Thờ tổ nghề: Nét đẹp văn hóa tri ân
Thờ tổ nghề là thái độ đẹp, là lối sống đẹp, biểu hiện của lòng biết ơn, tri ân đối với người đã khai sáng một nghề giúp cho cộng đồng nâng cao đời sống, thay đổi vị thế, trường tồn với thời gian. Hàng năm, ở Việt Nam, tại các đình làng trên khắp cả nước hàng ngàn lễ hội tôn vinh tổ nghề diễn ra, tạo nên một nét văn hóa dân gian đẹp đẽ của người Việt.
Theo Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hoàng Khôi, dân tộc ta hàng ngàn năm nay cùng với nghề nông là cơ bản, đã có rất nhiều nghề thuộc nhiều lĩnh vực như ngư nghiệp, lâm nghiệp, thủ công, mỹ nghệ… những nghề ấy đã đảm bảo cuộc sống trường tồn cho các tầng lớp nhân dân và đến nay vẫn đang trực tiếp phục vụ cho nhiều nhu cầu trong đời sống.
Cho đến nay, theo thống kê một cách chưa đầy đủ về ngành nghề xưa, có khoảng 130 vị tổ sư, từ Tổ bách nghệ là Thánh Tản Viên cho đến những vị Tổ nghề khác như Mẹ Âu Cơ – Tổ nghề nông, Yang Xri - mẹ lúa, Sằn Nông - thần nông nghiệp, Nga Áp - Tổ nghề nuôi vịt, Lang Khấm Dậm – Tổ nghề rượu, Lang Liêu 0 bánh chưng, Thần Đồng Cổ - tổ đúc đồng, Bà chúa sành – tổ nghề gốm, Lỗ Ban – Tổ nghề mộc, Đăng Buồm – Tổ nghề sông nước, Tuệ Tĩnh – Tổ nghề thuốc Nam…
Những bậc tổ sư này có người có tiểu sử, nhưng cũng có những ngành nghề không tìm được xuất xứ rõ ràng. Để có thể hình dung về những đấng sáng tạo mà mình tôn thờ, người dân sẵn sàng tìm viện trợ ở những kho tàng thần thoại hoặc tìm cách thần thoại hóa để tăng phần thiêng liêng cho sự tôn vinh.
Nhà nghiên cứu dân gian Nguyễn Đức Tố Lưu: Nước ta có lịch sử phát triển hơn bốn nghìn năm, là một trong những nước có nền văn hóa lâu đời nhất trên thế giới. Trong tiến trình lịch sử nhân dân ta đã trải qua nhiều nấc thang tiến bộ xã hội.
Mỗi nấc thang là một bước tiến về khoa học công nghệ, tức là hiểu biết và cách thức chúng ta sử dụng các tài nguyên thiên nhiên để phục vụ cuộc sống con người.
“Nghề” chính là những kiến thức khoa học kỹ thuật đó. Tổ nghề là những người đã khai sáng, phát kiến, giúp xã hội chúng ta bước đi những bước dài hơn, vững chắc hơn, tự chủ hơn trong lịch sử. Mỗi vị tổ nghề do đó đánh dấu một mốc phát triển quan trọng của xã hội Việt theo chiều dài lịch sử.
Cây có cội, nước có nguồn, quá khứ không phải là điều đã qua và hết, lịch sử là một đất nước, một dân tộc như phần rễ cây chìm trong đất, không nhìn thấy nhưng lại quyết định khả năng vươn cao của cây. Rễ có sâu, có to thì thân và cành lá mới xum xuê vững chãi. Nền văn minh chói ngời của cha ông một thời soi đường cho cả thiên hạ là sức mạnh tinh thần to lớn thúc đẩy con cháu ngày nay sốc tới. Thờ tổ nghề, thờ tổ tiên là tìm lại di sản tinh thần và trí tuệ của cha ông để lại cho chúng ta hôm nay.
Tuy nhiên, dù các vị tổ nghề có lung linh trong những ánh hào quang mà con cháu tạo dựng thì thực chất họ vẫn là những người rất thực, có cuộc đời thực ngay giữa cộng đồng. Ví như vị Tổ bách nghệ là Thánh Tản Viên (còn gọi là Sơn Tinh) qua truyền thuyết dân gian đã dạy dân từ việc trồng cây, đánh cá đến các môn võ nghệ, múa hát… được khẳng định là con của ông Nguyễn Cao Hạnh và bà Đinh Thị Điền ở động Lăng Xương bên bờ Sông Đà.
