gốc lịch sử hơn 3.000 năm từ Trung Quốc, nhưng sự tích ở các dân tộc có nhiều điểm khác nhau. Truyền thuyết được nhắc đến nhiều bên Trung Quốc là thần thoại Hằng Nga với xạ thủ Hậu Nghệ thời vua Nghiêu, hay truyền thuyết về vua Đường Minh Hoàng. Còn ở Việt Nam dựa vào truyền thuyết về Chị Hằng, Chú Cuội trên cung trăng. Theo tư liệu khảo cổ học, thể hiện trên mặt trống đồng Ngọc Lũ, Tết Trung thu ở nước ta được tổ chức từ thời nhà Lý, với các hoạt động như đua thuyền, múa rối nước, rước đèn.

Đón Tết Trung thu ở Việt Nam ngày xưa gắn với nền văn hóa nông nghiệp lúa nước của dân tộc, thường diễn ra vào thời điểm vụ mùa bội thu, cũng là lúc nông nhàn, người dân tổ chức để tạ ơn đất trời, cầu mong tháng ngày tiếp theo no đủ. Trong sách Việt Nam phong tục, Phan Kế Bính ghi: “Dân ta thế kỷ 19, ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng trăng. Đầu cỗ là bánh mặt trăng và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả, nhuộm các màu sặc sỡ, xanh đỏ, trắng và vàng. Con gái ở phố thi nhau tài khéo, gọt đu đủ thành các thứ hoa, nặn bột làm con tôm, con cá, voi đẹp...”(*). Ngày xưa, không có điện như bây giờ, kinh thành cũng như nông thôn, đêm về ánh trăng huyền nhiệm lắm, khó tả nổi, nó đem lại cho lòng người cảm giác bình yên dễ chịu. Theo cách nhìn và trải nghiệm của dân gian xưa, trăng rằm tháng tám là trăng tròn nhất, sáng nhất, giữa tiết trời mùa thu yên ả nhất trong năm. Thế nên từ kinh thành đến nông thôn, tùy từng gia đình mà làm mâm cỗ tế trời đất, mong cuộc sống bình an, mùa màng tươi tốt, con cháu trong gia đình sum họp, nên còn gọi là Tết đoàn viên. Vào đêm khi trăng lên, họ ra bên ngoài nhà, ăn cỗ, ngắm trăng. Thức ăn thường là bánh ngọt, bánh dẻo, làm từ nhân đậu đỏ, lòng đỏ trứng gà, thịt hoặc nhân sen… uống trà hoặc rượu. Tết Trung thu ngày nay tổ chức khác xưa, không biết còn gia đình nơi nào trên đất nước mình làm cỗ ăn bánh, uống rượu, uống trà ngắm trăng không, chứ những nơi tôi đã từng đi qua, từng biết, không thấy nữa dưới ánh đèn điện cao áp. Trung thu chủ yếu tổ chức cho trẻ rước đèn.

Chuyện rước đèn Trung thu, đọc tư liệu lưu trữ, thấy có từ đời nhà Lý, cách đây ngàn năm. Mãi đến thời tuổi trẻ của bọn tôi hơn ngàn năm sau, sống ở nông thôn, nhớ cái thời tiểu học, đến Trung thu, chúng tôi tự chẻ tre làm khung ngôi sao, tìm giấy dán, mua đèn cầy để thắp lên, rồi kéo nhau vào trong ấp, dưới ánh trăng vàng êm dịu nhẹ soi xuống những con đường làng, ngõ nhỏ, nối nhau rồng rắn kéo đi, chẳng có ai cho bánh kẹo, thế mà vui, thích lắm. Khi lớn lên một tí, ra thị trấn ở, mới thấy tổ chức Tết Trung thu có quà, lồng đèn nhiều kiểu, nào ông sao, cá chép, trăng tròn, đèn thỏ, bươm bướm, đèn cù, đèn kéo quân… có cả mặt nạ, múa lân… Khi tìm hiểu mới biết cha ông xưa làm lồng đèn cho trẻ chơi Trung thu đều có ý nghĩa, đơn cử như 2 loại lồng đèn: Ông sao và cá chép.

Lồng đèn ông sao năm cánh có vòng tròn bao quanh nhằm mục đích gợi tầm nhìn mang ý nghĩa rộng lớn, bởi đó là hình ảnh tượng trưng cho sự cân bằng và hài hòa âm dương của ngũ hành trong vũ trụ. Con người là một phần của vũ trụ, cũng không nằm ngoài quy luật đó. Khi âm dương ngũ hành trong cơ thể con người cân bằng, các cơ quan hoạt động lưu thông, cơ thể ta sẽ hài hòa với quy luật tự nhiên, giúp chúng ta sẽ cảm thấy thư thái, dễ dàng thích nghi với môi trường xung quanh, làm cho tinh thần thêm minh mẫn, tăng cường sức khỏe, cuộc sống sẽ được yên bình, hạnh phúc. Sử dụng lồng đèn ngôi sao nhằm cho thấy ý nghĩa về giá trị triết lý sống sâu sắc đó.

Lồng đèn cá chép gắn với truyền thuyết cá chép vượt Vũ môn để hóa rồng. Kể rằng, cá chép sông Hoàng Hà có thể nhảy qua Long môn thì sẽ hóa rồng. Nhưng Long môn là thác nước theo vách đá sừng sững chảy ồ ạt từ cao dội xuống mãnh liệt như thiên binh vạn mã. Vượt được Long môn còn khó hơn lên trời. Vậy nên cá chép nào vượt được phải có nội lực siêu phàm cả trí và dũng với sự kiên trì bền bỉ. Người ta thường lấy truyền thuyết này để khuyến khích động viên tuổi trẻ về con đường học tập. Các thí sinh đi thi người ta hay dùng chữ vượt Vũ môn là để nói về sự thử thách tài năng nghị lực. Sử dụng lồng đèn cá chép là nhằm nhắc nhở các bạn trẻ cần hiểu được ý nghĩa muốn thành công trong học tập phải không ngừng cố gắng như con cá chép vượt Vũ môn kia.

Nhiều năm qua, TP. Phan Thiết tổ chức rước đèn Trung thu với quy mô kỷ lục quốc gia. Khi viết bài này, tôi có đi một vòng quanh thành phố, thấy các trường ở các phường đang ráo riết làm lồng đèn cho lễ hội rước đèn sắp tới. Hình ảnh lồng đèn ngày nay vô cùng phong phú, nhưng chọn mô hình nào cũng cần hết sức lưu ý để lại ấn tượng mang ý nghĩa cao đẹp và niềm tự hào trong lòng các cháu.

(*): Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Nhà xuất bản Khai Trí, 1915.

VÕ NGUYÊN

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/tho-the-den-long-trung-thu-123960.html