Thơ tình tặng cô gái mắt hiếng của nhà thơ Trần Đăng Khoa

Từ một bài thơ thuở đi học, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã gợi mở suy nghĩ cho các độc giả về vai trò của nền tảng giáo dục gia đình và sự tự học.

 Nhà thơ Trần Đăng Khoa tại sự kiện "Những lời khuyên dành cho các ba mẹ trẻ". Ảnh: Đức Huy.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa tại sự kiện "Những lời khuyên dành cho các ba mẹ trẻ". Ảnh: Đức Huy.

Trong buổi chia sẻ với phụ huynh về chủ đề phương pháp dạy con vào chiều ngày 24/8, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã kể lại một kỷ niệm đáng nhớ với cô gái bàn bên. Một bài thơ tình mô tả cô gái mắt hiếng đã được nhà thơ làm ra thời học tiểu học.

Kỷ niệm này khiến ông nghĩ về chìa khóa để bản thân có thể trở thành con người như bây giờ chính là những bài học về tình yêu do mẹ truyền đạt ngày bé. Từ đó, ông rút ra nền tảng giáo dục gia đình và tự học đều là yếu tố quan trọng trong quá trình trưởng thành của trẻ.

Bài thơ độc đáo năm lớp hai

Theo lời kể của nhà thơ Trần Đăng Khoa, khi còn là một cậu bé, ông đã bắt đầu làm thơ tặng bạn trong lớp. Thời điểm đó, ông cảm thấy rất quý mến một cô bạn cùng bàn. Vì điều kiện khó khăn, ba học sinh phải chung nhau một cuốn sách giáo khoa để đọc. Nhờ vậy ông đã có cơ hội quan sát nhiều hơn bạn nữ bên cạnh. Trong mắt nhà thơ, cô bé đẹp tựa thiên thần dù rằng có đôi mắt lác (mắt hiếng).

Thấy vậy, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã làm một bài thơ gồm 8 câu: “Ôi mắt em đẹp quá/Nhìn được những hai nơi/ Nhìn anh chỉ một mắt/ Một mắt liếc ông giời/ Ông giời thì chẳng có/ Chỉ có mỗi anh đây/ Đừng để anh đến lớp/ Bơ vơ như giờ đây”.

 Các em nhỏ tham dự sự kiện gặp gỡ với nhà thơ Trần Đăng Khoa ngày 24/8.

Các em nhỏ tham dự sự kiện gặp gỡ với nhà thơ Trần Đăng Khoa ngày 24/8.

Nghĩ lại câu chuyện thuở nhỏ, nhà thơ Trần Đăng Khoa gợi mở cho độc giả hiểu rằng tình yêu với những thứ nhỏ bé xung quanh cũng rất quan trọng. Tình yêu này xuất phát từ gia đình ông, đặc biệt là qua những điều mẹ dạy.

Do đó ông nhấn mạnh rằng gia đình là một yếu tố quan trọng trong việc củng cố nền tảng cho trẻ. “Không phải ngẫu nhiên chúng ta có ngày Gia đình Việt Nam, ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Đó là cơ hội để các gia đình có thể gắn kết với nhau bằng cầu nối tri thức”, nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ. Cũng theo tác giả Hạt gạo làng ta, giáo dục gia đình đóng vai trò nền tảng quan trọng trong việc hình thành nhân cách và phát triển cá nhân của mỗi con người.

Ngay từ khi còn nhỏ, gia đình chính là môi trường giáo dục đầu tiên và gần gũi nhất, nơi trẻ em học hỏi những giá trị cơ bản về đạo đức, văn hóa, và cách ứng xử.

Thông qua sự dạy dỗ, hướng dẫn của cha mẹ và người thân, trẻ em dần hình thành những khái niệm ban đầu về đúng sai, về lòng nhân ái, tôn trọng, và tinh thần trách nhiệm. Những giá trị này không chỉ giúp trẻ em phát triển nhân cách mà còn định hướng cho hành vi và suy nghĩ của chúng trong cuộc sống sau này.

Không trường học nào tạo nên thiên tài

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ sự kiện, nhà thơ Trần Đăng Khoa nhấn mạnh rằng điều tạo nên một người thành công nằm trong khả năng tự học của họ. “Việc tự học, tự rèn luyện và phát triển bản thân là rất quan trọng. Điều này đã được chứng minh qua nhiều trường hợp, chẳng hạn, đại tướng Võ Nguyên Giáp chưa bao giờ trải qua một trường lớp quân sự bài bản khi ông lãnh đạo quân, dân ta hướng tới Cách mạng tháng Tám và nhiều chiến dịch sau đó”, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết.

Nhà trường có thể là nơi định hướng, mở ra những cơ hội mới để trẻ em tăng khả năng tiếp xúc, va chạm và học tập từ bạn bè đồng trang lứa. Dẫu vậy, tự học từ sách vở vẫn là điều tiên quyết. Chính vì vậy cha mẹ cần thúc đẩy con đọc sách, xây dựng văn hóa đọc trong gia đình từ sớm.

“Nhờ có sách, trẻ em có thể tự hoàn thiện chính mình. Học từ sách, tưởng dễ mà khó. Sách là thứ giúp chúng ta có thể học tập cả đời”, nhà thơ Trần Đăng Khoa tâm sự.

 Nhà thơ Trần Đăng Khoa giao lưu với một độc giả khiếm thị. Ảnh: Tân Việt Books.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa giao lưu với một độc giả khiếm thị. Ảnh: Tân Việt Books.

Việc tự học đóng vai trò quan trọng và có ý nghĩa sâu sắc trong cuộc sống của mỗi người. Trước hết, tự học giúp phát triển tư duy độc lập và khả năng giải quyết vấn đề một cách sáng tạo. Khi tự học, mỗi cá nhân không chỉ tiếp thu kiến thức một cách chủ động mà còn rèn luyện kỹ năng tìm kiếm thông tin, phân tích và đánh giá những gì mình học được.

Điều này giúp họ không chỉ ghi nhớ kiến thức một cách hời hợt mà còn hiểu sâu và biết cách áp dụng vào thực tế. Chính sự tự học đã tạo ra những nhà phát minh vĩ đại, những nhà lãnh đạo xuất sắc và những cá nhân với tư duy sáng tạo vượt trội, bởi vì nó thúc đẩy họ tìm kiếm câu trả lời và khám phá những điều mới mẻ ngoài khuôn khổ kiến thức thông thường.

Cùng nền tảng giáo dục gia đình, tự học từ mỗi cuốn sách có thể giúp trẻ khám phá những tiềm năng của bản thân. Đồng thời, thông qua quá trình này, trẻ mới có thể thực sự trở thành những con người tự chủ, biết chịu trách nhiệm và biết cách tạo nên những giá trị đích thực cho cuộc sống của mình.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/bai-tho-tinh-tang-co-gai-mat-lac-cua-nha-tho-tran-dang-khoa-post1493945.html