Thỏa thuận công việc cũng có thể được coi là Hợp đồng lao động

Theo quy định của Bộ Luật Lao động 2019, các văn bản dù không đặt tên là Hợp đồng lao động tuy nhiên có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và có sự quản lý, giám sát, điều hành của người sử dụng lao động thì thỏa thuận đó cũng được coi là hợp đồng hợp lệ.

Anh Nguyễn Văn Hùng ở huyện Đan Phượng, Hà Nội gửi thư đến báo Lao động Thủ đô hỏi: Hợp đồng là gì, văn bản nào như thế nào được gọi là Hợp đồng lao động? Em tôi là sinh viên đi làm thêm, chủ cửa hàng có cho em tôi ký kết một văn bản có tên là Thỏa thuận công việc, trong đó ghi các thông tin về công việc phải làm, thời gian làm việc, mức tiền lương, tiền công, các trường hợp thưởng, phạt v.v…

Trong thời gian làm việc, em tôi bị ốm nên xin nghỉ 3 ngày nhưng khi đi làm trở lại thì chủ cửa hàng nói đã thuê người khác thay thế vào vị trí của em tôi, em tôi có đề nghị thanh toán nốt tiền công tuần cuối cùng nhưng chủ cửa hàng nói vì em tôi xin nghỉ đột xuất, cửa hàng mất tiền môi giới tìm người thay nên tiền đó bị trừ vào khoản tiền công của em tôi do gây thiệt hại cho cửa hàng. Chủ cửa hàng còn nói, do hai bên chỉ ký Thỏa thuận công việc chứ không ký Hợp đồng lao động nên em tôi không có căn cứ để kiện đòi quyền lợi. Chủ cửa hàng nói như vậy có đúng không?

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

- Vấn đề anh Nguyễn Văn Hùng hỏi được chuyên gia của Phòng Lao động - Tiền lương và Bảo hiểm Xã hội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội trả lời như sau:

Hợp đồng là một cam kết giữa hai hay nhiều bên (pháp nhân) để làm hoặc không làm một việc nào đó trong khuôn khổ pháp luật. Hợp đồng thường gắn liền với dự án, trong đó một bên thỏa thuận với các bên khác thực hiện dự án hay một phần dự án cho mình. Và cũng giống như dự án, có dự án chính trị xã hội và dự án sản xuất kinh doanh, hợp đồng có thể là các thỏa ước dân sự về kinh tế (hợp đồng kinh tế) hay xã hội. Hợp đồng có thể được thể hiện bằng văn bản hay bằng lời nói có thể có người làm chứng, nếu vi phạm hợp đồng hay không theo cam kết thì 2 bên sẽ cùng nhau ra tòa và bên thua sẽ chịu mọi phí tổn.

Quy định tại Điều 13, Bộ luật Lao động 2019 cũng đã chỉ rõ khái niệm hợp đồng lao động như sau:

Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.

Theo đó, Hợp đồng lao động mang tính chất thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động, trong đó người sử dụng lao động có trả công, tiền lương cho người lao động. Các văn bản dù không đặt tên là Hợp đồng lao động tuy nhiên có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và có sự quản lý, giám sát, điều hành của người sử dụng lao động thì thỏa thuận đó cũng được coi là hợp đồng hợp lệ.

Trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải thực hiện giao kết Hợp đồng lao động với người lao động. Điều này đảm bảo việc cả người sử dụng lao động có trách nhiệm thực hiện hợp đồng theo những gì đã thỏa thuận và nhận được sự đồng thuận của cả hai bên.

Chiếu theo quy định trên của Bộ luật Lao động và trường hợp của em anh, mặc dù em anh và chủ cửa hàng ký bản Thỏa thuận công việc chứ không phải Hợp đồng lao động, nhưng trong bản Thỏa thuận công việc có nội dung về việc làm có trả công, tiền lương, thời gian làm thì phải coi đó là Hợp đồng lao động, và em anh hoàn toàn có thể căn cứ văn bản thỏa thuận này để làm căn cứ khởi kiện chủ cửa hàng đã không làm đúng thỏa thuận trả tiền công ban đầu đã ký kết, bảo đảm quyền lợi cho mình.

Phạm Diệp (Ghi)

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/thoa-thuan-cong-viec-cung-co-the-duoc-coi-la-hop-dong-lao-dong-163150.html