Thần có tên là Nguyễn Tuấn, lấy công chúa Ngọc Hoa, con vua Hùng Duệ Vương. Sau khi được truyền ngôi, Nguyễn Tuấn chỉ làm vua 3 năm rồi về núi Tản dạy dân làm ăn sinh sống, ông được dân tôn là Thánh Tản Viên. Theo truyền thuyết, Thánh Tản Viên đã dạy dân làm lúa, làm ruộng, mở lễ hội, săn bắn, kéo vó, luyện võ, dệt lụa, múa hát…
Người dân biết ơn vị tổ nghề bằng cách tổ chức lễ hội, bởi vậy trong lễ hội bao giờ cũng có ghi thức cúng giỗ trang trọng, gắn với một đặc điểm nào đó gần gũi với nghề mà vị tổ nghề đã dạy. Chẳng hạn trong lễ cúng Tản Viên người dân chọn con cá to nhất và phải có 99 cái đuôi cá lớn dâng lên để tỏ lòng biết ơn thánh Tản Viên đã dạy dân kéo vó, bắt cá…
Hay ở ngay trong phố cổ Hà Nội, Đình Kim Ngân nằm ở Hàng Bạc và thờ ông tổ nghề chạm bạc họ Lưu, nhân dân không chỉ thờ tổ nghề chạm bạc, còn gửi lòng tri ân đến bậc tiền nhân là Tổ Bách nghệ - vị tổ của trăm nghề.
Truyền thống tri ân là một nét đẹp truyền thống của các thế hệ con dân Việt, từ lâu, ca dao tục ngữ đã có câu: “Nghĩa người ta để lên cân/ Bên vàng nặng ít, bên cân nặng nhiều”, “Ăn bát cơm dẻo, nhớ nẻo đường đi”, hay “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Bởi thế, là người Việt dù ở đâu cũng đều có chung khuynh hướng là thiên về thờ tổ.
Không chỉ thờ tổ tiên gia đình mà còn thờ các vị Tổ mà họ sùng bái. Đây là nét đẹp văn hóa mà trên thế giới chỉ có số ít dân tộc có khuynh hướng này. Chính bởi nếp sống dân tộc trọng đạo hiếu mà chúng ta mới có thể lưu truyền đến ngày nay và trong việc thờ kính tổ tiên, thờ kính những vị tiền thân khai quốc dựng nước giúp dân trở thành nét đẹp chung của dân gian.
Nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đức Lưu đã nói: “Tổ nghề chính là những người mang vị thế vô cùng quan trọng trong tiến trình phát triển của đất nước. Mỗi một nghề được phát kiến, truyền bá và phổ cập, xã hội tiến một bước tiến vững vàng tự chủ hơn theo chiều dài lịch sử”.
Ngày nay, từ việc nghiên cứu các di sản văn hóa cụ thể như đình, đền, miếu, di tích, di vật còn lại cho đến việc nghiên cứu sâu hơn các di sản văn hóa phi vật thể như tín ngưỡng, các loại hình văn hóa nghệ thuật, các phong tục tập quán, những lời nhắc nhở răn dạy đã đi vào đời sống dân tộc qua nhiều ngàn năm lịch sử, có thể thấy cách mà người Việt thể hiện lòng hiếu kính đối với tổ tiên vô cùng đặc biệt. Tổ nghề, không ai khác, chính là tổ tiên, cha ông, là cội nguồn của mỗi người dân trong nấc thang phát triển khoa học kỹ thuật mà dân tộc đã đi qua.
Theo tiến sỹ Nguyễn Vi Khải, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, việc thờ cúng tổ nghề gắn với bảo tổn phát triển làng nghề, phố nghề là định hướng đến giá trị đạo lý không chỉ uống nước nhớ nguồn mà ở cung bậc cao hơn thế là hướng đến giá trị chân, thiện, mỹ, giá trị sống nhân văn hơn.
Mối quan hệ giữ làng nghề, phố nghề và tục thờ tổ nghề là quá trình lan tỏa các giá trị văn hóa nghệ thuật bao gồm nghệ thuật kiến trúc, mỹ thuật, hội họa, văn hóa ẩm thực vùng miền,…Mối quan hệ này là quá trình vừa lan tỏa vừa tích hợp không gian di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc Việt tồn tại hàng ngàn năm, đã kết tụ trong dân, tạo thành một không gian Làng nghề - Phố nghề - Lễ hội hướng về nguồn cội yên bình.
Mỗi năm, tại các làng nghề đều có ngày hội hay giỗ tổ để tôn vinh vị tổ sư đã truyền dạy lại nghề cho làng, tất nhiên không bao giờ thiếu những nén nhang thành kính dâng lên vị Tổ Bách nghệ của cả dân tộc. Khi hạnh phúc hay lúc khó khăn, những lễ hội luôn tràn đầy lòng kính ngưỡng biểu thị cho một sức sống bền bỉ. “Cha mẹ cho vàng không bằng người chỉ đàng đi buôn”, tâm thức của người Việt là vậy, tri ân đến người đã chỉ cho mình một con đường để tự lao động, tự làm ra của cải hơn là việc được cho của cải.
Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tho-to-nghe-net-dep-van-hoa-tri-an-91939.html