Thỏa thuận an ninh của Trung Quốc với Solomon 'báo động' khu vực Thái Bình Dương

Không giống như căn cứ ở Djibouti, nơi Trung Quốc có các lợi ích thương mại trong khu vực cần bảo vệ, sự hiện diện ở quần đảo Solomon của Bắc Kinh có thể nhằm cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ.

Theo hãng tin AP mới đây, một thỏa thuận an ninh giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon đã khiến cho khu vực Thái Bình Dương phải cảnh giác, với lo ngại rằng nó có thể tạo cơ hội cho sự hiện diện quân sự quy mô lớn.

Tàu tuần tra HMAS Armidale của Australia cập cảng tại Honiara, Đảo Guadalcanal, Quần đảo Solomon. Ảnh: AP

Tàu tuần tra HMAS Armidale của Australia cập cảng tại Honiara, Đảo Guadalcanal, Quần đảo Solomon. Ảnh: AP

Nguồn tin trên cho rằng, điều này thể hiện tham vọng của Trung Quốc. Sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Solomon sẽ không chỉ giúp Bắc Kinh "án ngữ trước ngưỡng cửa" của Australia và New Zealand mà còn ở gần đảo Guam, với các căn cứ quân sự khổng lồ của Mỹ.

Cho đến nay, Trung Quốc được cho là đã thiết lập một căn cứ quân sự nước ngoài tại Djibouti, vùng Sừng châu Phi nghèo khó nhưng quan trọng về mặt chiến lược. Nhiều chuyên gia cho rằng quân đội Trung Quốc đang có tham vọng thiết lập một mạng lưới căn cứ quân sự ở nước ngoài.

Chính quyền Quần đảo Solomon cho biết dự thảo thỏa thuận với Trung Quốc đã được hoàn thiện vào tuần trước và sẽ sớm được ký kết.

Dự thảo bị rò rỉ trên mạng cho thấy tàu chiến Trung Quốc có thể neo đậu ở Solomon để “bổ sung hậu cần” và Trung Quốc có thể cử nhân viên đến Solomons để “hỗ trợ duy trì trật tự xã hội”.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hồi tháng 2 cho biết Washington sẽ mở lại đại sứ quán của mình ở thủ đô Honiara, đã đóng cửa từ năm 1993, để gia tăng ảnh hưởng của nước này tại Solomon trước khi Trung Quốc “xâm nhập”.

Cả Trung Quốc và Solomon đều phủ nhận rằng hiệp ước mới sẽ dẫn đến việc thiết lập một căn cứ quân sự của Bắc Kinh. Chính phủ Quần đảo Solomon cho biết hiệp ước là cần thiết nhằm đối phó với các cuộc nổi dậy bạo lực.

Nhưng Australia, New Zealand và Mỹ đều bày tỏ sự lo lắng về thỏa thuận này, trong đó Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern mô tả là “đáng lo ngại”.

Euan Graham, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc, cho biết Trung Quốc có tham vọng thiết lập cảng như vậy trong khoảng 5 năm nhằm mục đích mở rộng sự hiện diện hải quân ở Nam Thái Bình Dương như một phần trong chiến lược trở thành cường quốc hàng đầu khu vực.

Chuyên gia trên lưu ý: “Nếu Trung Quốc muốn vươn ra Thái Bình Dương, đến một lúc nào đó, họ sẽ cần khả năng hậu cần để hỗ trợ sự hiện diện đó".

Căn cứ của Trung Quốc ở Djibouti được khai trương vào năm 2017. Trung Quốc không gọi đây là căn cứ mà là cơ sở hỗ trợ cho các hoạt động hải quân chống cướp biển ở Vịnh Aden và cho các hoạt động gìn giữ hòa bình ở châu Phi. Căn cứ, với 2.000 nhân viên, cho phép Trung Quốc bố trí nhân lực, phương tiện và tiến hành tiếp nhiên liệu trong một khu vực quan trọng chiến lược, đồng thời có thể theo dõi các lực lượng Mỹ đóng quân gần đó.

Công Thuận/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/quan-su/thoa-thuan-an-ninh-cua-trung-quoc-voi-solomon-bao-dong-khu-vuc-thai-binh-duong-20220410234021077.htm